Ảnh minh họa

Áp lực với mẹ đơn thân

Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Trang, trong hành trình dạy con của mình, người mẹ đơn thân gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Họ vừa phải đóng vai trò là người mẹ, người cha của con. Nếu ở một gia đình có đầy đủ vợ chồng, khi quyết định điều gì, họ nhận được sự trao đổi của người chồng để đưa ra quyết định.

Nhưng khi chỉ có một mình, quyết định về việc học hành hay định hướng tương lai cho con, họ chỉ làm theo suy nghĩ của mình mà không có thêm kênh tham khảo. Khi có vấn đề xảy ra, họ nhận lỗi về mình. Chưa kể những mệt mỏi, khủng hoảng không được sẻ chia rất có thể bị đổ lên đầu đứa trẻ.

Khi mẹ đơn thân tìm kiếm "một nửa" của mình, người có thể đồng hành với họ, họ thấy lúng túng không biết làm thế nào với con của mình. Họ lo không biết người kia có yêu thương con của mình không? Chưa kể họ còn có thể gặp rào cản từ đứa con.

Trong các gia đình có bố mẹ đầy đủ, con cái được học kỹ năng sống, bài học đạo đức từ việc quan sát tấm gương của bố mẹ. Như bố mẹ trao nhau yêu thương, chăm sóc nhau lúc ốm đau. Thế nhưng, ở gia đình chỉ có mình mẹ, con không học được điều đó.

Chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Trang, Trưởng phòng Tham vấn học đường (trường Marie Curie, Hà Nội)

"Bật công tắc SOS" cho trẻ
Nói về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Trang, trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân chiếm tỷ lệ lớn, trong đó có cha dượng. Chị Đỗ Thị Trang cho biết, xâm hại không chỉ là hành động đụng chạm. Có nhiều trường hợp, cha dượng xâm hại trẻ một cách vô thức. Có trẻ kể, cha dượng mặc quần sịp thoải mái đi lại trong nhà hoặc bất thình lình mở cửa khi con ở trong phòng.

Những hành động ấy khiến đứa trẻ sợ hãi, không dám nói, không dám chia sẻ với mẹ. Hay những hành động thân mật giữa mẹ và cha dượng như vuốt ve, mẹ ngồi vào lòng bố... có thể khiến trẻ bị tổn thương. Những hành động riêng tư đó phải làm trong không gian riêng của mình, để con không bị tổn thương.

Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Trang, người mẹ cần trang bị kiến thức về giới tính cho con ngay từ khi con còn nhỏ. Người mẹ cần dạy con quy tắc đồ lót, quy tắc "5 ngón tay", quy tắc động chạm. Đây là những bài học rất hữu ích cho trẻ.

Các bà mẹ cần nhớ tuổi nào dạy cái gì. Người mẹ nên nói với con, cơ thể là món quà quý giá nhất mà tạo hóa ban cho. Đặc biệt, người mẹ cần nhấn mạnh rằng "con có quyền". Quyền của con là không ai được phép động chạm vào chỗ riêng tư của con, quyền được từ chối những hành động khiến con khó chịu.

Người mẹ cần giải thích rõ con được sinh ra từ đâu bằng những từ ngữ khoa học, không nên sử dụng những từ lóng, khiến con mặc định bộ phận âm đạo, sinh dục là xấu. Người mẹ cũng cần làm bạn với con để con cởi mở, chia sẻ với mẹ về giới tính. Nếu ngại, mẹ có thể sử dụng tranh ảnh, búp bê. Cần nói rõ, đúng và kỹ rằng làm thế nào để sinh ra em bé. Khi không giải thích, đứa trẻ càng tò mò càng tìm cách để hiểu và có thể nhận được những kiến thức sai lệch.

Đặc biệt, người mẹ cần dạy con "bật công tắc SOS". Công tắc SOS chính là cảnh báo sớm, giúp trẻ mạnh dạn nói "không đồng ý với các hành vi xâm hại". Người mẹ cần đồng hành cùng con, giải thích cho con hiểu những ảnh hưởng từ nguy cơ bị xâm hại tình dục. Sự cảnh báo ấy cần phải bật đồng bộ, từ đứa trẻ, gia đình, nhà trường và xã hội.

PNVN mở chuyên mục "Hành trình màu cam" nhằm khích lệ, kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng, cùng hành động để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Với nhiều bài viết về vấn nạn bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quấy rối tình dục nơi công sở, buôn bán phụ nữ và trẻ em... chuyên mục sẽ cung cấp những góc nhìn, thông tin tư vấn, chỉ dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Mời bạn đọc theo dõi chuyên mục "Hành trình màu cam" trên các số báo PNVN và Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử tại địa chỉ: https://phunuvietnam.vn/


Nhật Minh (ghi)