Đỗ Nhật Nam và bố mẹ khi còn ở Nhật

“Tết ta Nam vẫn đi học bình thường nên chúng tôi không thể cùng con đón Tết” - chị Phan Hồ Điệp, mẹ của Nam, cho biết. 

Đây là năm thứ hai Nam xa gia đình. “Phải nói trong suốt cả năm đầu Nam đi vắng, đó là khoảng thời gian khủng khiếp nhất đối với tôi. Những ngày trước tết, hầu như lúc nào mình cũng ở tình trạng rơi nước mắt”- mẹ Nam kể. Ngày ông Công ông Táo, chị Điệp đi thả cá, đội mưa vừa đi vừa khóc ròng vì mọi năm Nam toàn đi cùng mẹ. “Lúc ấy mình bật skype để cho Nam cũng nhìn thấy mẹ”.  Nam chắc cũng buồn lắm, nhưng em cứng rắn để làm mẹ vui, lúc đó không phải bố mẹ là chỗ dựa cho chàng trai mới bước vào tuổi teen, mà chính Nam là nguồn động viên bố mẹ.

Nam viết trong bài thơ gửi mẹ sau đó:

Hai ba mẹ đi thả cá/ Tiễn Táo ông trở về trời/ Bên này đại dương tít xa/ Em cùng mẹ đi tíu tít/ Ngoài trời mưa giăng mờ mịt/ Màn hình Ipad khô cong/ Nên mẹ lội mưa lạnh căm/ Mà em thì không hề ướt/ Mắt mẹ nhòe mờ những nước/ Không biết tại mưa hay... người/ Em đang bình an mỉm cười/ Sao mà mẹ rơi nước mắt...”

Những ký ức Tết gia đình luôn tràn ngập trong hai mẹ con mỗi dịp thế này. Chị Điệp rất ý thức việc dạy con trong từng việc làm, từng sự kiện. Thường mỗi lần đi chợ hoa về, chị đều hỏi Nam về cảm giác, so sánh chợ hoa năm nay với chợ hoa năm ngoái, nhằm giúp Nam cảm nhận sâu sắc hơn những gì mình nhìn thấy ở một nơi đặc trưng của tết Việt.

Thiêng liêng nhất, như mọi gia đình Việt, là đêm giao thừa, khi cả nhà cúng tất niên, dọn dẹp, ai cũng tíu tít, bận mà vui. Khoảnh khắc giao thừa, cả nhà  ôm chầm lấy nhau để chúc mừng năm mới trong tiếng pháo hoa rạo rực cả bầu trời. “Năm ngoái, Nam đi học xa, lúc giao thừa mình phải cố gắng để không rơi nước mắt. Cảm giác nhớ con vô cùng”- chị Điệp kể.

Từ khi Nam còn nhỏ xíu, cả gia đình ở Nhật, nhưng mỗi dịp Tết, cả nhà đều cố gắng về Việt Nam để đón tết. Trên mỗi chuyến bay, mẹ đều kể cho Nam nghe về sự tích đêm ba mươi, về những “nguyên tắc” phải thực hiện trong ngày tết, ví dụ không khóc nhè, phải biết nói lời chúc tết với mọi người, cách nhận lì xì và tiền mừng tuổi có ý nghĩa như thế nào. “Có lẽ vì được giảng giải từ nhỏ nên Nam rất hiểu về phong tục đón tết cổ truyền ở Việt Nam. Trong mỗi ngày tết, Nam luôn là người khiến cho cả nhà ai cũng vui, ai cũng thấy không khí mùa xuân tràn ngập”- mẹ Nam kể lại.

Có một năm, cả nhà đón Tết ở Nhật. Tết diễn ra lặng lẽ vì dân họ hay đi du lịch vào dịp này. Về sau, có lần mẹ Điệp  hỏi Nam liệu nước mình có nên giống như Nhật Bản, ăn tết vào dương lịch. Nam nghĩ rồi nói, theo em là không nên. Bởi tết cổ truyền đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt. Tết làm cho người ta sống tốt hơn. Mọi người cũng vì có tết mà cố gắng hoàn thành những mục tiêu mình đặt ra. Tết cổ truyền vào dịp âm lịch cũng là lúc hoa mai, hoa đào nở. Chứ nếu diễn ra trước đó, e là các hoa không nở kịp. Nam cũng cho rằng, thực ra, việc tổ chức tết như thế nào, vui hay không vui, tiết kiệm hay không tiết kiệm là ở chính mình chứ không phải ở việc tổ chức vào ngày nào.

Đỗ Nhật Nam đang theo học tại Mỹ

Một năm nữa đến, Nam lại tiếp tục bận rộn với những kế hoạch của em. Năm nay, Nam sẽ tham gia một số kì thi học sinh giỏi của các môn học, hoàn thành chương trình khóa học tài năng môn Toán của đại học John Hopkins. Nam cũng sẽ tham gia dịch thuật cho một số tờ báo của Việt Nam và duy trì việc dạy học cho các em nhỏ trên FB. Và chắc chắn khi trở về nhà vào dịp hè 2016, Nam vẫn sẽ dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ.

Thêm 1 cái Tết bố mẹ và Nam ở hai bên bờ đại dương. Những cuộc trò chuyện thường xuyên của cả gia đình, những bài viết bố mẹ dành cho Nam trên FB là mạch nguồn yêu thương để Nam tiếp tục trưởng thành. Những kế hoạch đầy ắp của một năm mới đang chờ trước mắt.

     ĐỖ HƯƠNG