Ở mỗi thời điểm, con người ta lại cầu mong những điều khác nhau. Có người ước vọng những điều vĩ đại, nhưng cũng có người chỉ cần “đủ” là hạnh phúc. Nhưng, cuộc sống vốn không hoàn hảo, có ngọt bùi thì chẳng thiếu cay đắng, giọt nước đôi khi cũng sẽ làm tràn ly và có cái được thì cũng có thứ mất đi, đó là lẽ thường tình. Vì vậy, ở đời, cách để đối diện mọi thứ một cách tốt nhất là sống hết mình, vì ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Mải chạy theo người khác và những mục tiêu, khiến bạn không bao giờ thực sự sống cho chính mình. Dù chỉ một lần. Hãy tự hỏi xem, nếu bạn không chu toàn cho chính mình, thì ai có thể? Cuộc đời như một vở kịch có rất nhiều chương và bạn chính là đạo diễn sẽ điều khiển toàn bộ. Chương cuối là viên mãn hay hối hận phù thuộc rất nhiều vào quá trình cố gắng của mỗi người. Học cách thay đổi cuộc sống, học cách nếm trải những thăng trầm, học cách bất mãn trước những thứ đáng ghét, nhưng bạn à, đừng học cách tiếc nuối những năm tháng đã qua.
Khi còn trẻ, bạn hay trì hoãn những kế hoạch vì cho rằng mình vẫn còn nhiều thời gian. Nhưng tuổi nào việc đó, có những việc dù còn thời gian nhưng bạn cũng chẳng đủ sức làm nữa rồi. Vì vậy, khi muốn làm gì đó, hãy làm ngay, cũng đừng nghĩ đến kết quả hay hậu quả. Thậm chí nếu thất bại, bạn cũng đặc biệt hơn người khác bội phận vì đã dám thử và chấp nhận rủi ro, đó cũng là cách bạn trải nghiệm sự viên mãn mỗi ngày. Một khi bạn dám thử những điều chưa từng thử, bạn đã càng đến gần hơn với việc hiểu rõ chính mình và khám phá các giá trị vốn tạo nên bạn mà bạn chưa từng nghĩ đến. Một trong những bi kịch của đời người là khi họ không thể hiểu bản thân và không biết mình muốn gì. Nhưng ngược lại, nếu bạn biết mình muốn gì và thậm chí điều bạn muốn đi ngược lại với số đông và nhận lấy chỉ trích, bạn đừng từ bỏ. Bởi đây là cuộc sống của bạn, cuộc sống sẽ phản ánh giá trị của chính bạn khi bạn biết cách đối xử tốt với chính mình. Ngày hôm qua thì cũng đã qua nhưng ngày mai lại còn chưa đến. Giữ bình thản trước những gì đã mất và trân trọng những gì mình được nếm trải, thế là bạn đã “giàu” hơn người khác rất nhiều.
Đôi khi, chúng ta gồng lên để làm quá nhiều thứ chỉ để người khác nhìn vào và công nhận, rồi khi cảm thấy quá tải, chúng ta lại cảm thấy bản thân vô dụng khi nhận phải những chỉ trích. Sự chỉ trích có thể là con dao hai lưỡi, giúp ta cố gắng hơn hoặc dập tắt tất cả khát vọng của ta. Nhưng chúng ta không biết rằng, sự chỉ trích vốn không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn là lời nhắn nhủ phát ra từ sâu thẳm, nó luôn muốn nói với ta rằng: Bạn không sinh ra để phục vụ ai ngoài chính mình. Mỗi chúng ta sinh ra đều rất bình thường. Nhưng chúng ta có thể chọn sống một cách rực rỡ trong cuộc đời bình thường của chính mình. Nhưng đôi khi, ta đã quên mất rồi, quên mất sau tất cả, bản thân mới là quan trọng nhất.
Khi địa vị xã hội của bạn cao hơn điều đó không đủ để bạn cảm thấy có giá trị hơn, mà ngược lại, một khi bạn nhận ra giá trị của mình, thì bạn có thể tách sự tồn tại của bạn khỏi bất kỳ ai để sống cuộc đời của chính mình mà chẳng vì ai khác. Hãy chủ động và ngừng chờ đợi những người xung quanh làm điều gì đó cho bạn, bởi những gì bạn muốn thì chỉ có bản thân bạn hiểu rõ và làm tốt nhất có thể. Còn lại, hãy xem mọi sự giúp đỡ nhận được là một hành trang, hành trang ấy có hay không thì con người bạn vẫn sẽ có cách đứng vững trên đôi chân của chính mình. Đừng cố gắng giữ lại những thứ không phục vụ cho mục đích hạnh phúc của bản thân, buông những điều cần bỏ và phát huy những thứ đáng giữ, sau đó mọi thứ sẽ đến rất tự nhiên và tuyệt vời.
Một người có thể sống dài, hoặc ngắn, nhưng khi còn sống, chỉ cần người ấy nói những gì cần nói và làm gì những gì muốn làm, thế là đủ một đời.
Nhìn nhận lại những mối quan hệ trong cuộc sống, mọi người thường sợ bản thân là kẻ “vô danh tiểu tốt” trong mắt người khác mà không biết rằng, trước khi nhận được sự tôn trọng của bất cứ ai, bạn phải tôn trọng chính mình. Tôn trọng cảm xúc, quyết định và những gì bản thân xứng đáng nhận được sau những cố gắng. Lúc nhỏ, chúng ta là đứa con bé bỏng của ba mẹ, chúng ta quấy khóc khi muốn và hờn dỗi khi không được thỏa mãn. Để rồi khi trở thành mẹ và vợ, đôi khi nước mắt còn phải nuốt ngược vào trong như một thói quen để mạnh mẽ bước tiếp. Liệu chúng ta còn có thể dễ dàng rơi nước mắt khi nhận lấy những hờn tủi, tổn thương khi trưởng thành nữa không?
Chẳng ai muốn bị thao túng trong một mối quan hệ, nhưng vì cả nể, đôi khi chúng ta sẵn sàng hạ thấp cái tôi để đối phương đạt được điều mong muốn. Tâm lý sợ xung đột vô tình khiến bạn rơi vào thế của người có lỗi và luôn thuận theo để chiều lòng số đông. Cũng chính điều này đã vô tình khiến bạn cho phép người ta tổn thương bạn hết lần này đến lần khác, để rồi chính giá trị của bạn cũng dần hạ thấp và khiến bạn rơi vào con đường “trở thành loại người mà chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trở thành”. Bạn hãy nhớ rằng, dù bạn muốn giữ hòa khí, nhưng đôi khi, đạt được lợi ích và trạng thái thỏa mãn mới là thứ kẻ khác tìm kiếm. Bạn sống hết lòng với người khác là không sai, nhưng cần tỉnh táo để biết đâu là giới hạn của chính mình. Đó cũng là cách bạn đang sống hết lòng với chính mình và để trái tim không nhận thêm đầy vết hằn sẹo.
Không ai là mảnh ghép hoàn hảo của ai cả, nhưng cũng không nên là sự chắp vá trong khoảnh khắc thiếu sót. Chán ghét, buông bỏ cũng là một trạng thái của cảm xúc. Vậy thì, sau những phút giây vui vẻ tưởng chừng không thể hạnh phúc hơn, hãy chấp nhận cả sự thất vọng và hụt hẫng trào ra như một cảm xúc phải xuất hiện nếu không may… duyên này lỡ. Dù sao, hãy cứ hết mình trong khoảnh khắc đó, để sau này nhìn lại, bạn có thể mỉm cười không hối hận vì bản thân đã làm thực sự tốt vai trò của một người đồng hành và tạo nên ký ức khó quên trong cuộc đời của một ai đó.
Bạn sẽ gặp gỡ rất nhiều người trong cuộc đời này rồi thậm chí lướt qua, tất cả đều là một cơ duyên. Cơ duyên ấy nếu đủ dài, thì bạn là “tất cả” với người khác, còn tệ nhất sẽ là “không gì cả” bởi người ta không còn muốn trân trọng mình. Nhưng cũng chẳng thành vấn đề khi trở thành “không gì cả” với người khác, nếu bạn ngộ ra bạn là “tất cả” của chính mình.
Một trong những cảm xúc hiện hữu và chiếm lĩnh ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống là ganh ghét. Nhưng cũng chính vì quá để tâm đến một ai đó bản thân cho rằng mình thua kém mà nỗi bực dọc của bạn lại ngày một tích tụ nhiều hơn. Không phủ nhận rằng ghen tị chính là chất xúc tác để chúng ta cố gắng hoàn thiện, nhưng nó cũng là một cảm xúc phá hoại cho thấy bạn đang không sống hết mình mà chỉ chăm chăm vào thành công của người khác. Và khi người ta càng thành công hơn, bạn lại càng tiêu cực trong chính những nỗi buồn do bản thân tạo ra. Thời gian công bằng với tất cả mọi người, hãy tìm ra mục tiêu của cuộc đời và hết lòng vì nó. Hãy nỗ lực đạt đến gần hơn với mục tiêu, từng chút từng chút một và rồi thành tựu sẽ xuất hiện. Có người làm việc cực nhọc, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn hạnh phúc, bởi vì họ biết mục tiêu của mình là gì. Nhưng có người quần áo lả lướt, xung quanh có rất nhiều mối quan hệ nhưng lại không thể nở nụ cười thật tâm, có lẽ vì họ cũng đang rối bời trong sự hào nhoáng. Bởi cuối cùng, những thứ không thuộc về mình vốn sẽ chỉ khiến bản thân tổn thương.
“Học cách thay đổi cuộc sống, học cách nếm trải những thăng trầm, học cách bất mãn trước những thứ đáng ghét, nhưng đừng học cách tiếc nuối những năm tháng đã qua.”
⁂
Nếu không thích một điều gì đó trong cuộc sống, bạn sẽ phàn nàn hay tích cực làm việc để thay đổi nó? Chắc chắn bạn sẽ chọn điều thứ hai nhưng lại không tránh khỏi việc tiếp tục so sánh, hơn thua và thậm chí đánh mất bản thân mình vì chạy theo một hình mẫu nào đó khiến bạn cảm thấy an toàn trong cuộc sống vốn nhiều thị phi. Đừng sống vì người khác. Nhưng cũng đừng ích kỷ chọn con đường làm tổn thương những người xung quanh. Ai cũng gặp bất hạnh nhưng nỗi đau thì chẳng bao giờ vĩnh cửu. Cuộc sống có thể rất tươi đẹp hoặc rất tăm tối, nó phụ thuộc vào cách bạn đối mặt. Tốt hơn hết là chúng ta hãy cứ sống một cuộc đời có ý nghĩa, sống vui mỗi ngày và khiến bản thân được thỏa mãn với sự tử tế và thái độ đúng đắn. Có như vậy, trước khó khăn, thất bại mới không chọn cách đổ lỗi. Thay vào đó, bạn sẽ bình tĩnh điều chỉnh tâm lý để đón nhận, để lòng mình luôn vẹn tròn vì sự tự tin, lạc quan và dũng cảm tin rằng bản thân có thể vượt qua và làm tốt hơn.
Dù là ai cũng có những giới hạn riêng, đặc biệt là khi con tim mệt mỏi, bạn sẽ không còn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc đời này. Đừng để con tim mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi khi bộn bề và tập trung vào những niềm vui nhỏ mỗi ngày. Như bất chợt nhìn thấy nụ hồng ra hoa hay vô tình nhận được sự giúp đỡ từ một người lạ, điều đó có thể khiến bạn mỉm cười cả ngày. Cứ sống trong hiện tại, đừng lãng phí cuộc sống để chỉ nghĩ về quá khứ hay lo lắng tới tương lai. Hạnh phúc trong cuộc sống này được nuôi dưỡng khi bạn trở thành người có ích, có hiểu biết để làm giàu cho bản thân và làm chủ vận mệnh của chính mình.
Theo nudoanhnhan