|
|
Yahya Al-Ghazali (10 tuổi) đang học tại lớp. |
Trong bối cảnh này, nhiều em sẵn sàng theo học tại những ngôi trường tạm, được dựng lên từ lều và bạt.
Cuộc sống bị đảo lộn
Cậu bé Yahya Al-Ghazali (10 tuổi) giơ tay lên một cách hăng hái, mắt mở to khi cựa người trên ghế, háo hức được đưa ra câu trả lời, rồi chờ ý kiến của giáo viên. Đây là cảnh tượng quen thuộc trong các lớp học trên khắp thế giới. Song, lớp học này lại khác biệt so với hầu hết những nơi khác.
Lớp học nằm bên trong một chiếc lều. Mặt bên của lớp được làm bằng bạt và ván ép. Lớp học cũng không có cửa sổ, trong khi sàn nhà là cát, còn bàn học được xếp ken đặc vào nhau, với rất ít khoảng trống.
Thế nhưng, số lượng học sinh có nhu cầu theo học tại đây ngày càng cao. Ngôi trường tạm này là một trong số ít địa điểm ở Gaza mà sau một năm chiến tranh, trẻ em vẫn có thể được học.
Một phân tích của ABC News vào tháng 9/2024 cho thấy, ít nhất 70% tổng số trường học ở Gaza - 399 tòa nhà - đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas bắt đầu cách đây một năm vào ngày 7/10/2023.
Theo Liên Hợp Quốc, hậu quả là, khoảng 625.000 trẻ em ở Gaza đã không thể đến trường kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Song, lý do không chỉ vì quá nhiều trường học bị phá hủy. Các cơ quan cứu trợ cho biết, thực tế, nhiều trường học đã đóng cửa vì hỗn loạn hoặc đang được sử dụng làm nơi trú ẩn cho các gia đình phải di dời.
Một số phụ huynh cũng giữ con bên mình để đảm bảo an toàn, thay vì cho chúng đến trường. Trong khi đó, một số gia đình đã phải di dời quá nhiều lần do chiến tranh. Điều đó khiến họ không biết tìm trường nào cho con mình theo học.
“Không có trẻ em nào được hưởng nền giáo dục mà chúng cần. Chúng ta có nguy cơ mất đi một thế hệ, bất chấp những nỗ lực lớn nhất của phụ huynh. Điều đó sẽ là thảm họa đối với Gaza và với khu vực này”, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) - James Elder cho biết.
Giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu đối với những người sống ở Gaza. “Tôi không nghĩ là có nhiều người biết rằng, người dân Gaza và Palestine là một trong những nhóm có tỷ lệ biết chữ cao nhất trên hành tinh. Thực ra, có một lý do đơn giản khiến Gaza không sụp đổ, đó là vì người dân. Đó là vì người Gaza coi trọng giáo dục”, ông Elder giải thích.
Theo thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc được đăng vào tháng 1/2023, tỷ lệ biết chữ ở Palestine khi đó là 97,7%. Sự đề cao giáo dục là lý do tại sao Yahya và khoảng 30 đứa trẻ khác sẵn sàng ngồi tại căn lều nhỏ ở Deir al Balah, miền Trung Gaza, để học tiếng Anh, tiếng Ả Rập và Toán học.
“Giáo dục rất quan trọng đối với chúng tôi ở Gaza”, Huda Alian, người mẹ 32 tuổi của Yahya chia sẻ. Phụ huynh này giải thích rằng đã khuyến khích con trai đến ngôi trường tạm “để cháu không quên những gì đã học”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự háo hức học tập của Yahya, có nỗi đau hiện rõ trong đôi mắt của cậu bé, một sự bất an rõ rệt. “Chiến tranh đã cướp đi mọi thứ em yêu quý. Nó đã phá hủy ngôi nhà, đồ chơi, phòng, lấy đi bạn bè và trường học của em. Em không thích vẻ ngoài của mình vì không được mặc những bộ quần áo đẹp từng có trước chiến tranh. Em mệt mỏi vì phải đi lấy nước mỗi ngày và chờ đợi nhiều giờ liền”, cậu bé chia sẻ.
|
|
Trẻ em học tiếng Anh tại lớp học tạm thời được dựng trong một chiếc lều ở Deir al Balah (Gaza). |
Nỗi đau hằn sâu
Cuộc sống của Yahya, giống như hầu hết mọi người ở Gaza, đã hoàn toàn bị đảo lộn bởi cuộc xung đột bắt đầu cách đây một năm, khi những kẻ khủng bố Hamas tấn công Israel, giết chết hơn 1.200 người và bắt giữ khoảng 250 con tin. Các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến gần 42.000 người Palestine thiệt mạng. Trong đó, phần lớn những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em. Các cơ quan cứu trợ cho biết, trẻ em đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến này.
“Khi UNICEF gọi đây là cuộc chiến chống lại trẻ em, chúng tôi không chỉ nói ẩn dụ. Chúng tôi nói như vậy vì đó là những gì bằng chứng cho thấy. Trẻ em chịu tác động nghiêm trọng so với tất cả các cuộc xung đột khác, xét về thương tích, cũng như số người thiệt mạng”, ông Elder cho biết.
Người phát ngôn này cũng cho rằng, số trẻ em thiệt mạng trong cuộc chiến là điều phi lý. “Làm sao cha mẹ có thể giữ an toàn cho con mình? Đã có lúc, trẻ em nhìn vào mắt cha mẹ và nhận ra rằng, phụ huynh không thể giữ con an toàn. Đó là khoảnh khắc kinh hoàng đối với cha mẹ”, ông nói thêm.
Cha của Yahya, Mahmoud Al-Ghazali chia sẻ: “Trẻ em đã mất đi tuổi thơ”. Gia đình Al-Ghazali chuyển từ thành phố Gaza ngay thời điểm cuộc xung đột xảy ra. Từ thời điểm đó, họ đã phải di dời ba lần và hiện sống trong một căn lều ở Deir al Balah.
“Cuộc sống của các con chúng tôi đã chuyển từ bình yên và ổn định sang hỗn loạn và hủy diệt”, mẹ của Yahya cho biết. Trong khi đó, anh Mahmoud Al-Ghazali cũng giải thích rằng, ngôi trường nơi Yahya từng học ở thành phố Gaza đã bị tên lửa tấn công vào cuối tháng 9. “Con trai tôi đã mất đi bạn bè. Hiện tại, thằng bé rơi vào trạng thái buồn bã và sốc”, cha của Yahya cho biết.
Song, Yahya, giống như những đứa trẻ khác, đã tìm thấy niềm an ủi trong lớp học tạm của mình. “Em đến lớp để học bất cứ điều gì hữu ích. Nhưng ngay cả như vậy, em vẫn nhớ sách vở và việc học với các bạn cùng lớp. Em không muốn ở trong lều suốt đời. Em muốn chiến tranh kết thúc và có thể trở lại cuộc sống bình thường”, cậu bé bày tỏ.
Những mất mát do chiến tranh mang lại cũng in sâu vào khuôn mặt trẻ thơ của Lana. Cô bé cũng đã mất nhiều người trong cuộc xung đột và đặc biệt buồn bã khi một người bạn thân qua đời. Mẹ của Lana, Jihan Hamed Abu Nahl (30 tuổi) chia sẻ, con gái cô thường trong tình trạng đau khổ.
Lana cũng thường xuyên hỏi mẹ rằng, khi nào chiến tranh sẽ kết thúc và tại sao tất cả sự tàn phá này lại xảy ra ở Gaza. “Các con tôi trở nên rất lo lắng và đôi khi khóc vô cớ lúc ngủ. Đột nhiên, chúng tỉnh dậy sau cơn ác mộng và nói với tôi là đã thấy một quả tên lửa rơi xuống lều, còn tất cả đã thiệt mạng”, chị Jihan Hamed Abu Nahl nói.
Nhiều trẻ em ở Gaza đều nói rằng, các em nhớ trường da diết. Salma Abu Odah (11 tuổi) cũng nằm trong số đó. Không giống như Yahya và Lana, Salma học tại một ngôi trường hiếm hoi ở Deir al Balah vẫn còn tồn tại, mặc dù nơi đây cũng đang được sử dụng làm nơi ở cho những người dân Gaza phải di dời vì chiến tranh.
|
|
Lana Shamlakh (11 tuổi) làm bài tập về nhà trong căn lều nơi gia đình em sống ở Deir al Balah (Gaza). |
“Em rất nhớ trường và các bạn cùng lớp. Khi chiến tranh kết thúc, em sẽ đến ngồi trên đống đổ nát của ngôi nhà và tìm kiếm đồ đạc của mình”, Salma nói, đồng thời bày tỏ mong ước cuộc sống trở lại bình thường.
Theo thống kê từ UNICEF, ước tính có 19 nghìn trẻ em tại Gaza không có người giám hộ hoặc đã bị tách khỏi cha mẹ. Không có số liệu chính xác, nhưng tần suất để gặp những đứa trẻ như vậy là rất cao.
“Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đi học đều không tham gia một giờ học nào trong suốt 12 tháng qua. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là chúng muốn được đi học. Những đứa trẻ muốn được chơi với bạn bè, gặp thầy cô. Giáo dục sẽ mang đến cho trẻ niềm hy vọng”, ông Jonathan Crickx - người phát ngôn của Liên Hợp Quốc về các vùng lãnh thổ Palestine, cho biết.
Trong bối cảnh này, các cơ quan Liên Hợp Quốc và tổ chức viện trợ đã cảnh báo về sự lây lan của nhiều dịch bệnh và rủi ro về sức khỏe do chiến tranh gây ra. Điều kiện sinh hoạt rất kém, mật độ dân số cao, cùng với đó, việc tiếp cận nhà vệ sinh rất hạn chế là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của bệnh tật.
Ông Crickx cho hay, tình hình này đã dẫn đến việc trẻ em không nhận được sự chăm sóc y tế mà chúng cần phải có. Hầu hết các bệnh viện ở Gaza không hoạt động trong khi có rất nhiều trẻ em đang bị ốm và cần được điều trị. “Những đứa trẻ cần phải được sơ tán y tế khẩn cấp, nếu không chúng sẽ không sống nổi”, ông nói.
Trước đó, năm 2022, tổ chức Save the Children phát hiện, những cuộc xung đột, lệnh phong tỏa trên không, trên bộ và trên vùng biển giữa Israel và Palestine ở Dải Gaza khiến 55% trẻ em ở khu vực này có ý định tự tử. Theo các nhà quan sát, tỷ lệ trẻ em có ý định tự tử càng tăng lên kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ. |
Theo giaoducthoidai