Nguyên nhân thiếu giáo viên
Bà Randi Weingarten - Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Mỹ, cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi có khoảng 300.000 giáo viên nghỉ việc". Tỷ lệ giáo viên nghỉ việc của nước này ngày càng cao, trong khi số người vào ngành lại không đủ để lấp đầy khoảng trống. Điều này, dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên nhiều trường Mỹ phải hạ tiêu chuẩn tuyển dụng.
Một số tiểu bang như Texas, Nevada, Florida và Arizona... rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do lương thấp, nỗ lực trong công việc của họ không được ghi nhận và điều kiện làm việc xuống cấp.
Cô Sandra Lopez Gallardo - giáo viên trung học, chia sẻ: "Đồng nghiệp của tôi đều làm thêm các việc khác để trang trải cuộc sống kể cả bồi bàn hay lái xe”.
Nói về vấn đề thiếu giáo viên, bà Jennifer Smith - Phó giáo sư ĐH Purdue, cho biết: "Suy thoái kinh tế sau dịch Covid-19, cùng những lo ngại về an toàn học đường và mức lương không tương xứng là lý do khiến nhiều giáo viên ở Mỹ nghỉ việc".
Giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên
Giải quyết vấn đề này, hồi tháng 6/2023, bang Mississippi, Mỹ đã chi ra 10 triệu USD (240 tỷ đồng) để đào tạo 200 giáo viên nội trú thực tập, theo Washington Post. Chi phí dành cho mỗi người là 50.000 USD (1,2 tỷ đồng). Chương trình cho phép học viên làm việc tại các trường.
Bang Nebraska, Mỹ khởi động chương trình ‘Giáo viên bản địa' để khuyến khích và tạo điều kiện cho họ nhận bằng cử nhân sư phạm miễn phí khi làm việc ở trường. Nhờ đó, bang có thêm 59 giáo viên được bổ sung vào biên chế các trường.
Việc tuyển dụng giáo viên từ bang khác hoặc mời cựu giáo viên đến tiếp quản lớp học là giải pháp các thống đốc đưa ra. Tại một số tiểu bang khác của Mỹ, tính đến phương án tăng lương và tiền thưởng để giữ chân giáo viên.
Bà Jennifer Smith - Phó giáo sư ĐH Purdue, đồng tình cho rằng cần tăng mức lương tối thiểu của nhân lực trong ngành giáo dục. "Chúng ta cần xem xét mức lương tối thiểu được đề ra từ trước, liệu còn phù hợp với hiện nay không", bà nói thêm.
Biện pháp đối phó giữ chân giáo viên
Đối mặt với thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng, năm học 2023-2024 nhiều tiểu bang ở Mỹ giảm xuống học 4 ngày/tuần (trước đó học 5 ngày/tuần). Năm 2021, xu hướng học 4 ngày/tuần xuất hiện, nhiều trường thấy việc này có lợi, theo The Hill. Để đảm bảo không thiếu giờ dạy, trong các ngày đi học sẽ cộng thêm 35 phút.
Năm 2023, 14.000 học sinh ở TP Independence, bang Missouri, Mỹ sẽ học 4 ngày/tuần, nghỉ cuối tuần và thứ 2. Số trường Mỹ áp dụng chính sách này tăng lên trong năm học 2023-2024.
“Có 850 học khu áp dụng lịch học này, con số tăng lên 200 so với năm 2021", giáo sư Aaron Pallas của ĐH Sư phạm Colombia cho biết.
Theo các chuyên gia, việc triển khai lịch học này là biện pháp đối phó với các vấn đề giáo dục phát sinh, trong đó có việc giữ chân giáo viên. Rút ngắn số ngày đến trường trong tuần của học sinh được xem là chiến lược để tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là ở vùng nông thôn Mỹ.
Tuy nhiên, việc số ngày đi học trong tuần bị rút ngắn khiến phụ huynh đau đầu. Họ bày tỏ sự lo lắng vì có thể phải sử dụng dịch vụ gửi con ngày trong tuần.
Ông Aaron Pallas cho biết một số quận cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, nhưng phụ huynh phải trả khoảng 30 USD/ngày (721.000 đồng). Thế nhưng, khoản phí này gây ra khó khăn đối với những gia đình không có điều kiện.
Trái với tâm lý phụ huynh, giáo viên lại hưởng ứng. Họ cho rằng sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng, chấm điểm và lên kế hoạch cho các hoạt động khác.
Không chỉ giáo viên, học sinh cũng thích học 4 ngày/tuần vì quãng đường từ nhà đến trường xa. Việc học ít ngày, giúp học sinh không phải di chuyển nhiều. Nhà trường tiết kiệm được chi phí điện, nước.
Ông Thomas Smith - hiệu trưởng Trường Trung học Công giáo Bishop McCort, cho hay lý do để trường áp dụng lịch học trên nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu giáo viên.
Đối với ngày nghỉ, trường tổ chức chương trình giáo dục tự chọn cho học sinh. Khi đồng hành với học sinh trong các hoạt động ngoại khóa giáo viên sẽ có thêm thu nhập. Để thực hiện chính sách này, trường đã phải thảo luận cách đây 1,5 năm và bắt đầu thay đổi từ năm học 2023-2024.
Theo vietnamnet