Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ có thể sẽ bắt đầu tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi học trung học trước mùa Thu năm nay và những trẻ nhỏ hơn trước cuối năm và đầu năm 2022. Đây là thông tin mới được cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Chính phủ Mỹ, ông Anthony Fauci, đưa ra ngày 28/2.
Việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng tới độ tuổi trẻ đi học sẽ giúp hàng triệu trẻ em tại nước này được trở lại trường học và giảm tải cho hàng triệu bậc phụ huynh hiện đang kèm cặp con học tại nhà trong kỳ học mùa Xuân này.
Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất thế giới, hơn 29,25 triệu ca. Theo báo New York Times, hiện chỉ có khoảng 50% học sinh tại nước này được đến trường học. Các trường học trên cả nước đang thực hiện các kế hoạch mở cửa trở lại không đồng bộ và đây cũng là vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ.
Một số trường tư nhân và trường tôn giáo mở cửa trở lại trước các trường công trong khi các giáo viên ở một số địa phương phản đối việc trở lại trường quá sớm.
Tuy nhiên, việc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin của Johnson & Johnson, chỉ cần một mũi duy nhất, giúp mở rộng cơ hội đưa trẻ trở lại trường học sớm hơn dự kiến.
Tới nay, chưa có vắcxin nào trong số 3 vắcxin đã được Mỹ cấp phép (bao gồm cả vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna) được sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, các hãng cũng đang triển khai thử nghiệm vắcxin với trẻ em.
Trả lời phỏng vấn của kênh NBC, chuyên gia Fauci cho rằng thanh thiếu niên từ 14-18 tuổi ở Mỹ nên được tiêm vắcxin phòng COVID-19.
Ông cũng cho biết dù không chắc chắn trẻ sẽ được tiêm chủng ngay trong ngày đầu tiên trở lại trường nhưng có thể lịch tiêm chủng sẽ theo sát lịch mở cửa các trường học.
Ông Fauci cũng cho biết hiện giới chức đang tổng hợp và phân tích dữ liệu về hiệu quả và mức độ an toàn của vắcxin khi tiêm cho trẻ ở độ tuổi tiểu học (từ 5-13 tuổi ở Mỹ) vì vậy có thể phải tới cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 thì trẻ em ở độ tuổi này mới có thể được tiêm chủng phòng COVID-19.
Theo hướng dẫn của chính phủ liên bang, quyền quyết định mở cửa trở lại các trường học phụ thuộc chủ yếu vào các ban giám hiệu của mỗi trường, không phải do tổng thống.
Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên là nhóm đối tượng được cho là có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn thông thường và việc trẻ tới học tại trường cũng được cho là không có vai trò đáng kể gây những ca lây nhiễm cộng đồng.
Hồi đầu tháng 2, Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ban hành hướng dẫn mới, hối thúc các trường nối lại hoạt động sớm nhất có thể nếu đảm bảo được an toàn.
Hướng dẫn của CDC Mỹ nhấn mạnh các quy định như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khử trùng cũng như truy dấu tiếp xúc. Cơ quan trên cũng khuyến khích tiêm chủng cho nhân viên nhà trường và các giáo viên ngay sau khi có vắcxin cho nhóm này, đồng thời lưu ý các nhà trường nên cân nhắc kế hoạch mở cửa trở lại tùy thuộc tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Cũng trong ngày 2/2, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết nhiều khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp phép sử dụng vắcxin của Johnson & Johnson trong đầu tháng 3 này.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 3, Bộ trưởng Agnes Pannier-Runacher cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đang đánh giá các thông tin được Johnson&Johnson cung cấp.
Bà cho biết việc cấp phép cho vắcxin của hãng vào đầu tháng 3 sẽ mở đường cho việc đưa vắcxin vào sử dụng trong cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Bộ trưởng Pháp cũng tin tưởng đây là một tin tốt vì vắcxin của Johnson&Johnson có ưu điểm là chỉ cần một mũi duy nhất, thay vì 2 mũi như những vắcxin của Moderna và Pfizer/BioNTech.
Vắcxin của Johnson & Johnson được FDA Mỹ cấp phép ngày 27/2, trở thành loại vắcxin thứ 3 được phép lưu hành tại nước này.
FDA Mỹ đánh giá vắcxin của hãng có hiệu quả bảo vệ cao trước virus SARS-CoV-2, trong đó có cả các biến thể mới của virus. Trong thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, vắcxin của Johnson&Johnson cho hiệu quả bảo vệ lên tới 85,9% tại Mỹ, 81,7% tại Nam Phi và 87,6% tại Brazil.
Theo Vietnamplus