leftcenterrightdel
 Lê Trung Nghĩa

Cách đây 3 năm, sau một thời gian học lớp chuyên Toán ở Trường Phổ Thông Năng Khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), Lê Trung Nghĩa quyết tâm đi du học.

“Đậu thì đậu rồi đấy nhưng rốt cuộc thì chẳng lẽ việc học của mình lại chỉ dừng ở đó?” - tự đặt ra câu hỏi này, Nghĩa bắt đầu đi tìm những cơ hội ở bên ngoài với mong muốn lựa chọn được một môi trường phù hợp để phát triển.

Kể về quyết định đi du học từ khi mới chỉ 16 tuổi, Nghĩa chia sẻ rằng dù có trong tay cơ hội đỗ vào một trường đại học tại Việt Nam, Nghĩa vẫn chưa cảm thấy chưa trọn vẹn và hài lòng.

Thời gian đầu bố mẹ Nghĩa không ủng hộ ý định này và thời điểm đó là lúc dịch Covid vẫn đang ảnh hưởng khắp thế giới, Ấn Độ cũng không ngoại lệ.

“Mình hiểu lí do vì sao bố mẹ không muốn mình đi cho lắm, nhưng bản thân mình thì thấy cơ hội khi đi lớn hơn nhiều so với rủi ro.”

Vì thế, Nghĩa đã mất đến hai tháng để thuyết phục bố mẹ, nhờ giáo viên ở trường, bạn bè cùng người thân giúp sức, tìm gần như mọi cách có thể nhận được cái gật đầu. Sau thời gian “trường kì kháng chiến”, bố mẹ mới an tâm hơn một chút về chuyện du học của cậu.

Nói về lí do chọn học tiếp cấp 3 tại UWC Mahindra College (Ấn Độ), Nghĩa cho biết "Đây là một ngôi trường quốc tế với bạn học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, bản thân Ấn Độ cũng có nền văn hóa riêng rất đặc trưng và đa dạng, và chính sự đa dạng nhiều mặt về văn hóa, danh tính, lý tưởng,… của những con người nơi đây đã thu hút mình.”

Lần đầu sống xa gia đình, Nghĩa cũng bỡ ngỡ như bao du học sinh khác, phải sống tự lập hơn, học cách nấu ăn, làm việc nhà... Nhưng đặc biệt nhất là Nghĩa phải nghĩ cách làm thế nào để đại diện cho nền văn hóa, con người Việt Nam một cách tốt nhất, lan tỏa văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế.

Khi đã làm thân được với các bạn, Nghĩa cũng có thêm nhiều kỉ niệm và khoảng thời gian đáng nhớ, những đêm gần sát ngày kiểm tra, Nghĩa phải thức đêm tới hơn 12 giờ, 1 giờ sáng để hỗ trợ các bạn khác ôn bài kiểm tra. Nhưng đôi khi, để giải tỏa căng thẳng, mọi người đã cùng nhau bật karaoke lên hát, bật nhạc lên nhảy. Nghĩa thực sự cảm thấy những ngày đó rất đáng nhớ vì nó giống như đánh dấu bước chuyển tiếp từ Việt Nam sang Ấn Độ.

Giành học bổng 7,3 tỷ đồng ở Cornell

Trong thời gian học tại Ấn Độ, Nghĩa cũng chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn trong hành trình học tập của mình. Trong mùa tuyển sinh vừa qua, Nghĩa đã xuất sắc giành học bổng 90%, tương đương với khoảng 7,3 tỉ đồng, cho 4 năm học tại ĐH Cornell - một trong những trường đại học uy tín bậc nhất nước Mỹ (xếp thứ 21 thế giới theo QS Rankings). 

Một điều đáng khâm phục ở nam sinh này là khi nộp hồ sơ dự tuyển học bổng ở cấp 3 cũng như đại học, Nghĩa đều tự làm chứ không đi qua trung tâm nào.

Theo Nghĩa, thực ra đây là một thiệt thòi rất lớn vì thiếu đi sự trợ giúp của những người đã có nhiều kinh nghiệm, có những chiến lược nhất định và có thể giúp quá trình nộp hồ sơ diễn ra trơn tru hơn. Tuy nhiên, mặt tích cực là điều này khiến Nghĩa trở nên rất chủ động.

"Bên cạnh đó, em nhờ đến những mối quan hệ ở Ấn Độ, những anh chị đi trước để chỉnh sửa và hoàn thiện bộ hồ sơ.

Đôi khi cũng có những phút giây em cảm thấy nản lòng vì quá trình tự làm hồ sơ thực sự rất gian nan. Em đã phải loay hoay rất nhiều và thậm chí có lúc không còn động lực tiếp tục. Nhưng sau những khoảng lặng đó, với quyết tâm để vào được ngôi trường mà mình hằng mong ước, em tiếp tục dốc sức và hoàn thành hồ sơ một cách chỉn chu nhất có thể". 

Nghĩa kể rằng mình đã chuẩn bị bài luận khá sớm, trong thời gian bị cách ly một tháng rưỡi khi về Việt Nam năm ngoái. 

Trong bài luận, Nghĩa đã nói về mối quan hệ giữa bản thân và mẹ. Mối quan hệ đấy giúp em hiểu hơn về intersectionality (thuật ngữ để chỉ các sự áp bức xã hội khác nhau sẽ đan xen và cộng hưởng cho nhau), từ đấy hiểu hơn về danh tính bản thân cũng như khơi dậy mong muốn hoạt động xã hội cho nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em cũng như nhóm thiểu số tính dục. 

"Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, những thứ gần gũi và xoay quanh cuộc sống, mình liệt kê ra những hoạt động, những giá trị đại diện cho bản thân. Sau đó, mình phân tích kĩ để tìm ra những kết nối thú vị để viết trong bài luận” - Nghĩa chia sẻ.

Nói thêm về kinh nghiệm là hồ sơ du học, Nghĩa cho biết "Các bạn đang có ý định đi du học chắc hẳn cũng biết rằng bên cạnh thành tích học tập nổi trội thì hoạt động ngoại khóa cũng rất quan trọng. Theo mình, mọi người nên có sự kiên định với một dự án nhất định trong hồ sơ, và điều đấy có thể thể hiện qua sự cam kết đối với sứ mệnh và ý nghĩa, giá trị mà bạn lựa chọn.

Tuy nhiên, các bạn cũng nên có sự đa dạng nhất định trong hoạt động ngoại khóa, để người khác có thể thấy được rằng bạn còn hứng thú với nhiều giá trị khác nữa”.

Theo vietnamnet