leftcenterrightdel
Nguyễn Lê Đông Hải trong buổi nhận bằng tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc của mình (Ảnh: NVCC). 

Tốt nghiệp trường đại học top đầu Mỹ với điểm GPA cận tuyệt đối

Hơn 3 năm về trước, chàng trai Nguyễn Lê Đông Hải (sinh năm 2002, đến từ Quảng Ngãi) từng là cái tên gây ấn tượng mạnh với nhiều người trẻ Việt bởi liên tiếp nhận được học bổng và thư trúng tuyển từ 21 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore ngay khi hoàn thành xong chương trình phổ thông.

Sau đó, nam sinh đã chọn Trường Đối ngoại Walsh của Đại học Georgetown làm điểm đến trên hành trình du học của mình và theo học chuyên ngành kinh tế quốc tế (international economics).

Được biết, đây là ngôi trường quan hệ quốc tế lâu đời nhất tại Mỹ và được Foreign Policy xếp hạng 1 toàn cầu. Đặc biệt, Georgetown cũng là nơi đào tạo của 2 tổng thống Mỹ, 14 nguyên thủ quốc gia, và có số lượng cựu sinh viên làm việc trong Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ nhiều hơn bất cứ đại học nào khác tại quốc gia này.

Mới đây, nam sinh Việt đã tốt nghiệp sớm với tấm bằng đại học hạng xuất sắc chỉ sau 3 năm học. Trong buổi lễ tốt nghiệp hồi tháng 5 vừa qua, Hải là một trong những tân cử nhân trẻ tuổi nhất của trường và cũng là một trong số ít sinh viên được đeo dải dây danh dự (honor cords) – đây là vinh dự chỉ được trao cho các sinh viên tốt nghiệp hạng “summa cum laude”.

Theo hệ thống khen thưởng của các trường đại học tại Mỹ, các sinh viên ưu tú nhất sẽ được trao bằng danh dự có thêm các chữ cái Latin – khác với những tấm bằng thông thường. Theo thứ tự từ thấp đến cao là “cum laude”, “magna cum laude” và “summa cum laude”. Trong đó, “summa cum laude” – nghĩa là “vinh dự tột đỉnh” hay có thể tạm dịch là loại “xuất sắc” – là danh hiệu học thuật danh giá nhất và chỉ được trao cho top 1-5% sinh viên của trường).

Thông thường, chương trình đại học tại Mỹ phải mất 4-5 năm để hoàn thành. Nhưng với mong muốn học vượt tín chỉ để hoàn thành sớm nên khối lượng học của Hải khá nặng. Dù vậy, nam sinh vẫn duy trì điểm GPA gần tuyệt đối (3.98/4.0), tương đương 99.5 trên thang điểm 100.

Để đạt được kết quả mình đặt ra, nam sinh cho biết mình từng đặt nặng vấn đề về điểm số trong những học kỳ đầu của bậc đại học. Tư duy này khiến Hải chịu nhiều áp lực do luôn cố gắng “nhét” kiến thức vào để chuẩn bị cho bài kiểm tra hay dự án cuối kỳ. Điều này khiến cho việc học của em trở thành một gánh nặng và làm mất đi “tính hấp dẫn, thú vị của nó.”

Nhận ra hạn chế của mình, Hải cố gắng thay đổi tư duy này và cảm thấy bản thân như được “giải phóng” khi tìm thấy niềm vui cùng đam mê với hành trình học tập và kết nối ở một mức độ sâu hơn với kiến thức mình đã học được.

“Trước đây, đối với những môn có yêu cầu về việc phát biểu xây dựng bài (class participation), em luôn cảm thấy đó là một cực hình do còn đặt nặng vấn đề điểm số. Khi đó, em phải soạn thảo câu trả lời sẵn để đảm bảo mỗi lần lên lớp mình tham gia phát biểu ít nhất 2 lần (mức tối thiểu để đạt trọn điểm phần này) nên em đã cảm thấy rất khó chịu nếu như gần hết lớp mà mình vẫn chưa phát biểu đủ.

Tuy nhiên, sau khi đã thay đổi tư duy này, em quan tâm hơn đến việc lắng nghe trao đổi từ giáo sư và các bạn học và tham gia tranh luận một cách sâu sắc và nhiệt tình hơn. Qua đó, em cũng nhận thấy trước đây mình đã bỏ lỡ trải nghiệm được “cuốn mình” vào lớp học do chỉ tập trung quá nhiều vào việc điểm số”, Hải chia sẻ.

Theo nam sinh, thực tế, việc trao đổi kiến thức với các giáo sư không nên chỉ giới hạn trong phạm vi giải quyết các vấn đề mình chưa hiểu.

Do đó, Hải luôn cố gắng mở rộng thêm những kiến thức đã học như dành thời gian để đàm luận với các giáo sư về các vấn đề thời sự liên quan đến nội dung bài học cũng như học hỏi thêm những kinh nghiệm uyên thâm của các giáo sư về công việc, cuộc sống, xã hội.

“Các thầy cô tại trường không chỉ là những học giả đầu ngành mà nhiều người còn có kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo thực tế qua nhiều năm,” Hải chia sẻ. Do vị trí của trường nằm ngay tại Thủ đô Washington DC nên nam sinh đã may mắn từng được theo học các giáo sư đã làm lãnh đạo tại Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc hay cố vấn cho Tổng thống Mỹ, Quốc hội Anh,...

Vậy nên, việc được tiếp xúc và học hỏi trực tiếp từ họ là một cơ hội không thể bỏ qua giúp Hải học hỏi được thêm rất nhiều điều cho cả việc học tập và công việc sau này.

Trong quá trình học tại trường, Hải đã vinh dự được gia nhập hội học thuật danh giá và lâu đời nhất nước Mỹ – Phi Beta Kappa (trong số các thành viên có 17 tổng thống Mỹ và 136 nhà khoa học đoạt giải Nobel).

Bên cạnh đó, nam sinh cũng tham gia Omicron Delta Epsilon (hội học thuật kinh tế quốc tế) và Alpha Sigma Nu (hội học thuật lâu đời nhất của Georgetown).

Không những vậy, Hải còn là một trong 3 sinh viên được chọn làm học giả Centennial nhân kỷ niệm 100 năm chương trình quan hệ quốc tế của Đại học Georgetown để nghiên cứu cũng như kết nối và gặp gỡ trực tiếp với nhiều chuyên gia, học giả và cựu sinh viên nổi tiếng của trường, trong đó có Vua Felipe của Tây Ban Nha.

Học chương trình thạc sĩ trước cả khi nhận bằng đại học

Không chỉ hoàn thành chương trình bậc đại học sớm, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, nam sinh Quảng Ngãi còn được Đại học Georgetown nhận vào và đã bắt đầu học chương trình thạc sĩ khoa học đối ngoại (MSFS) trước cả khi nhận bằng đại học.

Như vậy, nam sinh chỉ cần tổng cộng 4 năm (tức thêm một năm nữa) là sẽ hoàn thành xong cả hai văn bằng này. Trong khi đó, thông thường sinh viên phải cần 4-5 năm để hoàn thành bậc đại học và 2 năm cho bậc thạc sĩ, chưa nói đến yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm làm việc để được nhận vào chương trình MSFS.

Để đạt được kết quả xuất sắc này, không chỉ nhờ vào riêng thành tích học tập mà Hải đã luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như làm “dày” kinh nghiệm làm việc tại nhiều tổ chức danh giá như Viện Brookings, MIT, PwC và McKinsey & Company.

leftcenterrightdel
 Đông Hải tham gia các hoạt động, buổi thảo luận cùng Vua Felipe của Tây Ban Nha (ảnh bên trái) và bà Kristina Georgieva, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (ảnh bên phải) (Ảnh: NVCC).

Nam sinh đã luôn tích cực tham gia các hoạt động sinh viên và cộng đồng. Hiện nay, em là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Cao học về Tư vấn Chiến lược của trường và là Người phát ngôn cho Uỷ ban về Các vấn đề Trung Quốc của Trường Đối ngoại Georgetown.

Bên cạnh đó, Hải cũng tham gia làm Đại sứ sinh viên cho Hội đồng Tuyển sinh của trường và là đại diện sinh viên trong hội đồng liêm chính học thuật (honor council).

Ngoài ra, qua việc từng học tại cơ sở ở Qatar của trường và tham gia làm nghiên cứu kinh tế về cải cách khu vực công và phát triển khu vực tư nhân tại các quốc gia thuộc bán đảo Ả Rập, Hải cũng tham gia bình luận về các vấn đề kinh tế và địa chính trị cho nhiều ấn phẩm quốc tế như USA Today, Newsweek, Asia Times và The Diplomat.

Hiện, Hải vẫn tiếp tục gắn bó với tổ chức phi lợi nhuận Global Association of Economics Education (GAEE) về giáo dục kinh tế do mình đồng sáng lập từ những năm cấp 3. Dù bận rộn với việc học và làm việc, chàng trai Quảng Ngãi vẫn dành thời gian tham gia tổ chức nhiều hội thảo và dự án của GAEE tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ.

Không những vậy, Hải cũng luôn cố gắng dành thời gian để giao lưu với bạn bè, tham gia nhiều triễn lãm, sự kiện văn hoá, talk shows, cũng như các vũ hội của giới ngoại giao và học giả tại thủ đô Washington, D.C. Trong thời gian rảnh rỗi, Hải có sở thích chơi đàn, nấu ăn, đọc tiểu thuyết sci-fi và viết truyện.

Sau khi nhận bằng đại học trước tiến độ, Hải cho hay, em sẽ theo học tiếp chương trình thạc sĩ tại Đại học Georgetown. Hành trình phía trước còn dài, nhưng khi được hỏi về định hướng tương lai, Hải cười và nói: “Dù ở bất cứ đâu, em vẫn luôn hướng về quê hương của mình.”

Theo giaoduc