Mấy ngày gần đây, tôi theo dõi kỹ thông tin về vụ việc bảo mẫu nhóm trẻ (TP Thủ Đức, TPHCM) đã ngồi lên người một em bé để nhét đồ ăn vào miệng bé. Trước đó, tôi cũng thấy trên các phương tiện truyền thông hình ảnh cô giáo trường mầm non số 4 (P.4, Q.3, TPHCM) tát vào mặt học sinh.

Năm nào cũng có vụ trẻ em bị bạo hành tại các cơ sở giữ trẻ, trường mầm non, đối tượng làm tổn thương các bé không ai khác chính là cô giáo, cô bảo mẫu... tạo nên tâm lý bất an của phụ huynh. Bạo hành vốn không chỉ là tác động vật lý như đánh đập, cấu véo, xô đẩy... mà còn là sự bạo hành về tâm lý như dùng từ ngữ sát thương, gây áp lực về tinh thần, miệt thị ngoại hình, miệt thị các đặc điểm tính cách của trẻ...

Đưa con đi gửi trẻ, lòng mẹ lại thấp thỏm lo âu (ảnh minh hoạ)
Đưa con đi gửi nhà trẻ, mẹ thấp thỏm lo âu (ảnh minh hoạ)

Con trai tôi hồi còn nhỏ học ở trường mầm non quốc tế với mức phí không nhỏ và cũng từng bị bạo hành. Nên tôi nghĩ hành vi bạo hành không phụ thuộc vào chuyện phụ huynh đóng nhiều hay ít tiền, mà là do nhận thức về hành vi, tâm lý của người chăm sóc trẻ.

Hồi đó con trai tôi 3 tuổi. Bé học ở cơ sở mầm non thuộc hệ thống trường quốc tế, học phí 12 triệu/ tháng. Cơ sở vật chất của trường rất khang trang. Mỗi lớp có 2 cô giáo, 1 cô bảo mẫu nhưng sĩ số chỉ 15 bé.

Khi đưa đón con, tôi thấy các cô rất niềm nở, tươi cười, và con tôi vẫn vui chơi bình thường. Nhưng có mấy lần tắm cho con, tôi phát hiện trên da đầu con có vết màu đỏ, tai cũng đỏ. Tôi hỏi con, bé lúc này mới trả lời: “Cô T. đánh lên đầu và véo tai, nhưng cô bảo không được mách mẹ”. Nghe con kể, tôi sững người.

Tối đó, tôi đã đấu tranh và gắng kiềm chế bản thân để tìm một phương án giải quyết việc con bị cô véo tai và đánh lên đầu. Nhớ lại sự ân cần, nhiệt tình của cô với bé khi gặp gỡ phụ huynh, tôi không muốn gặp hiệu trưởng tố cáo sự việc. Tôi không nỡ để một cô giáo trẻ trung, đầy nhiệt huyết vì phạm sai lầm phải chấm dứt sự nghiệp. Tôi không dám kể việc con bị cô bạo hành ở trường với ba của bé, sợ anh nóng tính rồi làm những chuyện dại dột.

Trẻ em cần được nâng niu với lòng bao dung của người lớn. Đừng làm tổn thương các bé! (ảnh minh hoạ)
Trẻ em cần được nâng niu với lòng bao dung của người lớn (ảnh minh hoạ)

Thao thức tới sáng, tôi đưa con tới trường. Khi con vào lớp, tôi xin phép gặp riêng cô. Tôi nói với cô rằng hôm qua về tắm cho con, tôi đã thấy tai và đầu của con có vết đỏ. Mẹ hỏi mãi bé mới nói cô véo tai và vỗ đầu. Mẹ rất quý cô và tin tưởng cô đã chăm sóc bé. Tuy nhiên, hành động đánh vào đầu bé là không chấp nhận được và có thể gây nguy hiểm. Mẹ mong cô cố gắng kiềm chế cảm xúc và rút kinh nghiệm khi chăm sóc các con.

Khi tôi nói, cô giáo chỉ im lặng. Cô đã xin lỗi mẹ và bé, hứa sẽ không làm vậy với bé nữa. Mặc dù cô đã hứa, nhưng tôi vẫn bất an. Tôi bị ám ảnh trầm trọng, luôn thấp thỏm theo dõi camera trong lớp, để mắt tới con trai. Dù tôi biết điều ấy cũng đâu có... ăn thua gì đâu. Trước đấy tôi vẫn coi camera, nhưng con vẫn bị véo tai, vỗ lên đầu đấy thôi, mẹ đâu thể thấy hết được.

Cuối cùng, tôi đã quyết định chuyển trường cho bé. Tôi dặn con rằng lúc nào con cũng có gia đình, cha mẹ ở bên. Đi học nếu ai đánh mắng thì về nhất định phải kể với mẹ.

Dù dặn thế, nhưng tôi biết, con có kể với mẹ thì con cũng đã bị bạo hành rồi, còn mẹ có làm ầm ĩ thì cùng lắm là giáo viên bị kỷ luật, mất việc. Tôi có muốn các cô bị mất việc đâu, và tôi cũng không muốn con bị đánh. Hay chẳng nhẽ "hở một tí" lại chuyển trường cho con?

Thế nên, với vai trò phụ huynh, tôi xin gửi tới những giáo viên và những người làm nghề chăm sóc trẻ đôi lời: Khi giao thứ quý giá nhất cuộc đời - là con cái - cho các cô, chúng tôi đã đặt trọn sự tin tưởng và hiểu các cô gánh vác sứ mệnh lớn lao, là góp phần ươm những mầm non tương lai của đất nước. Chúng tôi mong rằng, đã chọn nghề dạy dỗ, chăm sóc trẻ, các cô hãy bao dung, yêu thương trẻ và vận dụng nghiệp vụ sư phạm đã được đào tạo để làm chủ cảm xúc. Nếu xét thấy mình không đủ yêu thương và khó tránh khả năng làm tổn thương trẻ, xin các cô hãy chọn nghề khác, xã hội còn rất nhiều nghề để làm!

Theo phụ nữ TPHCM