|
|
Ông Oscar Lin đang giới thiệu chương trình tuyển dụng. |
Công nghệ bán dẫn là ngành học đang “hot” trong vài năm trở lại đây. Theo PGS.TS Phạm Nguyên Hải, khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), tương lai ngành học này sẽ không thua kém các ngành Khoa học máy tính, Kinh tế vì cơ hội việc làm rất lớn.
Theo thống kê đến năm 2030, toàn bộ thị trường ngành công nghệ bán dẫn sẽ chiếm khoảng 10.000 tỷ USD. Riêng Việt Nam đang thiếu khoảng 50.000 kỹ sư, bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn.
“Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều sinh viên lựa chọn học các ngành Kinh tế với mong muốn làm giàu. Vì vậy nhiều ngành khoa học rất khó tuyển sinh viên giỏi. Việc không tuyển được người giỏi sẽ gây mất cân đối nghiêm trọng”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, tiền đề của ngành Công nghệ bán dẫn là Vật lý, Hóa học, Toán học. Do đó, người học có nền tảng tốt về Vật lý, Hoá học, Toán học đều có thể tham gia vào đội ngũ nhân lực ngành này. Một số ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn được đào tạo tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hiện nay bao gồm: Vật lý, Khoa học vật liệu định hướng Vật liệu công nghệ bán dẫn, Kỹ thuật điện tử và Tin học...
Mức lương lên tới hàng chục nghìn USD/năm
Trước thực tế “khát” nhân lực, một số doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) thời gian qua đã tới Việt Nam để “săn” sinh viên tài năng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cấp học bổng và đưa ra mức lương hấp dẫn nếu sinh viên sang học tập và cam kết ở lại làm việc.
Có mặt tại Ngày hội việc làm và học tập ngành bán dẫn do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức, mới đây, ông Oscar Lin, Quản lý chương trình tuyển dụng tài năng của Micron, nhà sản xuất chip nhớ, cho biết, công ty này đang mở rộng tuyển dụng tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác. Đối tượng tuyển dụng bao gồm thực tập sinh và nhân viên chính thức.
“Với chương trình thực tập, các em sẽ được tài trợ vé máy bay, bảo hiểm và nhận lương khoảng 33 triệu đồng/tháng. Đối với nhân viên chính thức, tùy vị trí việc làm sẽ có mức lương dao động từ 17.000 – 40.000 USD/năm”, ông Oscar Lin nói.
Hồi giữa tháng 3, Cơ quan Giáo dục Đài Loan cũng công bố chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế dành cho sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn. Để nhận được học bổng, sinh viên cần cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại doanh nghiệp đặt hàng ít nhất trong vòng hai năm.
Ông Yu-Sheng Winston Su, Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ công nghệ bán dẫn, ĐH Quốc lập Yang Ming Chiao Tung, cho hay, hiện nay các công ty Đài Loan cần nguồn nhân lực có kỹ năng tốt, trình độ cao để làm các công việc nghiên cứu phát triển chứ không cần nhiều công nhân, kỹ sư sản xuất thông thường.
Cách đây 5 năm, ĐH Quốc lập Yang Ming Chiao Tung cũng đã phối hợp với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đào tạo bậc thạc sĩ ngành công nghệ bán dẫn. Sinh viên sẽ học một năm tại Việt Nam và một năm tại Đài Loan, sau đó đi thực tập tại doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Nguyên Hải đánh giá, hiện nay, mức lương ngành Công nghệ bán dẫn rất cao. Đối với thạc sĩ sau tốt nghiệp có thể đạt mức lương khoảng 40.000 – 60.000 USD/năm tại Đài Loan, tiến sĩ khoảng 100.000 USD/năm.
Nếu làm việc tại Việt Nam, mức lương trong ngành trung bình khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Nếu có bằng thạc sĩ, mức lương đạt khoảng 30 triệu/tháng, tiến sĩ khoảng 40 – 50 triệu/tháng.
Theo vietnamnet