Chị đảm đương phần đưa đón con, tự xem đó cũng là một “nghề” rất quan trọng và ý nghĩa. Đó đâu chỉ là làm tài xế đảm bảo an toàn cho con, mà còn kết nối, tương tác với giáo viên, phụ huynh, bạn bè của con; nhắc nhở con học hành, xem thái độ học tập, sức khỏe, tâm sinh lý của con…

Con nghỉ hè, chị cũng nghỉ theo, nhưng trong lòng luôn đợi đến mùa thu, chờ đến năm học mới để được… đi học cùng con. 

Năm học mới này, các con vẫn học cùng nhau. Phụ huynh vẫn là những người cũ, nhìn nhau biết mặt biết tên. Chị quan sát thấy, những ai là nội trợ thường đến đón con sớm hơn những phụ huynh công chức, vì xuất phát từ nhà, chủ động thời gian, ít khi kẹt xe.

Đón con, chị thường đi trước 5-7 phút, chọn chỗ đứng như mẹ con đã thỏa thuận, không quên mặc quần áo gọn gàng, đẹp đẽ, bôi kem chống nắng kỹ càng. Mà đâu chỉ bản thân chị thích gọn gàng, đẹp đẽ. Hôm nào chị mặc bộ quần áo đẹp, con gái tươi cười hớn hở, pha chút hãnh diện. Con không thích mẹ đón con với bộ đồ bộ mặc nhà. 

Tết đến, mua sắm quần áo mới là chuyện bình thường. Còn chị, khi thu chớm sang, liền đi mua một loạt đồ đẹp để… đưa đón con đi học. Chị nghĩ, người bận bịu còn biết yêu chiều bản thân, rảnh rang như chị lẽ nào lại không biết cách làm mình trở nên tươi đẹp. Đi đón con cũng phải đẹp. Bước chân ra khỏi nhà, nhất định phải đẹp.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Hôm trước khai giảng vài ngày, chị đưa con gái đi nhà sách. Hôm ấy nhà sách đông vui như hội. Phụ huynh, trẻ con tương tác khá ồn ào, nhưng chị vẫn nghe câu nói đầy vẻ hồ hởi của một phụ nữ trẻ “Ngày 5/9 là đến ngày… giải phóng phụ huynh rồi”. Có lẽ người phụ nữ ấy quá bận bịu, cũng không thể nhờ đỡ người thân trông coi con cái giúp, nên khi kết thúc mấy tháng hè, chị cảm thấy như được “giải phóng”.

Câu nói nửa đùa nửa thật ấy khiến người nghe thông cảm. Phụ nữ đi làm hay phụ nữ nội trợ, khi năm học mới bắt đầu, họ hân hoan đón chào bằng những tâm thế khác. Chị thấy mình may mắn khi được đưa đón con mỗi ngày. Chị quan niệm, con cái là tài sản, là hương hoa, là lẽ sống. Nhiều người nói quan niệm vậy sẽ làm khổ mình, nếu có thể được, hãy rời con cái, sống cho bản thân…

Có thể phụ nữ đi làm có nhiều mối bận tâm hơn, họ có lý do để dạy con tự lập sớm, thậm chí “đá” con sang chồng hay sang ông bà. Chị cũng từng đi làm, nhưng có lẽ vì quá cầu toàn chuyện nuôi dạy con cái nên chị chọn nội trợ.

Chị thích đắp mền cho con ngủ. Chiếc gối của con luôn thơm tho. Bữa ăn của con phải do chính tay chị nấu. Sau này con rời tổ hẵng hay, chứ bây giờ con đang thuộc về chị thì chị cho phép mình tận hưởng… con.

Hôm qua, chị lại mua thêm mấy cái áo khoác mỏng, mấy đôi găng tay để sẵn sàng cho cuộc hành trình đưa đón con. Thời gian trôi qua mau, mới ngày nào đứa con bé bỏng vào lớp Một. Hôm khai giảng, vì không yên tâm rời con nên chị cứ đứng bên cửa sổ nấn ná chưa muốn về, mà nay con đã vào năm cuối cấp THCS.

Ngày nào cũng vậy, đứa trẻ ngồi sau lưng chị nói năng liến thoắng, kể đủ chuyện ở lớp, ở trường, chị thấy công việc đưa đón con của mình thật vui vẻ, chưa bao giờ nhàm chán. 2 mẹ con bon bon trên đường, phía trước là bầu trời trong xanh, là tương lai rộng mở của con.

Vừa học vừa vui chơi thoải mái là phương châm chị dành cho con mình. Chị luôn hướng đến việc đứa trẻ sau lưng mẹ, dù từ nhà đến trường hay từ trường về nhà, lúc nào cũng hân hoan, phấn khởi, không một điều gì khiến con cảm thấy áp lực. Thu đã sang. Chị lại được đi học cùng con. 

Theo phụ nữ TPHCM