Thừa nhận bản thân rất khó để bắt đầu cuộc trò chuyện với người khác, dù là người quen khi đến nhà cũng không biết ứng xử như thế nào, Huỳnh Nhựt Trường (19 tuổi), ngụ tại 209, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: "Mình chỉ có thể nói chuyện khi người khác mở đầu bằng một câu hỏi trước và trả lời rồi thì thôi. Đôi khi người quen đến nhà, mình cũng không biết phải hỏi thăm về vấn đề gì, giao tiếp ra sao nên sớm đưa cuộc trò chuyện vào đường cùng".

leftcenterrightdel
 Huỳnh Nhựt Trường cho biết mình chỉ bắt đầu câu chuyện khi được hỏi trước

"Mình thật sự không biết nói gì"...

Khi được người viết hỏi về việc có thường xuyên nói chuyện với người thân không? Cao Thùy Dương (18 tuổi), ngụ tại 43B, ngõ 2, phố Cầu Đất, P.Chương Dương, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, chia sẻ: "Chủ yếu người quen khi đến nhà thường là cô, dì, chú, bác lớn tuổi và thường là nói chuyện với bố mẹ mình nhiều hơn. Vì là người lớn nên chủ đề của họ cũng sẽ không phù hợp với cuộc nói chuyện của mình. Họ sẽ thường nói về vấn đề chính trị, công ty này nọ hay ông A, bà B mà mình không hề biết. Chủ đề của giới trẻ như mình thì xoay quanh những trang mạng xã hội, "trend" TikTok, thông tin hot trên Facebook. Chính vì thế, mình chỉ ngồi lắng nghe, xem tivi hơn là giao tiếp với mọi người".

Người trẻ giao tiếp ngày càng kém?- Ảnh 2.

Cao Thùy Dương thừa nhận không tìm thấy chủ đề chung khi nói chuyện với người lớn. NVCC

Còn Bùi Kim Thoa (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nói: "Mình thật sự không biết nói gì khi gặp người quen. Thường thì lâu lâu mới gặp một lần. Mình cũng không thường trò chuyện hay gọi điện thoại để liên lạc. Gặp nhau thì cũng chào hỏi vài câu xã giao. Còn đối với bạn bè, mình cũng thường hay nói chuyện, nhưng chủ yếu nhắn tin qua messenger hoặc Zalo. Với anh chị, bạn bè làm việc cùng thì mình chỉ nói khi muốn giải quyết công việc thôi, còn để ngồi lại "tám" chuyện lâu thì chưa từng".

Mã Như Băng (22 tuổi), làm công việc tự do cho Công ty gia công Webtoon, ngụ tại Q.4, TP.HCM, nói: "Những khi gặp người lớn, tôi thường chọn cách chào một lần rồi đi sang chỗ yên tĩnh để làm việc của riêng mình. Vì mình cảm thấy không biết nói gì nên rất ngại. Ngoài ra, khi có khách đến chơi tôi cảm thấy không thoải mái và hơi phiền vì bản thân là người thích yên tĩnh", Như Băng bộc bạch.

leftcenterrightdel
 Mã Như Băng

Lê Thu Hòa (21 tuổi), làm việc tự do, ngụ tại 5 Ngọc Lâm, P.Long Biên, Q.Long Biên, TP.Hà Nội, tâm sự: "Công việc của tôi thường là làm một mình nên cũng ít khi giao tiếp với đồng nghiệp. Áp lực công việc nhiều và thường xuyên phải làm, nên không còn hứng thú khi bắt đầu cuộc trò chuyện với bất kỳ ai nữa".

Hoàng Lê Mai Nguyên (18 tuổi), ngụ tại 90/31B Hùng Vương, P.Cẩm Phô, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: "Mình chỉ nói chuyện với những người thật sự tôn trọng ý kiến cá nhân, lịch sự và hợp về cách suy nghĩ, cách ăn mặc, gu âm nhạc, sở thích… Với bạn bè đồng trang lứa, mình không nói chuyện với bất kỳ ai. Còn với người thân trong gia tộc, nói chuyện với họ là một vấn đề nhức nhối với mình. Cả hai bất đồng quan điểm với nhau, mình nói điều gì đều bị bác bỏ và bài xích. Mình vẫn lắng nghe và tiếp thu nhưng không thể giao tiếp cởi mở được".

Hãy trò chuyện nhiều hơn với những người thân quen

Nói về những trở ngại khi ít giao tiếp, Nhựt Trường chia sẻ: "Nếu bị đưa vào trường hợp giao tiếp bất ngờ thì khi giao tiếp sẽ bị gián đoạn, không được trôi chảy. Sắp xếp câu từ để giao tiếp khá lâu và lộn xộn khiến những câu nói của mình không được hay. Thường thì mình phát biểu câu cũng rất ngắn và không nêu ra hết được những ý mà bản thân muốn".

Việc không thường xuyên nói chuyện, gây nhiều bất lợi cho người trẻ, Cao Thùy Dương bộc bạch: "Mình đã từng rơi vào trường hợp cứng đơ… khi thuyết trình bài tập trước lớp. Vì là người ngại giao tiếp và hay lo lắng nên trước khi thuyết trình cảm giác như bị tụt đường huyết, não cứ căng thẳng theo từng phút. Và khi vào buổi thuyết trình, giọng đã bị lạc hẳn đi, như có thứ gì đó nghẹn ở cổ khiến mình khó có thể nói được".

Hoàng Lê Mai Nguyên chia sẻ: "Mình nhận ra nhiều bất cập khi giao tiếp kém. Điều đó khiến mình thu hẹp tầm nhìn với xã hội hơn, dẫn đến không có nhiều cơ hội để học tập và phát triển. Hiện tại, mình chỉ có một người bạn, nhiều lúc suy nghĩ tiêu cực, bí bách làm cho tâm trạng càng tệ hơn".
Người trẻ giao tiếp ngày càng kém?- Ảnh 4.

Hoàng Lê Mai Nguyên

NVCC

Theo thạc sĩ Đào Lưu, việc giao tiếp kém có thể gây ra nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. "Rõ ràng, khi khả năng giao tiếp kém thì các bạn sẽ khó có thể diễn đạt những suy nghĩ, nguyện vọng và bày tỏ năng lực của bản thân cho người khác biết. Bên cạnh đó, bạn sẽ gặp hạn chế trong các mối quan hệ, khó giao lưu trò chuyện cùng người khác. Trong công việc, bạn khó hòa nhập với tập thể và đôi khi sẽ gặp cảm giác bị cô lập vì không biết chia sẻ với mọi người. Về lâu dần, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống", thạc sĩ Đào Lưu nói.

Cũng theo thạc sĩ Lưu để cải thiện khả năng giao tiếp cần một thời gian dài, sự kiên trì và quyết tâm của chính người trẻ. Các bạn có thể tham gia những lớp học kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Đọc nhiều sách báo và tin tức để làm giàu thêm vốn từ, thông tin, có phong phú chủ đề khi nói chuyện với người khác. Hãy nói chuyện nhiều hơn với những người thân quen và dần dần mở rộng ra các đối tượng khác.

Thạc sĩ Đào Lưu nói thêm: "Người giao tiếp tốt sẽ có những mối quan hệ rộng mở, cuộc sống phong phú, thú vị và dễ gần hơn trong mắt người khác. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện nguyện vọng và biểu đạt mong muốn của chính mình. Ngoài ra, giao tiếp còn tăng sự kết nối với xã hội khiến cho bạn có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tích lũy nhiều năng lượng tích cực".

Theo Thanh niên