Có những khoảng trống…
Anh Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Công ty TNHH Vỹ Thái (TP.HCM), cho biết: "Sẽ không quá lời nếu nói một bộ phận người trẻ hiện nay thiếu kỹ năng sống. Thậm chí thiếu trầm trọng".
Để dẫn chứng, anh Nhân kể, qua tiếp xúc với người trẻ trong lẫn ngoài công ty, anh nhận thấy nhiều trường hợp "lơ tơ mơ" các kỹ năng sống. Họ chẳng biết cách ứng xử, giao tiếp, làm việc nhóm, phản biện, thích ứng với sự thay đổi…"Có bạn là tân cử nhân vừa ra trường tốt nghiệp loại giỏi. Có người đã đi làm được nhiều năm. Nhưng tất cả đều có điểm chung là thiếu kỹ năng sống", anh Nhân nói.
Theo chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media (TP.HCM), người trẻ hiện nay giỏi kiếm tiền, có tư duy kinh doanh nhạy bén. Tuy nhiên không thể phủ nhận ở môi trường doanh nghiệp thì nhiều người trẻ vừa thiếu lại yếu về kỹ năng sống.
"Sức chịu áp lực về công việc của không ít người trẻ chưa cao. Khi gặp vấn đề khó, lẽ ra cố gắng tìm kiếm phương pháp khắc phục thì họ chọn cách… xin nghỉ việc. Nhiều trường hợp vì thiếu kỹ năng sống nên thường nhìn nhận các vấn đề dưới lăng kính tiêu cực", chị Hiền nói và cho biết thêm: "Kỹ năng sống của người trẻ có những khoảng trống, cần được khỏa lấp".
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giảng viên Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng thực tế có một bộ phận sinh viên chỉ lo học và không quan tâm đến việc tiếp nhận, trau dồi những kỹ năng sống. "Dù rằng kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội thành công, thế nhưng kỹ năng sống của nhiều sinh viên là bằng 0. Thậm chí, các kỹ năng sống cơ bản cho sinh hoạt thường ngày cũng phải cậy nhờ người khác giúp", thạc sĩ Sơn nhìn nhận.
Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc một về khoa học dữ liệu, thống kê và học máy tại ĐH Texas - Austin (Mỹ), cho biết đã có cơ hội tiếp xúc, giảng dạy và làm việc với nhiều người trẻ VN đang học tập trong lẫn ngoài nước. "Tôi thấy họ có những "điểm cộng" là sự cầu tiến, ham học hỏi, ước vọng chinh phục các mục tiêu... Tuy nhiên, một bộ phận người trẻ vẫn có những "điểm trừ", đó là thiếu kỹ năng sống", Giáo sư Nhật nói.
Vì đâu nên nỗi ?
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, có nhiều người trẻ thiếu kỹ năng sống mà họ không hề hay biết. Đến khi được người khác chỉ ra, chỉnh đốn, họ vẫn không nhận ra sự thiếu hụt đó của bản thân.
"Không thể phủ nhận việc có nhiều người trẻ tự tin thái quá. Họ phớt lờ những góp ý của mọi người, bỏ lỡ cơ hội bổ sung kỹ năng sống, hoàn thiện bản thân", tiến sĩ Sơn nói.
Anh Vũ Đình Hòa, Phó giám đốc Công ty dệt may Thế Hòa (TP.HCM), cho biết: "Với nhiều người trẻ, kỹ năng sống tựa như… trang giấy trắng, hoàn toàn không có gì. Họ lắc đầu, ngạc nhiên khi được hỏi về tư duy sáng tạo, quản lý cảm xúc, xây dựng mối quan hệ, giải quyết vấn đề…".
Cũng theo anh Hòa: "Có nhiều khi tôi phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từ A đến Z các kỹ năng sống cho người trẻ. Đáng buồn là, có những trường hợp không thấy được sự thiếu hụt của bản thân mà thay đổi, cứ để kỹ năng sống mãi… bằng 0. Hiển nhiên, những người này không thể phù hợp với công ty".
Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong hơn 6 năm công tác giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM, bà đã chứng kiến không ít sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập, phát triển bản thân do thiếu kỹ năng sống.
"Nhưng một số bạn lại chưa ý thức được tầm quan trọng của các kỹ năng sống dẫn đến việc chẳng chú trọng học tập và rèn luyện bản thân. Song song đó, trong quá trình làm tham vấn tâm lý, tôi cũng đã gặp và hỗ trợ rất nhiều trường hợp người trẻ vì thiếu kỹ năng sống mà ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập, kết nối xã hội và sức khỏe tâm lý. Rõ ràng là kỹ năng sống vô cùng cần thiết nhưng nhiều người trẻ lại chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó", bà Chi nói.
Cũng theo bà Chi: "Một số người trẻ khi gặp tình cảnh khó khăn, thay vì nghĩ mình thiếu kỹ năng sống thì lại cho rằng mình không có năng lực, tự hạ thấp giá trị của bản thân. Cũng có những trường hợp khi gặp khó khăn vì thiếu kỹ năng sống lại đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh. Cả hai cách nhìn này đều không tích cực cho việc gỡ rối. Từ đó có thể thấy, việc nhận định rằng nhiều người trẻ thiếu kỹ năng sống nhưng bản thân họ không hề hay biết là hoàn toàn có cơ sở".
Vì sao nhiều người trẻ thiếu kỹ năng sống? Theo thạc sĩ tâm lý Mộng Chi, nguyên nhân chủ quan là do người trẻ được sinh ra, lớn lên trong thời đại khá đầy đủ về vật chất và chú ý nhiều hơn đến nhu cầu tinh thần. Họ được bố mẹ đáp ứng những mong muốn của bản thân, vì thế dẫn đến hiện tượng giảm động lực để cố gắng, ngại những khó khăn, thách thức. Và khi người trẻ được nuông chiều từ nhỏ sẽ có cái tôi cao hơn, luôn muốn người khác phải đáp ứng mình chứ không nghĩ tới việc cần phải tự điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh. Đôi khi họ không muốn tiếp thu những ý kiến từ người khác cho đến khi tự mình trải nghiệm và rút ra vấn đề.
"Còn xét từ góc độ khách quan, người trẻ hiện nay sống trong xã hội thay đổi rất nhanh chóng và chứa nhiều bất định. Điều này dẫn đến việc người trẻ phải học và rèn luyện thật nhiều kiến thức, kỹ năng sống mới có thể thích ứng được với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội", bà Chi cho biết thêm.
Người trẻ nói gì ?
Mình đã từng bị bố mẹ chỉ trích là tại sao 20 tuổi mà lại thiếu nhiều kỹ năng sống quan trọng? Mình không trả lời được. Khi tự ngẫm lại, bản thân thấy chỉ trích ấy không hề oan mà hoàn toàn đúng.
Trương Thị Nga, sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức
Sinh viên năm 3 mới bắt đầu học và rèn luyện những kỹ năng sống có lẽ là muộn. Nhưng mình nghĩ, muộn còn hơn là thiếu kỹ năng sống cả đời.
Đặng Thanh Hoàng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Quả thật bản thân mình chỉ từng lo cho việc học chứ không quá quan tâm đến những kỹ năng sống vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của chúng. Đến khi đi làm, vì thiếu kỹ năng sống nên mình đã gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.
Hoàng Tuyết Mai (26 tuổi), Công ty TNHH Thiện Ân, H.Hóc Môn, TP.HCM
|
Theo Thanh niên