leftcenterrightdel
 Nhà văn Linda Lê năm 2012 tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP

Đại diện nhà xuất bản Stock của Pháp - đơn vị Linda Lê cộng tác nhiều năm - cho AFP biết nữ văn sĩ qua đời sau thời gian dài lâm bệnh. Pierre Benetti, đồng sáng lập tạp chí văn học En Atant Nadeau, viết trên Twitter: "Buồn và sốc khi mất nhà văn, nhà phê bình Linda Lê. Các bài báo của bà cho thấy bà là một người đọc tuyệt vời...".

Sylvain Bourmeau, giám đốc tạp chí AOC, nơi bà đăng một số bài phê bình, nói: "Buồn vô hạn khi biết tin về sự ra đi của Linda Lê, một trong những tác giả lỗi lạc của văn học đương đại, một người đọc vĩ đại".

Tác giả Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, lớn lên ở Sài Gòn. Năm 14 tuổi bà theo mẹ sang Pháp, sống ở thành phố Le Havre. Năm 1981, bà chuyển đến Paris, theo học lớp dự bị văn học ở trường Henri 4, sau đó vào Đại học Sorbonne.

Theo trang Nouvelobs, Linda Lê thích đọc sách. Từ khi còn là học sinh, bà yêu văn của Balzac và Victor Hugo. Sau này, bà thường xuyên bày tỏ tình yêu với những tác giả ảnh hưởng đến bút pháp của bà, trong số đó có Bảo Ninh (tác giả Nỗi buồn chiến tranh), tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ thần bí Cristina Campo, nhà văn Bruno Schulz. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Linda Lê đoạt một số giải thưởng uy tín ở châu Âu như Fénéon cho tác phẩm Les Trois Parques, giải Wepler cho tác phẩm Cronos... Năm 2012, bà là một trong 12 tác giả tranh giải văn chương uy tín nhất của nước Pháp - Goncourt - với tác phẩm Lame de fond.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn "Tiếng nói" của Linda Lê ở Việt Nam. Ảnh: Nhà xuất bản Đà Nẵng 

Linda Lê kỹ tính và cầu toàn. Năm 1986, ở tuổi 23, bà xuất bản cuốn sách đầu tay - Un si tendre vampire (Tình ca ác quỷ). Sau này, vì cảm thấy tác phẩm chưa đủ chín muồi, Linda Lê không nhận đó là tiểu thuyết của bà.

Bà viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp nhưng các tác phẩm phần lớn đều được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và cả tiếng Việt. Hành trình quay lại với độc giả quê nhà của Linda Lê được đánh dấu bằng cuốn Vu khống do Nhà xuất bản Văn Học và Nhã Nam liên kết ấn hành, năm 2009. Sau này, một loạt sách của Linda Lê ra mắt độc giả Việt như Sóng ngầm (2012), Thư chết (2014), Vượt sóng (2020). Nhà văn Linda Lê từng nói: "Viết, là tự lưu đày bản thân".

Tờ Nouvelobs cho rằng Linda Lê có giọng văn đậm chất ma mị, để lại dấu ấn mạnh với độc giả. Chẳng hạn, trong cuốn Voix (xuất bản năm 1999, ra mắt ở Việt Nam với tên Tiếng nói năm 2018), văn sĩ kể hồi ức của một người đàn bà mắc bệnh tâm thần, sống cô độc ở Paris.

"Tôi đi tới lui trong căn hộ. Nghẹt thở vì lo âu. Với bàn tay còn lành lặn tôi tự bóp cổ mình, ấn các ngón tay nhọn vào da thịt. Tôi nện đầu vào tường. Các tiếng nói cười nhạo. Tôi soi gương thấy cái thân hình gầy guộc, con mắt ảo cuồng, trốn chạy nơi nào? Điện thoại reo. Tôi không trả lời. Tôi sợ, tôi không muốn nghe tiếng nói của kẻ đưa tin từ Tổ chức" (Trích Tiếng nói, Nguyễn Đăng Thương dịch).

Trong số các tác phẩm của Linda Lê từng xuất bản ở Việt Nam, quyển Vượt sóng thể hiện quan niệm của bà về vai trò của người viết và văn chương. Tiểu thuyết kể về Antoine Sorel, văn sĩ tài năng nhưng không ăn khách ở Le Harve. Ông là cháu nội một người Việt, bị ép sang Pháp lao động khổ sai. Sorel lập dị, tách biệt cuộc sống, cuối cùng tự kết liễu cuộc đời khi tác phẩm chưa được mấy người biết đến. Tao Đàn, đơn vị xuất bản sách, viết trong lời giới thiệu: "Vượt sóng còn là tác phẩm mà Linda Lê gửi gắm nhiều tâm sự của một người viết về công việc của mình, về con người và hoàn cảnh xã hội chung quanh và vai trò của văn chương với mỗi bản thể. Văn chương như một chiếc phao trong cuộc sống, là điểm tựa của những kẻ bị hủy hoại lưu đày, là chốn bình yên của những tâm hồn nổi loạn".

Theo vnexpress