K-ICM trong MV Ai mang em đi

Rocker Phạm Anh Khoa vừa ra mắt MV Cho cháu cho con (từ ca khúc do anh sáng tác, sản xuất âm nhạc: Tâm Dương), được thực hiện đơn giản với hình ảnh đời thường của gia đình cùng thông điệp bảo vệ môi trường. Cho cháu cho con tạo ấn tượng với người nghe ngay đoạn dạo đầu khi trên nền tiếng đàn nguyệt (còn gọi đàn kìm) của nghệ sĩ Đạt Kìm là những số liệu về rác thải trung bình của một người Việt mỗi ngày, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, để ngay sau đó giọng hát của rocker Phạm Anh Khoa vang lên với những câu hỏi ám ảnh: “Tìm mà thấy đâu, biển bạc ngàn xưa, tìm mà thấy đâu, rừng vàng giờ lá lưa thưa… chúng ta rồi chỉ thấy rừng xanh qua hình, cháu con mình rồi có bình yên?”.

Việc đưa nhạc cụ dân tộc vào sản phẩm giải trí, văn hóa của các nghệ sĩ đều đáng hoan nghênh, góp phần mang chúng đến với khán giả ngày một nhiều hơn

NSƯT Hải Phượng


Khoa cho biết việc đưa nhạc cụ dân tộc vào ca khúc của mình đã được ấp ủ từ nhiều năm trước, trong một dịp được nhạc sĩ Đức Trí dẫn anh đến gặp GS-TS Trần Văn Khê. “Khoa vẫn nhớ câu bác dặn, con làm sao đưa được nhạc cụ dân tộc vào âm nhạc, vào những bản rock… Khoa sau này lập PAK band, có nói với nhà sản xuất của band - Tâm Dương, về câu nhắc đó của bác Khê, và Tâm là người thực hiện đúng điều Khoa muốn có trong bản phối từ thời PAK band, với dự án Dân ca tôi vẫn còn bỏ ngỏ, cũng như Cho cháu cho con hôm nay”, ca sĩ Phạm Anh Khoa chia sẻ.

Một MV khác, mà âm nhạc cũng thu hút người nghe bởi tiếng sáo vang lên giữa hình ảnh mênh mang biển trời, là Ai mang em đi (Ai mang cô đơn đi 3) của K-ICM và APJ. Ngay dưới MV, nhà sản xuất trẻ này dành lời cảm ơn đầu tiên với nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc: nghệ sĩ đàn nhị (đàn cò) Trần Văn Xâm và nghệ sĩ sáo Minh Dương. Theo K-ICM, bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, vì thế anh sử dụng sáo để tăng thêm vẻ trong sáng, thanh thoát. Với những câu hát cần da diết hơn, sẽ có tiếng đàn nhị chuyển tải.

Sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, tranh, sáo trúc trong những bản phối bắt tai, với lượt xem lên hàng triệu, có thể kể đến các MV gần đây của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân: Nước chảy hoa trôi, Tự tâm, Tấu khúc tự tâm (bản dành riêng để tôn vinh nhạc cụ dân tộc)... Album của Hoàng Thùy Linh hay Bích Phương trước đó cũng đã tạo được dấu ấn riêng khi khai thác được vẻ đẹp của các nhạc cụ dân tộc để “tô điểm” thêm cho âm nhạc của mình.

Theo nhà sản xuất trẻ K-ICM, sắp tới anh sẽ tìm hiểu để có thêm nhiều cách thức nhằm đưa nhạc cụ dân tộc đến gần với khán giả hơn nữa, thông qua những sản phẩm và tiết mục trình diễn của mình. Có thể đó là sự kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhiều dòng nhạc khác nhau, hoặc anh sẽ tìm hiểu để đưa các loại hình nghệ thuật như: chèo, quan họ, bài chòi… vào tác phẩm của mình.

Ngô Hồng Quang trong MV Tình đàn

Cần có trách nhiệm hơn khi đưa tác phẩm ra cộng đồng

NSƯT Hải Phượng, người có hơn 45 năm gắn bó với cây đàn tranh và âm nhạc dân tộc, cho biết: “Tùy yêu cầu, đòi hỏi của các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đối với từng loại nhạc cụ dân tộc, nếu muốn màu sắc thì nhạc cụ dân tộc sẽ làm cho màu sắc, muốn chất lượng cũng sẽ đi vào kỹ thuật, chất lượng...”.

“Chỉ mong các bạn kỹ càng hơn trong việc sử dụng nhạc cụ dân tộc cho trình diễn, vì có trường hợp lấy tiếng giả rồi đắp hình thật và giới thiệu đó là cây đàn dân tộc. Gần đây cũng có trường hợp nghệ sĩ cầm cây đàn… ngược trên truyền hình. Và một điều nữa, là đừng bị ảnh hưởng màu sắc Tàu khi sử dụng những loại nhạc của dân tộc mình thu âm, biểu diễn”, NSƯT Hải Phượng bày tỏ. Theo chị, “không có nhạc nào là xấu, nhưng nghệ sĩ - những người ý thức mình đang góp phần phổ biến, phát triển âm nhạc dân tộc - cần phải có trách nhiệm khi đưa tác phẩm của mình ra cộng đồng”. Chị cũng cho biết thêm: “Hiện đàn tranh, nguyệt, sáo và đàn cò được các nghệ sĩ sử dụng nhiều trong dàn nhạc, và đều cho thấy tính hiệu quả khi hòa vào màu sắc chung của bản phối. Dù là hình thức nào, việc đưa nhạc cụ dân tộc vào sản phẩm giải trí, văn hóa của các nghệ sĩ đều đáng hoan nghênh, góp phần mang chúng đến với khán giả ngày một nhiều hơn”.

Với cái nhìn tương đối khắt khe, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng: “Âm nhạc dân tộc, để thu hút giới trẻ thật không dễ, vì sự khác biệt giữa không gian, thời gian, thời đại sống khác nhau. Để tạo sự mới lạ và khác biệt cho tác phẩm của mình, nhiều bản phối của các ca sĩ trẻ có mang một vài chấm phá bằng cách mang các nhạc cụ dân tộc vào. Cách làm này đã có từ lâu. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không lớn nếu muốn truyền bá âm nhạc dân tộc với tầm vóc lớn hơn”.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng bày tỏ quan điểm về việc truyền bá âm nhạc dân tộc thực sự hiệu quả, đúng nghĩa. “Chỉ có một con đường, là hãy dành một sân khấu riêng biệt và đủ lớn cho âm nhạc dân tộc. Quy tụ các nhạc sĩ chuyên nghiệp để soạn những tác phẩm khí nhạc riêng cho các nhạc cụ dân tộc, kết hợp với dàn nhạc cổ điển, dàn nhạc pop, tạo ra những tác phẩm âm nhạc mang hơi thở thời đại, hấp dẫn và đầy sức sống mới. Lúc đó, âm nhạc dân tộc sẽ mang tầm vóc lớn hơn, mang hơi thở của cuộc sống thời đại mà giới trẻ đang sống. Và điều quan trọng nữa, du khách quốc tế sẽ thưởng thức dễ hơn và hiểu văn hóa Việt dễ hơn, khi âm nhạc dân tộc được đặt trên cái nền đương đại của thế giới”, anh nói.

Theo thanhnien