"Brownout" là khái niệm được dùng để đề cập sự sụt giảm điện áp trong hệ thống cung cấp điện. Hiện nay, brownout là một cách để nói về tình trạng mất năng lượng, mệt mỏi ở người lao động.
Ở Mỹ, brownout cũng là nguyên nhân khiến ngành giáo dục rơi vào khủng hoảng. Tình trạng kiệt sức ở giáo viên, kết hợp với mong muốn nghỉ hưu sớm và sự suy giảm về những quan tâm trong nghề nghiệp có thể khiến Mỹ thiếu hụt hàng trăm nghìn giáo viên trong vài năm tiếp theo.
Theo Forbes, 48% giáo viên đang xem xét rời bỏ công việc hiện tại, 34% xem xét bỏ hẳn nghề giáo. 55% giáo viên nói rằng họ sẽ nghỉ hưu sớm hơn dự định, tăng gần gấp đôi con số vào năm 2020.
Tỷ lệ giáo viên, hiệu trưởng gặp căng thẳng cao gấp đôi so với những người lao động khác. Đặc biệt, hiện Mỹ không có nguồn cung giáo viên mới đủ lớn để lấp đầy những thiếu hụt.
Theo thống kê, số cử nhân được cấp bằng giáo dục tại nước này đã giảm 22%, tính từ năm 2006 đến năm 2019.
Đảo lộn hoạt động của trường học
Các trường học sẽ buộc phải đối phó với tình trạng thiếu hụt giáo viên bằng cách rút ngắn số tuần học, ngày học và chuyển các lớp trực tiếp sang trực tuyến cho trẻ. Khi đó, lịch học và việc cung ứng nhân lực sẽ bị thay đổi.
Cụ thể, nếu trường học không còn giáo viên, nhà trường buộc phải sáng tạo, thay đổi lịch học để duy trì hoạt động.
Khi thiếu giáo viên bộ môn, các trường sẽ yêu cầu những giáo viên đang làm việc phải "gánh" thêm những môn học khác, bất chấp môn học có phải chuyên môn của người đó hay không. Trong trường hợp không thể tận dụng nguồn lực giáo viên hiện có, nhà trường sẽ phải thuê giáo viên ngoài để dạy online thay thế.
Tình trạng thiếu giáo viên cũng sẽ gây ra việc giáo viên bị yêu cầu phải dạy ở các khối lớp khác nhau. Ví dụ, thông thường giáo viên này chỉ dạy ở khối lớp 6. Nhưng vì thiếu giáo viên, người này bị điều đi dạy ở khối khác, hoặc dạy online. Nhìn chung, thời gian học trực tiếp ở trường của trẻ sẽ bị rút ngắn.
Giáo viên vẫn sẽ làm việc cả tuần, trường học vẫn sẽ mở cửa 5 ngày mỗi tuần. Nhưng điều này không có nghĩa ngày nào trẻ cũng tới lớp. Thay vào đó, các em sẽ được xếp lịch đến trường luân phiên theo ngày, theo buổi.
Học sinh lớn tuổi sẽ phải tham gia nhiều lớp online hơn học sinh khóa dưới, vì các em có khả năng học online tốt hơn. Hoặc là, các em sẽ tham gia học online khi đang ở trường học.
Nhưng nếu học bằng cách này, trẻ vẫn cần người giám sát hoặc hỗ trợ. Điều này lại đặt ra một thách thức mới cho nhà trường là tìm người giám sát học sinh, dù công việc này không đòi hỏi trình độ cao như giáo viên.
Nếu nhìn theo cách tích cực, việc thiếu hụt sẽ giúp những giáo viên khác có cơ hội mở rộng việc dạy học. Thay vì chỉ dạy trực tiếp ở vài lớp cố định, giáo viên này sẽ có thể dạy online cho hàng nghìn học sinh khác.
Tình trạng brownout cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Vào những ngày không bận học, sinh viên có thể nhận công việc giám sát, hỗ trợ học sinh tại các trường tiểu học, THCS...
Nguy cơ nhiều hơn cơ hội
Tuy nhiên, brownout vẫn tạo ra nhiều nhược điểm hơn ưu điểm.
Nhìn chung, tình trạng thiếu hụt giáo viên sẽ mở rộng khoảng cách giữa nhóm trẻ được đi học và nhóm trẻ không được đi học. Nếu chuyển sang hình thức dạy online, việc tìm mua máy móc, lắp đặt Internet sẽ đặt ra bài toán khó cho nhiều gia đình.
Vấn đề lớn nhất là hiện nay Mỹ chưa thể tìm ra giải pháp khắc phục ngay lập tức. Về cơ bản, đây là một vấn đề có quy trình và cần nhiều thời gian để thay đổi.
Mỹ có thể xem xét tăng lương cho giáo viên hoặc tìm ra những "con đường" giảng dạy nhanh hơn để rút ngắn thời gian và tiêu chuẩn đào tạo nhân lực.
Trong quá trình chờ đợi và chuẩn bị thực hiện, Forbes nhận định Mỹ vẫn cần sáng tạo và chuẩn bị những phương án mới để đối diện với những thay đổi trong hệ thống giáo dục trong thời gian tới.
Theo vtc.vn