Phóng viên: Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về việc giảng dạy STEM trong các trường phổ thông, thưa ông, có thể giải thích ngắn gọn như thế nào?

Tiến sĩ Đặng Văn Sơn: Giáo dục STEM hiểu theo nghĩa nào thì vẫn là việc dạy học các môn khoa học, khoa học tự nhiên, vật lý, hóa, sinh, công nghệ, tin học và toán. Tuy nhiên, việc giảng dạy sẽ tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực hành, kết nối môn học với cuộc sống. Các hình thức dạy học STEM khá phong phú như các hoạt động thực hành thí nghiệm trong môn khoa học, dạy thiết kế chế tạo các mô hình trong môn công nghệ và kỹ thuật, dạy lập trình và robot trong môn tin học hay dạy toán. Hoặc hình thức tích hợp theo dự án bao gồm nhiều nội dung học như trên. Hình thức nào cũng phù hợp với học sinh, tuy nhiên, phụ huynh cần xem xét kỹ các nội dung dạy học STEM có mang lại hứng thú và phát triển tư duy lâu dài cho con em mình hay không. 

Học sinh học STEM tại Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) - ẢNH: P.T.
Học sinh học STEM tại Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) - Ảnh: P.T.

 

* Từ năm học tới, TPHCM sẽ thí điểm giảng dạy STEM trong trường tiểu học. Việc giảng dạy STEM từ lứa tuổi nhỏ cần lưu ý gì?

- Giáo dục STEM phù hợp với học sinh ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, để thực hiện được các hoạt động giáo dục STEM cần một số lưu ý. Kỹ năng thực hành khoa học và năng lực kỹ thuật của giáo viên phổ thông nhìn chung còn yếu, vì thế yếu tố quan trọng đầu tiên là nâng cao năng lực người dạy. Kế đến, nội dung giảng dạy phải phù hợp với khung chương trình giáo dục phổ thông và có thể mở rộng, nhưng không được quá khác biệt. Ngoài ra, các nội dung cập nhật thực tiễn như lập trình, robot, trí tuệ nhân tạo... đều có thể đưa vào chương trình STEM. Các nội dung giảng dạy cần được tổ chức có chuyên môn thẩm định, tránh tình trạng học sinh học STEM nhưng chỉ làm các thí nghiệm khoa học nhỏ lẻ hay lắp ráp các mô hình theo kiểu thủ công chứ không phải là các hoạt động sáng tạo kỹ thuật. 

Cơ sở vật chất tối thiểu đáp ứng các hoạt động giáo dục STEM như dụng cụ kỹ thuật, đồ dùng thí nghiệm, máy tính, robot... cũng cần được chuẩn bị. Cuối cùng, thực hiện các hoạt động giáo dục STEM đều cần chi phí cho nguyên vật liệu tiêu hao, cho đồ dùng và các hoạt động khác, vì vậy, nhà trường cần tìm mô hình hoạt động phù hợp để đảm bảo yếu tố tài chính. 

* Có nghĩa giảng dạy STEM đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền, thưa ông?

- Đối với các hoạt động giáo dục mở rộng, nâng cao như lập trình, robot... cần phải được trang bị phòng máy tính, robot... Tuy nhiên, giáo dục STEM có nhiều nội dung, đối với các hoạt động STEM môn khoa học, các dụng cụ thí nghiệm cơ bản được trang bị trong các trường phổ thông là có thể đáp ứng được. Trong chương trình mới, môn tin học đã được đưa vào từ lớp Ba, vì vậy, về nguyên tắc, các trường tiểu học đều đã có phòng máy tính cho học sinh. Đối với một số nguyên vật liệu tiêu hao, nhà trường và giáo viên có thể phối hợp với phụ huynh trong việc chuẩn bị cũng như tận dụng các đồ tái chế, đồ có sẵn trong gia đình. 

* Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về giảng dạy STEM từ lứa tuổi nhỏ như thế nào không?

- Giáo dục STEM trước hết là một chính sách giáo dục nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực cho xã hội trong các lĩnh vực STEM. Tại Mỹ hay nhiều nước phát triển khác, họ đã đưa các chiến lược phát triển giáo dục STEM rất bài bản và các hoạt động giáo dục STEM đã đi vào từng trường học. Để triển khai giáo dục STEM một cách rộng rãi, khung chương trình giáo dục các môn khoa học và toán tại Mỹ đã có nhiều thay đổi. Ví dụ, thay vì chỉ là môn khoa học, chương trình mới của Mỹ hiện nay là giáo dục khoa học và kỹ thuật, hay đưa khoa học máy tính trở thành môn học bắt buộc tại Vương quốc Anh. 

Việc dạy các môn STEM tại các nước phát triển đã tiến rất xa so với Việt Nam đặc biệt là các hoạt động thực hành, trải nghiệm. Các hoạt động dạy học tại nước ta vẫn thuần về lý thuyết mà ít trải nghiệm thực hành. Vì thế, nếu nhân bản mô hình giáo dục STEM tại các nước phát triển về Việt Nam mà không có sự thấu hiểu về bản chất giáo dục khác nhau tại mỗi nước thì khả năng thất bại là rất cao. 

Dự kiến từ học kỳ I năm học 2023-2024, TPHCM sẽ thí điểm giáo dục STEM trong các trường tiểu học ở 5 quận, huyện: 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình và Hóc Môn. Mỗi quận, huyện sẽ chọn ít nhất 5 trường tiểu học tham gia. Sau đó, sẽ có tổng kết, đánh giá để có thể tính đến việc triển khai đại trà ở tất cả trường tiểu học của thành phố.

Các giáo viên cho biết nhiều người hình dung STEM rất… cao siêu, song thực tế STEM có nhiều cấp độ phù hợp với từng độ tuổi. Chẳng hạn, ở lớp Một các em có thể làm những mô hình nhỏ như chong chóng, khung tranh gia đình… để tập làm quen với cách phác thảo ý tưởng, lên kế hoạch. Lên đến lứa tuổi lớn hơn, học sinh có thể thiết kế được nhiều vật dụng thiết thực như đèn chiếu sáng, mô hình ô tô, máy bay…

Theo phụ nữ TPHCM