Mới đây, trên từ Tin tức của Trung Quốc, có một câu chuyện đã khiến nhiều người phải nghẹn ngào xúc động về hành trình vượt khó của một cặp cha – con. Câu chuyện đã lấy đi nước mắt của người đọc đồng thời cũng là tấm gương sáng để chúng ta có thêm niềm tin, sự lạc quan để vượt lên mọi bi kịch của cuộc đời.
Li Xin là một cậu bé mắc chứng bại não bẩm sinh. Đó có thể là một điều kém may mắn của Li Xin nhưng bù lại, cậu đã luôn có cha mình bên cạnh với một tình yêu thương vô bờ bến. Bất kể xuân, hạ, thu, đông, dù trời nắng gắt hay lạnh giá, người ta cũng thấy hình ảnh người cha Li Weiming đẩy xe lăn đưa con đến trường.
Sau rất nhiều những năm tháng khó khăn, giờ đây, Li Xin đã đỗ vào trường Đại học Ôn Châu ở Chiết Giang. Cũng như thường lệ, người ta lại thấy người cha ấy cặm cụi ngày ngày đưa con mình lên giảng đường theo học, tối lại về tất bật chuẩn bị mọi thứ trong ký túc xá cho con.
Bất kể xuân, hạ, thu, đông, dù trời nắng gắt hay lạnh giá, người ta cũng thấy hình ảnh người cha Li Weiming đẩy xe lăn đưa con đến trường.
Ngày 4/9/2019, Li Xin từ Thiệu Hưng, Chiết Giang, đã báo cáo với Đại học Ôn Châu nơi mà anh theo học về hoàn cảnh của mình. Anh bị bại não bẩm sinh, không thể đứng và đi lại bình thường được, bắt buộc phải ngồi xe lăn và có người giúp đỡ di chuyển.
Mặc dù cơ thể khiếm khuyết thế nhưng trí óc của Li Xin hoàn toàn bình thường nên anh đã đỗ vào trường với một điểm số khá cao. Hiểu được hoàn cảnh của Li Xin, nhà trường đã quyết định đồng ý cho bố của anh đến trường cùng ăn, ở và sinh hoạt với con.
Chia sẻ về cảm xúc của mình trước quyết định này của nhà trường, ông Li Xinming nghẹn ngào: “Đây thực sự là một điều quá tốt đối với chúng tôi, bố con tôi cảm ơn nhà trường rất nhiều”.
Không chỉ đồng ý cho bố đến ở cùng con trai trong ký túc xá, trường Đại học Ôn Châu còn tạo điều kiện bố trí phòng tiêu chuẩn đặc biệt cho cậu học trò này. Đây là phòng ngủ phù hợp với người khuyết tật, đồ nội thất được thiết kế riêng, nhà vệ sinh cũng được làm phù hợp với khả năng sử dụng của Li Xin, có tay vịn để anh bám vào. Trong phòng có 2 giường đơn, một phòng sinh hoạt rộng rãi, lối đi vào không có rào chắn để thuận tiện cho Li Xin ngồi xe lăn đi lại.
Mỗi ngày của ông bố Li Weiming thường bắt đầu từ lúc 5h sáng. Ông dậy sớm, ra ngoài mua đồ ăn sáng cho con trai, sau đó sắp xếp đồ đạc và đẩy xe lăn đưa con đến giảng đường để con tự học. Sau đó, ông sẽ ngồi đợi để đưa con di chuyển từ lớp học này sang lớp học khác theo chương trình của con. Đến bữa trưa và bữa tối ông sẽ về phòng để ăn, giặt giũ quần áo và chờ đợi đón con.
Trong suốt hành trình khôn lớn của cậu con trai Li Xin, người cha Li Weiming đã đảm nhận rất nhiều vai trò. Khi con ở độ tuổi mẫu giáo, vì Li Xin không thể đến trường được do thể chất yếu nên ông đã tự dạy con làm toán và đọc, viết tại nhà. Khi ấy, ông không khác nào một giáo viên của con.
Tới khi Li Xin học tiểu học, người cha cũng tới lớp cùng con để trở thành bạn đồng hành. Bất kể con học ở cấp nào,ông cũng đều đến trường trước, quan sát địa hình, tính toán xem sẽ đẩy con đến trường như thế nào cho thuận tiện. Ngay cả khi con đỗ vào trường Đại học, ông Li Weiming cũng đã đi bộ tới trường, quan sát cẩn thận môi trường học đường, nơi có cầu thang, tuyến đường nào để đẩy xe lăn...
Hành trình mà ông Li Weiming đi thật sự không dễ dàng, thế nhưng thấm thoát cậu con trai thiệt thòi của ông đã 20 tuổi. Mỗi lần nghĩ lại điều đó ông vẫn xúc động.
Vợ của ông Li Weiming cũng bị một khối u ở não. Ông từng cảm thấy bầu trời như sụp đổ dưới chân mình khi mà vợ cũng lâm bệnh trọng. Nhưng thật may mắn giờ đây vợ ông đã được phẫu thuật. Hiện tại vợ của ông đã được người thân ở quê chăm sóc. Mỗi ngày, bố con Li Weiming đều gọi điện thoại về để hỏi thăm tình hình của mẹ.
Li Weiming nói rằng mặc dù Li Xin có gặp khó khăn về cơ thể nhưng tâm trí, trí óc của con hoàn toàn bình thường, thậm chí còn linh hoạt và nhanh nhẹn. Con trai Li Xin của ông đã học hành rất chăm chỉ và điểm số của con rất tốt. Dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của người cha, Li Xin có thể tự rửa mặt, đánh răng để ăn và ngồi trên ghế để tắm một cách độc lập - những điều mà với một người bại não là rất khó để làm được.
Trong giao tiếp giữa cha và con, Li Weiming thường nói vài lời truyền cảm hứng với con, khuyến khích anh sống lạc quan. Li Xin thích nói chuyện với bố về một số vấn đề gia đình, về tin tức hiện tại và xu hướng Internet.
Trong tương lai, hai bố con Li Weiming hy vọng rằng sau khi tốt nghiệp Đại học, Li Xin có thể tìm được một công việc liên quan đến máy tính. Ông Li Weiming nói rằng: “Tôi luôn ủng hộ con trai mình vô điều kiện, bất kể con trai tôi học và làm việc ở đâu, tôi cũng sẽ luôn đồng hành bên con”.
Minh Khuê (Theo Sohu)