"Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi
Tác giả sáng tác bài hát này vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới bắt đầu. Thủ đô lúc ấy đang ngút trời đạn lửa, vậy mà nhạc sĩ đã hình dung tới một Hà Nội chiến thắng không xa.
Tối 19/12/1946, Nguyễn Đình Thi rời Hà Nội, đến Ngã Tư Sở thì đèn đường phụt tắt. Cả Hà Nội bốc bùng ngùn ngụt trong ngày Toàn quốc kháng chiến - một cảnh tượng hùng vĩ khiến ông xúc động đến nghẹn ngào. Ở Hà Đông, Nguyễn Đình Thi được đồng chí Trường Chinh giao cho Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác và dặn đi gấp trở lại Hà Nội trao cho Ủy ban kháng chiến. Ông tất tả ngược về Thủ đô đang phủ đầy khói lửa. Kỷ niệm ấy ám ảnh ông mãi.
Hòa mình trong khí thế chiến đấu của quân dân Hà Nội, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã sáng tác ‘Người Hà Nội’ vào năm 1947 với giai điệu và lời ca làm say mê rung động lòng người. Bài hát mở đầu với cảnh Hà Nội trong ngày toàn quốc kháng chiến ‘Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên... ‘, rồi nhớ ‘Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao...’.
Thu Đông Việt Bắc năm 1947, Pháp lại nhảy dù xuống Bắc Kạn đánh lên Thái Nguyên, Tuyên Quang. Chính trong những ngày ấy, ông mới nghĩ đến việc viết đoạn kết cho bài hát, đến khoảng Tết năm 1948 thì hoàn thành.
"Thủ đô huyết thệ" của Lương Ngọc Trác
Dịp tết Đinh Hợi, khi nhận bức thư của Bác Hồ gửi anh em Vệ Quốc đoàn có câu: ‘Các em thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh’, một tự vệ nguyên là võ sư có tên Lĩnh Nam - Trịnh Đình Báu đã thức thâu đêm làm bài thơ 'Thủ đô huyết thệ'. Bài thơ đã gây xúc động để nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ thành hành khúc 'Thủ đô huyết thệ'. Bài hát ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ vì nghĩa lớn.
Đoàn Thủ đô thề xung phong quyết tử
Nguyện sả mình mong Tổ quốc quyết sinh
Nên bao lần vì đất nước điêu linh
Nghe sôi dậy trong tim giòng máu Việt
Máu anh dũng của giống nòi Nam Việt
Vẫn lưu truyền muôn vạn kiếp về sau…
"Đoàn Vệ quốc quân" - Phan Huỳnh Điểu
Với tên gọi ban đầu là 'Đoàn Giải phóng quân', 'Đoàn Vệ quốc quân' là bài hát do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác năm 1945, một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông.
Bài hát được sáng tác vào năm mà Việt Nam vừa giành được độc lập sau gần một thế kỷ là thuộc địa của Pháp và khi cả nước đang hừng hực không khí quyết bảo vệ nền độc lập non trẻ trước nguy cơ bị thực dân Pháp tái chiếm. ‘Đoàn Giải phóng quân' ra đời như lời thề của thế hệ thanh niên lên đường ra trận. Bài hát được phổ biến đầu tiên ở Đà Nẵng. Trên các đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến dừng ở ga Đà Nẵng, đội văn nghệ tuyên truyền Việt Minh (trong đó có tác giả) đã ca vang giai điệu hừng hực đầy quyết tâm này của những thanh niên đang lên đường cứu nước.
Bài hát lan rộng ra nhiều tỉnh/thành và nhiều người muốn có lời bài hát. Vì vậy, năm 1946, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đem bài hát ra Huế để tìm nơi xuất bản nhằm phổ biến rộng rãi cho công chúng.
"Du kích sông Thao" - Đỗ Nhuận
'Du kích sông Thao' của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những ca khúc được xướng lên trong không gian âm nhạc đầy hoài niệm và hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng viết trong hồi ký Âm thanh cuộc đời về hoàn cảnh ra đời của ca khúc ‘Du kích Sông Thao’. Năm 1948, sau thời gian bị đày ở nhà tù Sơn La, ông và các bạn tù vượt ngục và thoát được ra ngoài. Trên đường xuôi xuống Ấm Thượng, Phú Thọ, ông nhớ đến những người bạn, người thân cũ trong đó có cô du kích tên Hà từng giúp ông và đồng đội trên đường công tác. Hỏi thăm thì được biết, cô gái lúc đó được phân công nhiệm vụ làm lái đò đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng qua sông. Xuất phát từ câu chuyện và những cảm xúc về cô du kích nhỏ, trên tuyến đường tiếp tục di chuyển sau đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận vừa đã vừa đi bộ vừa cầm ghi ta và sáng tác ca khúc 'Du kích sông Thao'. Khi vừa đến ngã ba sông, nơi giao thoa giữa các nhánh sông của Việt Trì, Sông Hồng thì bài hát này được hoàn thành.
"Trường ca sông Lô" - Văn Cao
Ngày 24/10/1947, bộ đội pháo binh của ta chiến thắng giòn giã trên sông Lô, bắn cháy 2 tàu chiến của giặc, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tuyến vận chuyển đường sông Lô bị cắt đứt hoàn toàn, máy bay địch phải nhảy dù tiếp tế cho Tuyên Quang. Cùng chiến thắng Bình Ca, chiến thắng sông Lô lẫy lừng đã bẻ gẫy hoàn toàn cuộc bao vây và tấn công lên Việt Bắc của quân Pháp nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Chuyến đi của nhạc sĩ Văn Cao lên Việt Bắc xảy ra đúng lúc giặc Pháp thua trận đang trên đường rút quân trở về. Đi đến đâu bọn địch cũng đốt phá, cướp bóc đến đó. Văn Cao đã nhìn thấy những xóm làng ven sông bị địch đốt trụi, những nền nhà khô trơ than xám. Những niềm vui trên khuôn mặt của dân chúng sau chiến thắng sông Lô. Nỗi xúc động ngập tràn trong lòng ông. Trước mặt ông dòng sông Lô trở nên hùng vĩ, bao la, tràn trề sức sống… Chiến thắng sông Lô đã làm tên tuổi của dòng sông sống mãi với lịch sử của dân tộc. 'Trường ca sông Lô' đã được ra đời trong những ngày tháng đó đó và được in trên số báo Văn Nghệ đầu tiên ra tháng 3/1948.
"Tiến về Hà Nội" - Văn Cao
Tháng 10/1954, Thủ đô Hà Nội đón những đoàn quân về tiếp quản nhưng bài hát ‘Tiến về Hà Nội’ đã ra đời trước đó 5 năm, vào năm1949. Ngạc nhiên hơn, những hình ảnh trong ca từ của ‘Tiến về Hà Nội’ do nhạc sĩ Văn Cao vẽ nên trùng khớp với hình ảnh trong ngày Giải phóng Thủ đô 5 năm sau. Những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội. Đặc biệt hơn, các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành tương tự như lời bài hát nhạc sĩ hình dung.
Trong những tư liệu hiếm hoi còn lại, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc ‘Tiến về Hà Nội’ rằng, vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với ông thời đó còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Ông cùng vợ con vượt đường số 6 đi bộ gần một tháng mới về đến chợ Đại thuộc huyện Ứng Hòa, Sơn Tây. Đây từng được xem là thủ phủ của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Về tới chợ Đại, ông đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Ông được giao nhiệm vụ phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, nhạc sĩ Văn Cao đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo là sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.
Tối hôm ấy, khi nhạc sĩ ăn cơm cùng đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí nắm chặt tay ông và nói rằng: ‘Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm. Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!’.
Đêm hôm ấy, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh, những nét nhạc đầu tiên của bài ‘Tiến về Hà Nội’ đã ra đời. Chỉ hai tuần sau, ông đã viết xong ca khúc ‘Tiến về Hà Nội’. Khi ấy là năm 1949. Bài hát ‘Tiến về Hà Nội’ của tôi đã được đồng chí Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy.
Phụ nữ Việt Nam