Tiền mã hóa ở Trường Sơn - ẢNH: CHỤP TƯ LIỆU CUỐN LỊCH SỬ ĐỒNG TIỀN VN
Phiếu bách hóa
Đường Trường Sơn được nhà nghiên cứu kinh tế Đặng Phong (Viện Kinh tế VN) chọn làm đối tượng nghiên cứu trong cuốn 5 đường mòn Hồ Chí Minh. Theo đó, đường Trường Sơn là tuyến giao thông huyết mạch chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam từ năm 1959 - 1975. Công tác phục vụ hậu cần trên tuyến lúc này đòi hỏi phải có phương thức phù hợp. Đây cũng là lý do tiền Trường Sơn được phát hành và lưu thông trong suốt thời kỳ 1966 - 1975.
Ông Đặng Phong cho biết bộ đội Trường Sơn hoạt động ở 3 chiến trường B, C và K hưởng chế độ như bộ đội ở miền Bắc, nhưng không được lĩnh tiền miền Bắc ở sông Bến Hải. Chẳng hạn, chiến sĩ được thanh toán 21 đồng/tháng, còn cán bộ cao cấp được 33 đồng/tháng. Tuy nhiên, tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành lại không thể đưa vào giới tuyến để chi tiêu, nên việc bảo đảm chế độ và thanh quyết toán rất khó khăn.
Phiếu bách hóa Trường Sơn
Theo ông Đặng Phong, nhu yếu phẩm cá nhân lúc đầu được cấp phát theo tiêu chuẩn. Cán bộ có lương chỉ trích tiền ăn hằng tháng, còn tất cả lưu quỹ hậu phương, hoặc vợ con đến nhận tại cơ quan tài vụ Đoàn 559 (trạm phát ở 63 Lý Nam Đế, Hà Nội). Điều này khiến các chiến sĩ hoạt động suốt năm trên Trường Sơn lại không có tiền, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống vật chất và tâm lý.
Cần tiền, nhưng chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới được phát hành tiền, vì thế phiếu bách hóa Trường Sơn ra đời. Đó chính là loại tiền dành riêng cho Trường Sơn. “Có lần Trưởng phòng Hậu cần báo cáo Bộ Tư lệnh 559 đề nghị Ngân hàng T.Ư cho phép làm tiền giấy nội bộ, chỉ tiêu dùng ở Trường Sơn. Ngân hàng đã đồng ý và thiết kế mẫu rồi cho phát hành vào tháng 6.1965. Từ đây, tài vụ cấp sinh hoạt phí bằng tiền giấy Trường Sơn, phát hành dưới cái tên khiêm tốn là phiếu bách hóa”, ông Đặng Phong viết.
Phiếu bách hóa Trường Sơn chỉ lưu hành và có giá trị mua hàng tại các binh trạm, cơ quan thuộc Đoàn 559. Sau đó, phiếu được cấp cho một số đơn vị chiến đấu ở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, một số đơn vị Quân khu Tây Bắc chiến đấu ở Lào. Phiếu có thể dùng mua hàng hóa, suất ăn tại các trạm căn tin Trường Sơn. Cán bộ chiến sĩ từ miền Nam ra Bắc có thể đổi phiếu thành tiền. Sách Lịch sử đồng tiền VN do Ngân hàng Nhà nước tổ chức biên soạn cho biết phiếu này thay tiền, hằng tháng được phát tận tay các cán bộ, chiến sĩ theo mức lương và phụ cấp.
Hình ảnh hiện vật cho thấy phiếu bách hóa Trường Sơn in một mặt. Trên phiếu đều có dòng chữ lớn Trường Sơn, phiếu bách hóa và các dòng chữ nhỏ in nền “Thật thà khiêm tốn phục vụ tốt”. Phiếu bách hóa Trường Sơn có 4 loại: số 1, số 2, số 5, số 10 - tương ứng với 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước VN.
Tiền mã hóa
Theo Ngân hàng Nhà nước VN, do yêu cầu bí mật quốc phòng, phiếu bách hóa Trường Sơn sau đó đã được sửa thành phiếu vô danh. Phiếu bỏ hết các dòng chữ in, chỉ còn lại các con số và họa tiết hoa văn. Lúc này, phiếu bách hóa Trường Sơn đã trở thành đồng tiền mã hóa của Quân đội Nhân dân VN, được bổ sung thêm vần và số seri để nâng cấp quản lý lưu hành.
Theo tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ VN, khi cán bộ, chiến sĩ từ Trường Sơn ra Bắc, sẽ mang tiền Trường Sơn đổi lấy tiền thật ở 2 điểm là Cự Nẫm (H.Bố Trạch, Quảng Bình) và số 3 Lý Nam Đế (Hà Nội). Sau khi thu hồi tiền Trường Sơn, 2 cơ sở này đóng gói, chuyển ngược vào Trường Sơn để tiếp tục sử dụng.
Ông Đặng Phong cũng cho biết từng xảy ra sự cố với tiền Trường Sơn. Có một số chiến sĩ đưa xe ra Hà Nội đại tu và chờ nhận xe bổ sung, khi đi ăn uống ở cửa hàng mậu dịch đã đưa tiền Trường Sơn ra để thanh toán. Tuy nhiên, ở miền Bắc không ai biết loại tiền này. Họ lập tức bị nhân viên cửa hàng giữ lại giao sang công an để “điều tra”, vì bị nghi là những kẻ gian làm phiếu giả. “Tài vụ Tổng cục thông báo tới Đoàn 559. Đại diện Đoàn 559 là Nguyễn Xuân Hoa phải ra giải quyết. Việc cũng êm thấm, nhưng thế là có nguy cơ không đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối bí mật. Từ chuyện rắc rối này, Bộ Tư lệnh Đoàn chỉ thị hạn chế bớt việc lưu hành tiền giấy Trường Sơn”, ông Phong viết.
Sau này, nhiều cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 và khách vãng lai có giữ lại tiền Trường Sơn và xem nó như kỷ vật. Trên một số diễn đàn sưu tập cũng có rao bán tiền giấy Trường Sơn. Tại một số bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ VN, Bảo tàng Hậu cần cũng có những đồng tiền này. Chúng đều do các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa tặng lại.
Theo thanhnien