Cuộc gặp gỡ của những phong cách trẻ

5 cây bút trẻ vừa xuất hiện cùng nhau trong buổi giao lưu Trò chuyện với văn chương (Nhà xuất bản Trẻ tổ chức vào cuối tháng Ba, tại Đường sách TPHCM): Huỳnh Trọng Khang, Yang Phan, Phát Dương, Nguyễn Đinh Khoa và Võ Đăng Khoa. Họ là những gương mặt đều đã tạo ấn tượng ở các cuộc thi, giải thưởng văn chương trẻ.

Những suy niệm về cuộc sống cùng những vấn đề lớn lao đều có thể tìm thấy trong tác phẩm của người viết trẻ hiện nay - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ
Những suy niệm về cuộc sống cùng những vấn đề lớn lao đều có thể tìm thấy trong tác phẩm của người viết trẻ hiện nay - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

 

“Tuy phong cách viết khác nhau, trong tác phẩm của các bạn, tôi thấy có điểm chung là những suy tư, âu lo về cuộc sống. Bên cạnh đó còn là sự mất kết nối của con người rõ ràng hơn trong thế giới phẳng” - nhà văn Huỳnh Trọng Khang chia sẻ khi đọc các tác phẩm của bạn văn. Yang Phan viết về hành trình chữa lành tổn thương với truyện dài Biến thể của cô đơn. Nguyễn Đinh Khoa kể về câu chuyện vượt qua nỗi đau mất mát với Dị bản. Những suy niệm về cuộc sống cũng như vấn đề môi trường sống được tìm thấy trong 2 tập truyện ngắn: Lạc đà bay (Võ Đăng Khoa) và 2 người trong 1 ngăn tủ (Phát Dương).

Riêng Huỳnh Trọng Khang trở lại với truyện dài Nơi không có tuyết, bằng câu chuyện đầy sức dẫn dụ. “Giữa đêm trường bão tuyết, số mệnh đã run rủi cho người lớn mối duyên kỳ lạ với một bông tuyết xa xưa, bé tí ti thôi nhưng là chứng nhân cho bao nỗi buồn thương của muôn loài trên trái đất” - trích bìa 4 tác phẩm. Lồng ghép vào đó cũng là những ẩn dụ về các vấn đề môi trường. Huỳnh Trọng Khang bày tỏ, những thay đổi/biến động của môi trường sống đã và đang tác động trực tiếp đến con người. Người cầm bút sống trong thực tế đó ít nhiều đã có sự ảnh hưởng, thể hiện trên trang viết.

Người trẻ viết về nỗi cô đơn, mất mát, nhưng cũng tiệm cận nhiều vấn đề lớn hơn. Câu chuyện về môi trường, tác động của trí tuệ nhân tạo cũng như tương lai loài người… đều được phản chiếu qua lăng kính suy niệm của họ. Với 2 người trong 1 ngăn tủ, Phát Dương vẽ nên thế giới kỳ ảo khi con người phải sống trong một không gian chật chội trôi giữa ngân hà. Võ Đăng Khoa miêu tả một sa mạc lộng lẫy “trập trùng cát vàng” với bầy lạc đà đầy sức ẩn dụ về sinh thái.
Cuộc gặp gỡ những cây bút trẻ cũng cho thấy sự hội tụ nhiều phong cách sáng tác với nhiều chiều kích trên trang viết. Nhà văn Tống Phước Bảo nhìn nhận: những câu chuyện cho người đọc “tận hưởng con chữ”, phiêu lưu trong thế giới sáng tạo và các tác giả trẻ cũng đã cùng nhau cất lên tiếng nói về thời đại mình đang sống.

 

Dòng chảy thế hệ

Nhiều gương mặt mới được phát hiện, gọi tên từ những cuộc thi/giải thưởng văn chương sau đó có thể sẽ mất hút trên văn đàn. Nhưng cũng có nhiều cây bút trẻ vẫn miệt mài sáng tạo trên cánh đồng chữ và họ ngày càng cho thấy khả năng đi đường dài với văn chương. Phát Dương là một trong những người cầm bút như vậy. Không chỉ viết cho người trẻ (với các tác phẩm Mở mắt và mơ, Bộ móng tay màu đỏ, Tự nhiên say - tập truyện vào chung khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VI), Phát Dương còn viết cho trẻ nhỏ, với truyện dài 100 cửa sổ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2023) và ấp ủ một series truyện thiếu nhi đề tài phép thuật.

Phát Dương chia sẻ: “huyền ảo” và “giả tưởng” là 2 yếu tố ảnh hướng đến văn chương. Vì thế, dù viết cho độ tuổi nào, cây bút trẻ đất Cần Thơ này vẫn cho thấy biên độ sáng tạo không giới hạn. “Khi sáng tác, một là bắt đầu từ những câu chuyện cho tôi niềm cảm hứng; hai là tôi sẽ tự hỏi bản thân mục đích viết câu chuyện này là gì, để từ đó chọn cách kể và lồng ghép các yếu tố ẩn dụ vào tác phẩm” - Phát Dương bày tỏ.

Từ sân chơi văn chương cho thế hệ mình, các cây bút đã dấn bước và đi xa hơn trên hành trình chữ nghĩa. “Gia tài” của Yang Phan (sinh năm 1994) đến giờ là 7 tác phẩm, trong đó Vụn ký ức được trao giải Nhì - Văn học tuổi 20 lần VII. Nguyễn Đinh Khoa từ giải Tư - Văn học tuổi 20 lần VI với truyện dài Độc hành, nay đã có thêm: Con kiến xây, Để trở về một đứa trẻ và Dị bản. Nhiều cây bút đã trở thành những gương mặt nổi bật của văn đàn trẻ: Trần Đức Tín, Hoàng Công Danh, Hiền Trang, Lê Quang Trạng…

Sự trưởng thành của người viết trẻ có thể được nhìn thấy qua đề tài, cách viết cũng như trường liên tưởng và những thông điệp ngầm ẩn mà họ thể hiện qua các tác phẩm. Nhưng cũng có tác giả được đánh giá cao từ tác phẩm đầu tay, như Võ Đăng Khoa. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dành lời khen ngợi cho Lạc đà bay: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết. Khoa tỉnh táo lần giở những buồn vui cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.

Sự trở lại của những gương mặt quen hay sự xuất hiện của những người cầm bút mới đều cho thấy dòng chảy thế hệ vẫn lặng lẽ tiếp nối. Dù có chọn văn nghiệp làm đường dài hay không, những người cầm bút trẻ vẫn đã và đang góp phần tạo nên diện mạo của tuổi mình qua trang viết. Rất nhiều cây bút đã để lại cho văn đàn nhiều tác phẩm ấn tượng và sẽ còn có giá trị qua thời gian: Hạt hòa bình (Minh Moon, giải Ba - Văn học tuổi 20 lần V), Nắng Thổ Tang (Đinh Phương, giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021), Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời (Đức Anh, giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023)…

Theo phụ nữ TPHCM