Đoàn Bá Toại tốt nghiệp xuất sắc cử nhân Kinh tế Quốc tế và Mậu dịch tại Học viện Vũ Di năm 2017, sau đó học thạc sĩ và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nông lâm Phúc Kiến. Với 9 năm sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc, anh chia sẻ kinh nghiệm đón trước những thay đổi trong du học Trung Quốc thời gian tới.
Cuối năm 2019, du học sinh Việt Nam về quê ăn Tết, tính sẽ trở lại Trung Quốc sau vài tuần. Nhưng họ không ngờ, chuyến trở về kéo dài hơn dự định. Hai năm qua, chính phủ Trung Quốc chưa có động thái cho các du học sinh quay lại nước này vì lo ngại dịch bệnh.
Các hoạt động du học Trung Quốc chững lại. Trên các diễn đàn, hội nhóm và fanpage, du học sinh không ngừng bày tỏ lo lắng, hỏi han nhau về thông tin trở lại trường nhưng không có câu trả lời. Thông tin chủ yếu vẫn là các trại hè, trại đông, hệ tiếng online và trung tâm hay cá nhân đăng tuyển.
Năm 2019, tổng số sinh viên nhập học qua Trung tâm Tư vấn Giáo dục Quốc tế T&T Việt Nam là 156, nhưng năm 2020 và 2021, con số không vượt quá 50. Năm nay, số lượng đăng ký học bổng ở trung tâm chưa vượt mốc 30. Nhiều học sinh, sinh viên có ý định chờ nộp hồ sơ sang năm 2023 để lên đường du học vào tháng 3 hoặc tháng 9.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chắc đã mở cửa cho du học sinh vào tháng 9/2022 do nhiều yếu tố. Khi mở cửa lại, chính phủ nước này có thể đưa ra những chính sách cụ thể cho từng cấp học để học sinh, sinh viên không ồ ạt quay lại sau thời gian dài.
Du học Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào hậu Covid-19?
Đầu tiên, chúng ta cần nhắc đến HSK (Hanyu Shuiping Kaoshi), chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Trung. HSK cũng là điều kiện cần để nộp hồ sơ vào các trường ở Trung Quốc.
Trước đây, HSK được phân thành sáu cấp, từ 1 đến 6, với điểm tối đa cho ba kỹ năng: nghe, đọc, viết là 300 và nói (HSKK) là 100. Bốn kỹ năng tích hợp thi gộp nhưng không tính gộp điểm. Thí sinh được xem là vượt qua kỳ thi này khi đạt 180 điểm cho HSK và 60 điểm cho HSKK.
Nếu có điểm HSK 1, 2, 3, bạn có thể xin học bổng tiếng, nhưng để xin học bổng vào đại học ở Trung Quốc cần có HSK 4 đạt 210 điểm trở lên.
Theo Sohu, HSK đang trong giai đoạn cải cách từ HSK sáu cấp thành ba cấp chín trình. Với ba cấp sơ, trung và cao kết hợp tách trình 1-3, 4-6 và 7-9, đây là một quy trình mang tính cải cách mạnh mẽ. Trình 7-9 thuộc hệ cao cấp nên HSK 9 chính là một mốc mới mà những người theo đuổi sự hoàn hảo đặt làm mục tiêu.
HSK 9 với hơn 11.000 từ vựng, trên 500 cấu trúc ngữ pháp... sẽ là động lực và thách thức cho thế hệ muốn chinh phục tiếng Trung cũng như xin học bổng trong thời gian tới. Sự thay đổi này cũng được dự đoán từ trước do tiếng Trung là ngôn ngữ ngày càng phổ biến và được quan tâm trên toàn thế giới.
Với du học sinh, việc thay đổi này là cơ hội nhưng cũng gây thách thức. Nó sẽ phân tầng trình độ thêm một lần nữa. Những người có trình độ tiếng Trung cao có lợi thế nhất định trong việc du học và công việc sau này.
Tuy nhiên, không phải du học sinh nào cũng có thể đạt tới HSK 9 để phù hợp với yêu cầu mà các trường đề ra cho cả đầu vào lẫn đầu ra. Do đó, các du học sinh sẽ áp lực hơn trong việc chọn trường để nộp và cần dành nhiều thời gian tìm trường phù hợp cũng như định hướng nghề nghiệp sớm hơn.
Sắp tới, các bạn phải cần HSK 5 hoặc HSK 6 (trên 210 điểm) mới có thể đăng ký hệ đại học. Cùng với đó, các yêu cầu cho hệ thạc sĩ và tiến sĩ cũng được nâng lên. Nhiều thầy cô giáo ở Trung Quốc chia sẻ, những sinh viên học xong, nếu muốn làm việc tại đây, cần có chứng chỉ HSK 8 trở lên.
Điều thứ hai chúng ta cần biết là số lượng học bổng và du học sinh tại Trung Quốc. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, số lượng học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) với những đãi ngộ lớn sẽ giảm dần. Vậy nên để đạt học bổng này, các bạn không chỉ phải cố gắng trên bảng điểm mà còn cả điểm số trên chứng chỉ HSK và HSKK.
Hai năm qua, các trường đã cắt giảm rất nhiều chỉ tiêu, chuyển từ đào tạo trực tiếp sang trực tuyến, tạo nên rào cản lớn cho các du học sinh ngoài Trung Quốc.
Số lượng sinh viên nước ngoài tại các trường giảm mạnh, điển hình như tại Đại học Nông lâm Phúc Kiến, nơi tôi đang theo học. Thông thường sẽ có hơn 200 sinh viên nhưng tại thời điểm này, trường chỉ có khoảng 100 bạn.
Một số sinh viên không muốn học online nữa đã quyết định nghỉ học để chuyển hướng đi các nước và khu vực khác như là Hàn Quốc, Đài Loan.
Điều thứ ba tôi muốn nhắc tới là các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu sẽ khó và ít học bổng cho du học sinh. Lý do là ở đây đã quá đông người nước ngoài và du học sinh. Họ sẽ hạn chế cấp học bổng đại học, chỉ tập trung cho những lớp du học sinh có trình độ trí thức cao và nộp hồ sơ học thạc sĩ và tiến sĩ trở lên. Hệ đại học sẽ ít và cạnh tranh hơn cho những bạn học ngoài ngành Hán ngữ.
Thay đổi thứ tư là trong khi học bổng chính phủ Trung Quốc giảm, học bổng Khổng Tử (CIS) dành cho những bạn theo hệ sư phạm tại các trường lại tăng lên trong hai năm qua, điển hình là Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh. Hàng năm, học bổng Khổng tử dành cho du học sinh Việt Nam chỉ khoảng 100 suất nhưng năm 2020, số này hơn 500 suất tất cả các hệ.
Đây chính là điểm sáng cho những bạn muốn học và tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc một cách chuyên nghiệp theo đúng chuyên ngành. Đó cũng là cơ hội được học tại các thành phố lớn và các trường danh tiếng tại Trung Quốc.
Những năm trước Covid-19, du học Trung Quốc là điểm đến mới trong sự lựa chọn của học sinh, sinh viên Việt Nam. Du học Trung Quốc thời kỳ hậu Covid-19 vẫn sẽ là một xu hướng mở.
Nếu đang coi Trung Quốc là một điểm tới trong tương lai, các bạn học sinh, sinh viên cần có sự chuẩn bị tốt, trước tiên là ngôn ngữ. Các bạn cần có một lịch học khoa học để đạt được HSK 4 hoặc 5 và HSKK trung cấp.
Ngoài ra, các bạn cũng phải có những kiến thức về văn hoá Trung Quốc nói chung và vùng của bạn đang hướng tới nói riêng. Quan trọng nhất là chọn trường phù hợp với mình khi nộp hồ sơ.
Theo vnexpress