Ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez cùng nhận Nobel vật lý 2020 - Ảnh chụp lại màn hình
Ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã cùng được vinh danh giải Nobel vật lý 2020 vì những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
Theo các thành viên trong ủy ban công bố giải Nobel, các nhà khoa học được trao Nobel vật lý năm nay là để tôn vinh những khám phá của họ về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của vũ trụ: hố đen.
Các nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (1,1 triệu USD). Trong đó, một nửa giải thưởng dành cho ông Penrose (người Anh) vì đã chứng minh thuyết tương đối tổng quát (hay thuyết tương đối rộng) dẫn tới việc hình thành các hố đen.
Một nửa giải thưởng dành cho hai nhà khoa học Genzel (nhà vật lý thiên văn người Đức) và Ghez (người Mỹ) vì đã khám phá ra "vật thể vô hình siêu nặng, chi phối quỹ đạo các ngôi sao ở trung tâm ngân hà của chúng ta".
Ông Roger Penrose là nhà vật lý toán, toán học thường thức và triết học người Anh. Ông là thành viên của Hội Hoàng gia London. Ông Penrose nổi tiếng trên thế giới với các công trình nghiên cứu về vật lý toán, đặc biệt là những đóng góp của ông đối với thuyết tương đối tổng quát và vũ trụ học. Ông nhận nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Wolf năm 1988, nhận cùng với nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking.
Bà Andrea Ghez là nhà thiên văn học người Mỹ và là giáo sư tại khoa vật lý và thiên văn học tại UCLA. Năm 2004, tạp chí Discover đã bầu chọn bà Ghez là một trong 20 nhà khoa học hàng đầu tại Mỹ có sự am hiểu lớn trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng của họ. Năm 2012, bà được trao giải Crafoord.
Trước đó, nhật báo Dagens Nyheter của Thụy Điển dự đoán hai nhà vật lý thiên văn Shep Doeleman của Mỹ và Heino Falcke của Đức có thể được trao Nobel vật lý 2020 vì công trình nghiên cứu của họ giúp quan sát trực tiếp hình ảnh lỗ đen trong tháng 4-2019.
Trong khi đó, Đài SR của Thụy Điển đoán giải sẽ được trao cho nhà toán học người Mỹ Peter Shor, người đã mở đường cho nghiên cứu hôm nay về máy tính lượng tử; hoặc sẽ trao cho nhà vật lý Alain Aspect của Pháp vì công trình nghiên cứu về rối lượng tử (quantum entanglement).
Giải Nobel vật lý đã trao 113 lần cho 213 nhà khoa học trong giai đoạn 1901-2019, trong đó ông John Bardeen là nhà khoa học duy nhất được hai lần trao Nobel vật lý vào các năm 1956 và 1972.
Năm ngoái Nobel vật lý được trao cho ba nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz "vì sự đóng góp cho hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái đất trong thiên hà".
Theo Hãng tin AFP, các trường đại học Mỹ chiếm vị thế áp đảo trong số các tổ chức, đơn vị học thuật có người đoạt giải Nobel khoa học.
Kể từ khi có các giải Nobel vật lý, hóa học và y học từ năm 1901, kinh tế từ năm 1969, theo trang web của giải thưởng Nobel (Nobelprize.org), có tới 703 nhà nghiên cứu đã được tôn vinh trong tổng cộng 441 công trình.
Số nhà khoa học người Mỹ đoạt giải Nobel hiện vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất với 248 người (35%) sinh tại Mỹ.
Đó là nhìn về phương diện cá nhân các nhà khoa học. Còn khi nhìn vào số trường đại học Mỹ có người đoạt giải Nobel, tỉ lệ còn lớn hơn nữa: 57% giải thưởng Nobel (251/441 giải) đã được trao cho các nhà nghiên cứu có liên quan tới một ĐH Mỹ tại thời điểm trao giải.
Theo tuoitre