leftcenterrightdel
 Các trường học ở Hồng Kông bắt đầu giảm gánh nặng bài vở cho học sinh để giúp các em thoải mái hơn khi đến trường - Nguồn ảnh: SCMP

Sau cái chết gây chấn động của nữ sinh nói trên, ngôi trường trung học cơ sở nơi Chan làm việc đã cắt giảm lượng bài tập nhằm giảm sức ép cho học sinh. Song song đó, trường bắt đầu triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, bao gồm chương trình trò chuyện, hội thảo hỗ trợ giới trẻ.

“Tìm ra những học sinh cần được tư vấn, lắng nghe trở thành ưu tiên hàng đầu với chúng tôi” - Chan nói - “ Cần phải phát hiện sớm nhất có thể những trường hợp tiềm ẩn dấu hiệu bất ổn. Bởi nếu không ai can thiệp, giúp đỡ các em, chúng tôi lo bọn trẻ sẽ làm chuyện dại dột bên ngoài trường”.

Cùng nỗi lo, nhiều ngôi trường khác ở Hồng Kông đang đặc biệt chú trọng đến sức khỏe tâm lý của học sinh, nhất là khi tình trạng người trẻ tự sát có chiều hướng gia tăng hậu đại dịch COVID-19.

Gần đây, tự sát ở giới trẻ trở thành vấn đề gây quan ngại của hàng loạt quốc gia phát triển thuộc châu Á. Năm 2022, Singapore ghi nhận số thanh niên và trẻ vị thành niên tự sát tăng 11,6% so với năm 2021. Tự tử chiếm 33,6% trong tổng số ca tử vong thuộc độ tuổi 10-29 ở quốc gia này. Tương tự, Nhật Bản phải đối diện những cái chết trẻ tăng đột biến, dù tổng số vụ tự tử trên cả nước đã giảm. Tại Trung Quốc, dữ liệu mới nhất năm 2021 cho thấy, tỉ lệ người tự sát thuộc nhóm tuổi 15-24 tăng đến gần 20%.

Năm 2023, Bộ Giáo dục Hồng Kông ghi nhận có 32 vụ tự sát ở học sinh tiểu học và trung học, tăng gấp đôi so với năm 2018; số trẻ mắc bệnh tâm lý đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm trở lại đây.

Các chuyên gia giáo dục và nhân viên xã hội kêu gọi chính quyền địa phương cùng hệ thống trường học chung tay hành động. Phòng khám tâm lý chuyên hỗ trợ trẻ vị thành niên là một biện pháp thiết thực. Nhân viên và giáo viên công tác tại trường cũng nên được đào tạo kỹ năng để nhận diện sớm khi trẻ có biểu hiện tâm lý bất ổn. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, Hồng Kông cần cải thiện hệ thống giáo dục hiện quá đề cao hiệu suất với chương trình học dày đặc.

Nhiều giáo viên ở Hồng Kông cảm nhận áp lực đối với họ đã tăng gấp đôi so với trước. Giáo viên tiếng Trung Jenny Wong nhắc đến một sự kiện khiến cô luôn canh cánh trong lòng. Đó là khi cô kề cận, chăm sóc một nam sinh được cấp cứu do tự cắt cổ tay. Cô Wong bày tỏ: “Nhu cầu và tâm tư của mỗi đứa trẻ thường khác nhau. Nhiều em xuất hiện dấu hiệu lo âu, phiền muộn do việc học căng thẳng trong khi số khác lại xuất phát từ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Chuyện này khiến tôi đôi lúc thấy bất lực. Rối loạn tinh thần nên được tiếp cận và chữa trị từ gốc rễ. Điều chúng tôi làm được hiện giờ chỉ giúp xoa dịu phần nào áp lực cho trẻ”.

Theo phụ nữ TPHCM