Không chỉ được ngưỡng mộ bởi sự nghiệp thành công, Hoắc Tư Yến còn khiến mọi người nể phục ở cách dạy con. Con trai của cô và diễn viên Đỗ Giang là Đỗ Vũ Kỳ đã hơn 10 tuổi. Tuy ít xuất hiện trên truyền thông nhưng được biết cậu bé rất chăm ngoan, có thành tích học tập tốt. Nữ diễn viên chia sẻ, từ khi con 2 tuổi, vợ chồng cô đã dạy con kiến thức thiên văn, địa lý, lịch sử,… Dù bận rộn công việc nhưng 2 vợ chồng luôn đồng hành cùng con trong mọi hoạt động.
Cộng đồng mạng từng thích thú trước một clip mà Hoắc Tư Yến đăng tải. Chồng nữ diễn viên đã hỏi con trai: "Tại sao máy bay có thể bay được?". Cậu bé không chút do dự, trả lời rành rọt: "Vì máy bay có động cơ phản lực nên có thể bay được". Trước câu trả lời, mọi người đều ngỡ ngàng vì cậu bé còn nhỏ đã thông minh, hiểu biết rộng. Nhiều người ngợi khen Đỗ Vũ Kỳ, gọi cậu là cuốn bách khoa toàn thư.
Hoắc Tư Yến chia sẻ, để giúp con hứng thú học tập, cô đã áp dụng 2 phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu ích là: ĐỌC – VIẾT mỗi ngày.
1. Dạy con đọc sách chuyên sâu
Từ khi con trai còn nhỏ, Hoắc Tư Yến nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho con bằng việc đưa con đến nhà sách vào cuối tuần. Cô mua cho con những cuốn sách con yêu thích và tham gia đọc cùng con khi rảnh rỗi. Nhưng Vũ Kỳ vẫn bị cô giáo nhận xét là khả năng học ngôn ngữ chưa cao.
Hoắc Tư Yến không buồn về lời nhận xét đó. Cô nhận ra rằng từ trước đến nay, do để con tiếp xúc quá nhiều sách đã khiến con bị ngợp. Cô lập tức thay đổi phương pháp giáo dục, để con đọc chuyên sâu từng loại. Khi dành nhiều thời gian để đọc, chúng ta mới hiểu được nội dung, các chi tiết trong truyện, thông điệp tác giả,… Đây mới là việc đọc thật sự.
Đọc chuyên sâu là một bài tập rèn luyện phản xạ của thị giác. Khả năng thị giác bao gồm việc đọc theo tốc độ và sự nhận biết bằng hình ảnh. Tốc độ đọc được quyết định bằng số lượng từ, còn sự nhận biết bằng hình ảnh sẽ xác định chất lượng việc đọc. Trẻ em đọc bao quát mà không đọc chuyên sâu thường không cân bằng được sự phát triển khả năng thị giác.
Khi đọc chuyên sâu, chúng ta mới có cái nhìn sâu sắc về câu chuyện, mới có thể đặt ra những câu hỏi và trả lời chúng. Chẳng hạn như: "Cuốn sách này nói về điều gì?", "Tại sao phép tu từ lại đẹp đến như vậy?", "Mối quan hệ giữa các nhân vật?", "Thông điệp tác giả là gì?",… Chỉ khi tư duy liên tục mới đạt được tới trình độ đọc chuyên sâu đúng nghĩa.
Nếu trẻ chỉ đọc nhanh, đọc theo kiểu tổng quát thì khi gấp trang sách lại, trẻ có thể quên sạch những điều vừa học, vừa đọc. Hoặc trẻ hiểu sơ lược câu chuyện mà không thảo luận được về các chi tiết. Vì thế, Hoắc Tư Yến khuyên các bậc phụ huynh nên rèn luyện phương pháp đọc sách chuyên sâu cho con ngay từ khi con còn nhỏ.
2. Dạy con viết văn mỗi ngày
Nhiều đứa trẻ rất sợ viết văn vì đây là môn học không có đáp án chuẩn xác. Điều này khiến trẻ cảm thấy bất lực, khó học, khó tìm tư liệu. Thời gian đầu, trẻ thường không tập trung, ngồi rất lâu vẫn không viết được đoạn văn ngắn, dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Vũ Kỳ đã rơi vào tình trạng như vậy. Cậu bé từng rất buồn bực trước môn tập làm văn. Cậu cảm thấy bí ý tưởng, loay hoay mỗi khi làm bài. Thấy như vậy, Hoắc Tư Yến đã gợi ý để con viết nhật ký mỗi ngày. Cô cho rằng đây là cách giúp con rèn thói quen viết lách, ghi lại những cảm xúc, sự việc đã diễn ra.
Trong giai đoạn đầu học viết, sự hứng thú và tự tin trong trẻ rất quan trọng. Nữ diễn viên hiểu được điều đó nên luôn động viên, khích lệ con. Cô không bao giờ trách mắng khi con làm chưa tốt hay thúc giục con quá nhiều. Cô muốn con hình thành thói quen từ từ, học đến đâu chắc đến đấy.
Dần dần, Tử Kỳ cải thiện được khả năng viết rõ rệt. Nhờ phương pháp của mẹ khiến cậu không sợ viết văn nữa. Hiện tại dù đã lớn nhưng cậu vẫn duy trì thói quen viết nhật ký để lưu giữ những kỷ niệm đẹp. Ngoài ra, Hoắc Tư Yến thường tổ chức các buổi đi chơi để con có cơ hội quan sát cuộc sống.
Nữ diễn viên chia sẻ, muốn trẻ viết hay thì cần cho trẻ học cách quan sát thiên nhiên, tham gia các hoạt động. Môi trường bên ngoài là trường học hoàn hảo nhất. Trong chuyến đi chơi, cả nhà sẽ cùng nhau trò chuyện, thảo luận về các vấn đề như: Loại cây trên đường, tên các dòng xe hơi, đặc điểm của con vật,... Mỗi khi trẻ học thêm được điều mới, cha mẹ hãy nhắc nhở con ghi chép lại vào cuốn sổ tay.
Ứng Hà Chi