Lựa chọn con đường thể hình có thể nói là một quyết định đầy liều lĩnh của Kim Loan, bởi cô vừa thấp bé nhẹ cân, vừa lạc lõng trong bộ môn luôn bị mặc định là “dành cho phái mạnh”. Thế nhưng, 40 ngày sau, cô đã biết mình chọn đúng, với tấm huy chương vàng quốc gia đầu tiên.
THƯƠNG GIA ĐÌNH ĐẾN RỚT NƯỚC MẮT
Phóng viên: Chị đã đến với thể hình trên con đường như thế nào, lắm truân chuyên hay được trải hoa hồng?
Nữ hoàng thể hình Đinh Kim Loan: Theo tôi, để thành công trong thể thao, chúng ta cần cả hai yếu tố: hay và may. Có thể nói, nhìn lại chặng đường đã đi, tôi thấy mình may mắn khi lựa chọn thể hình là con đường phát triển sự nghiệp.
Thời điểm đó, năm 2006, nhìn quanh chẳng có mấy nữ vận động viên (VĐV) thi đấu thể hình nên tôi chọn nó để giảm bớt sự cạnh tranh.
Tôi thấy mình đã đánh giá đúng: "Đây là một môn mới lạ với VĐV nữ, ít người tham gia nên cơ hội thành công sẽ cao hơn các môn khác". Có thể coi đây là bước chạy đà trong sự nghiệp của tôi nhờ tính toán đúng và tận dụng tốt cơ hội.
Thế nhưng, nếu chỉ may mắn thì chưa đủ để thành công. Mình phải hay nữa. Ngay từ bé, tôi đã hình thành thói quen tập thể dục, luôn tham gia các hoạt động thể thao ở trường học, nên có nền tảng thể lực từ trước khi vào tập luyện thể hình.
Nhờ vậy, chỉ cần 40 ngày làm quen với thể hình và ăn uống theo chế độ quy định, tôi đã giành huy chương vàng (HCV) ở cuộc thi đầu tiên. Nhiều người nghĩ làm sao có thể đoạt HCV chỉ sau 40 ngày làm quen và tập luyện nhưng chẳng có gì là phi logic bởi khi người ta thấy khó nên không theo tập thì tôi coi như đã có lợi thế.
* Vậy còn điều gì khó mà chị lao vào trong khi người khác bỏ không?
- Nhiều chứ, chẳng hạn như bộ cơ lưng. Với đặc tính cơ thể của nữ giới Việt Nam, các nhóm cơ khó thành tựu là nhóm cơ ở phần thân sau, ví dụ như nhóm cơ lưng, cơ đùi sau, cơ bụng. Tôi tập trung phát triển các nhóm cơ này bằng được và biến nó thành ưu điểm nổi trội cho mình.
Ngoài ra, tôi thường xuyên dành thời gian để nghiên cứu các video thi đấu, nghiên cứu đối thủ và cả bản thân để tìm ra ưu và khuyết điểm của mình, của đối phương, từ đó có kế hoạch, tập luyện, xây dựng các nhóm cơ yếu, biến khuyết điểm thành ưu điểm.
* Chị từng nói mình là “con nhà nghèo”, chị có thể chia sẻ chi tiết về chuyện này được không?
- Nói mình là “con nhà nghèo” có khi không đúng, mà phải là “con nhà rất nghèo” mới chính xác. Từ khi biết nhận thức, tôi chỉ thấy ba má một nắng hai sương đi làm thuê, làm mướn ở đất Châu Thành, Long Xuyên (An Giang) để kiếm gạo nuôi con.
Có lần, ở nhà hết sạch đồ ăn, không còn gì có thể bỏ vào miệng hay đổi lấy gạo mà tiền công chưa tới kỳ lãnh, má tôi phải năn nỉ chủ cho ứng trước tiền công đủ mua một ký gạo về nấu cơm cho cả nhà ăn. Thật sự, mỗi lần nhớ đến chuyện này, tôi lại thương ba má, thương gia đình mình đến rớt nước mắt.
Thế nhưng ba má vẫn kiên quyết bắt hai chị em tôi đi học. Ba má nói thà rằng đứt bữa còn hơn đứt chữ. Nhớ lại ngày đó, năm nào tôi và em trai cũng phải gặp các thầy cô ở trường để hỏi thủ tục xin miễn giảm học phí. Cũng may, thầy cô và nhà trường đều rất thương học sinh nghèo.
Trong đầu tôi bao giờ cũng nghĩ đến chuyện làm thế nào để vượt qua hoàn cảnh “con nhà nghèo” bằng mọi cách. Khi có cơ hội được vào đội tuyển thể thao của tỉnh, tôi nắm lấy ngay, vì hy vọng thể thao sẽ là chìa khóa giúp mình và gia đình thoát nghèo.
* Vậy là từ một cô gái nhà nghèo, chị đã vươn lên vị trí Nữ hoàng Thể hình Việt Nam. Làm thế nào để lên đến đỉnh cao đó?
-Đầu tiên chắc chắn là nhờ ba má. Ba má tôi tuy không được học hành nhiều, đầu tắt mặt tối đi làm mướn nhưng lại có tư duy cởi mở và ủng hộ con cái hoàn toàn. Khi người ta chê tôi là con gái mà đi tập tạ, tập thể hình thì ba má luôn động viên, khích lệ tôi.
Ngay từ khi bước vào con đường VĐV chuyên nghiệp, tôi vẫn khắc ghi lời dặn của ba má: "Đã chơi thể thao thì phải chơi cho ngon nghe con". Chơi ngon là thế nào? Là quyết tâm chiến thắng bản thân bằng được. Tôi yên tâm tập luyện và thi đấu vì có… sự chống lưng của ba má.
Để không phụ sự ủng hộ “bất chấp” đó, tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kiến thức mới; đào bới, suy nghĩ sau mỗi màn thi đấu xem nếu thắng thì tại sao mình thắng, nếu thua thì tại sao mình thua. Biết mình, biết người thì mới có thể tìm ra cách thức thi đấu giành thắng lợi được.
Rồi cũng đến lúc tôi không phụ lòng tin yêu của ba má. Đó là năm 2008, hai năm sau khi bước vào tập thể hình chuyên nghiệp. Tại giải Vô địch Thể hình châu Á tổ chức ở Hồng Kông (Trung Quốc) vào năm đó, tôi đoạt HCV quốc tế đầu tiên.
Tôi đã khóc không ngừng khi ngắm cờ đỏ sao vàng bay cao trong tiếng quốc ca Việt Nam hào hùng trên bục nhận huy chương. Ngay sau đó, tôi gọi điện thoại về báo tin cho ba má. Hồi về nhà, má kể lại, khi nghe tin, ba nhảy “tưng tưng” khắp nhà bởi hạnh phúc.
* Chị cũng có nói đến việc bị người xung quanh kỳ thị về việc tập thể hình. Cụ thể như thế nào?
- Thú thật, thời gian đầu mới bước chân vào môn thể hình, tôi đã nhận được những lời khó nghe về việc phụ nữ tập tạ như con gái mà “đô” như con trai, vai u thịt bắp trông chẳng nữ tính chút nào. Tôi đã khóc rất nhiều, sao mà không khóc được chứ!
Nhưng, vẫn là nhờ ba mẹ an ủi, động viên, tôi quen dần với những lời chê bai, đàm tiếu và cũng không quan tâm đến nó nữa; việc mình mình làm, họ nói thì họ nghe.
Không phải ai cũng cởi mở khi nhìn thấy phụ nữ chơi những môn được cho là của đàn ông, vẫn còn nhiều kỳ thị lắm. Tôi không thích lối tư duy truyền thống rằng phụ nữ đẹp thì phải mảnh khảnh, chân yếu tay mềm.
Thực tế, chị em đam mê tập thể hình cũng ngày càng nhiều và quan niệm của xã hội về điều đó cũng cởi mở hơn nhiều. Cùng với thành công đã có, tôi càng tự hào về cơ thể của mình.
KHÔNG YÊU NẾU CHỈ ĐỂ LẤP SỰ CÔ ĐƠN
* Hơi tế nhị nhưng với một phụ nữ tập thể hình thì chuyện yêu đương sẽ như thế nào nhỉ?
- Thật lòng tôi không đặt nặng vấn đề hôn nhân, rằng phải lấy chồng và sinh con, bởi tôi đang cực kỳ hạnh phúc với đời độc thân: tự do tuyệt đối, thích làm gì thì làm, không sợ ai bị ảnh hưởng, muốn chăm sóc ba mẹ mình 24/7 cũng được. Càng tuyệt vời hơn khi mình tự chủ tài chính, tự chủ cuộc đời.
Cho dù bây giờ tôi đang dồn tình yêu cho thể hình, cho ba má và mấy cục cưng chó mèo nhưng không có nghĩa tôi mãi mãi không yêu ai. Đó là khi nào thì tôi chưa biết nhưng người ấy phải là người yêu vẻ ngoài cơ bắp của tôi.
Không những thế, chàng còn phải là người đồng điệu về tâm hồn, suy nghĩ, phong cách sống và cả sở thích với tôi.
Nói đến sự đồng điệu về sở thích, tôi là người mê tập luyện thể thao, thích sống lành mạnh thì anh ấy cũng phải đam mê tập luyện thể thao, môn gì cũng được chứ không nhất thiết là thể hình. Tôi luôn nhắc mình: “Đừng vì phút giây cô đơn nhất thời mà chọn sai người”.
Trước khi yêu hay kết hôn, tôi sẽ hỏi người đó có đồng ý với sự nghiệp tập luyện và thi đấu thể hình của tôi hay không, vì đây chính là cuộc sống của tôi nên tôi sẽ không vì ai mà thay đổi.
Trong lúc chưa chọn được, tôi hài lòng với một người tri kỷ, luôn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sở thích nghề nghiệp. Anh ấy cũng là VĐV thể hình và có niềm đam mê với bộ môn cơ bắp này.
* Bí hiểm quá, người tri kỷ đó là ai vậy?
- Đó là VĐV thể hình đàn anh Phạm Văn Mách, người đã chỉ bảo, nâng đỡ và sát cánh cùng tôi trong suốt chặng đường thành công. Anh Phạm Văn Mách là đồng đội ăn ý nhất của tôi.
Cả tôi và anh Phạm Văn Mách đang là đương kim vô địch quốc gia năm 2020 ở nội dung đôi nam nữ, hạng cân 55. Anh Mách cũng là tấm gương phấn đấu của tôi bởi anh đã vô địch thế giới năm lần, vô địch châu Á tám lần và có hàng chục HCV quốc gia.
* Chị có bao giờ lúng túng khi phải mặc những trang phục nữ tính như áo dài hay váy không nhỉ? Thân hình cơ bắp của chị đã bao giờ “phản bội” chị chưa?
- Tôi không hề mặc cảm hay xấu hổ về ngoại hình cơ bắp của mình vì tôi là VĐV thể hình đại diện cho Việt Nam, chiến đấu vì màu cờ sắc áo ở đấu trường quốc tế và mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Với tôi, khoảnh khắc thiêng liêng nhất vẫn là thời điểm tất cả bạn bè quốc tế đứng nghiêm trang, ngước nhìn lá cờ Việt Nam được kéo lên cao, trong điệu nhạc quốc ca Việt Nam đầy kiêu hùng. Đó là điều tôi quan tâm.
Nhưng nói thật, khi tôi mặc áo dài, váy đầm trong các dịp lễ hội, tiệc tùng, tết nhất thì cũng rất đẹp và hấp dẫn. Tôi hoàn toàn thoải mái trong những bộ váy bởi chúng giúp tôi đẹp kiểu khác mà.
* Mà ngắm chị mặc váy khá sexy đấy chứ. Chị có biết thế không và có cố gắng làm cho mình… mềm mại hơn không?
- Tôi may mắn có cô bạn thân tên Ngọc Quỳnh luôn hỗ trợ tôi như một “stylist” riêng, giúp tôi có những bộ cánh phù hợp nhất. Tôi không cố gắng diễn hay làm cho mình mềm mại mà để tự nhiên vậy. Cứ cảm thấy thoải mái là được. Với tôi, sự mềm mại phải nằm trong tâm hồn chứ không phải vẻ bề ngoài.
THÚ VUI BÊN NGOÀI TẠ SẮT
* Ngoài thể hình, chị còn đam mê gì không?
- Tôi rất thích nấu ăn, đặc biệt thích nấu để đãi bạn bè, người thân. Người phụ nữ muốn trở thành gì trong xã hội cũng được nhưng phải biết nấu ăn để chí ít chăm sóc cho bản thân.
Với tôi, khái niệm người phụ nữ hiện đại tương đối rộng, có thể tóm tắt như sau: Đó là một phụ nữ độc lập, tự chủ, bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám theo đuổi đam mê.
Cô ấy không để những luồng suy nghĩ lạc hậu làm ảnh hưởng đến định hướng tương lai. Cô ấy phải được gia đình, bạn bè tin tưởng, yêu mến và có trách nhiệm với gia đình, bản thân. Cô ấy phải có sức khỏe tốt, vóc dáng săn chắc và đủ khả năng chăm chồng, chăm con.
* Thế còn giải trí thì sao?
- Ai cũng có nỗi phiền muộn trong cuộc sống và tôi cũng thế. Những khi đó, tôi cố gắng cân bằng cảm xúc, không để nỗi buồn chèn ép suy nghĩ của mình. Tôi thường tìm vui trong việc làm vườn, chơi với hai bé mèo hoặc về thăm ba má.
Tôi không buồn nhiều hay buồn lâu. Có lẽ, do chuyên tâm tập luyện thể thao nên tôi có được suy nghĩ tích cực và dễ dàng vượt qua buồn phiền. Bình thường, tôi tập luyện mỗi ngày hai buổi: sáng 30 phút, chiều 1 giờ 30 phút. Chưa ngày nào tôi nghỉ tập. Tôi sẽ thấy khó chịu mỗi khi không được đến phòng tập, như thể mỗi ngày sống mà quên thở.
Tất cả mọi việc luôn có cách giải quyết, chưa xử lý được thì… đi ngủ cho thư thả đầu óc rồi lúc tỉnh táo xử lý tiếp.
* Nếu để tự nhận xét về mình, chị sẽ miêu tả mình là người như thế nào?
- Bình tĩnh, trầm lắng. Có thể do tuổi tác và đã trải qua nhiều vấn đề trong cuộc sống mà tính cách này đã hình thành trong tôi. Hồi xưa, tôi vội vã và nóng tính, còn bây giờ, sau thời gian tập luyện, tôi đã rèn được tính kiên trì, nhẫn nại, khiêm tốn. Bên cạnh đó, tôi cũng ăn chay và hành thiền nên hết nóng tính, trở nên bình tĩnh trước mọi vấn đề.
* Nếu có ngày phải giã từ thể hình, khi đó chị sẽ làm gì?
- Tôi có rất nhiều kế hoạch, dễ nhất là làm những việc liên quan đến thể hình và fitness như hướng dẫn tập luyện tại phòng tập hay trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Hiện tại, tôi rất mong dịch COVID-19 nhanh chóng bị khống chế để nền kinh tế hồi phục, mọi sinh hoạt trở về bình thường để các cuộc thi đấu thể thao được tổ chức. Nói chung, chỉ cần bình thường như trước COVID-19 mà thôi.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Theo phunuonline
Họ và tên: Đinh Kim Loan Năm sinh: 1988 Nơi sinh: Long Xuyên, An Giang Bộ môn: Thể hình và fitness Thành tích: - 2008: HCV châu Á, nội dung 46kg - 2009: HCV châu Á, nội dung 46kg - 2010: HCV châu Á, nội dung 46kg, HCB fitness thế giới - 2011: HCV châu Á, nội dung 49kg - 2012: HCV châu Á, nội dung 49kg - 2013: HCV châu Á, nội dung 49kg - 2014: HCB Đông Nam Á, HCV châu Á, nội dung 49kg - 2015: HCV châu Á, nội dung dưới 52kg, HCV thế giới, nội dung dưới 55kg - 2017: HCV châu Á, nội dung dưới 52kg, HCV thế giới, nội dung dưới 55kg - 2006 đến 2020: Đều đoạt HCV tại các giải vô địch quốc gia - 2018: Vô địch Toàn năng nữ cuộc thi Muscle Contest tại TP.HCM nhận Pro Card, trở thành IFBB Pro (chứng chỉ của Liên đoàn Thể hình Quốc tế). |