|
|
Hành trình gần 10 năm làm chủ tiếng Việt của Hà Tuyết Giảo vẫn tiếp tục với chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Việt Nam. |
Từng ‘phát khóc’ vì âm tiết tiếng Việt
Hà Tuyết Giảo sinh ra tại TP Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc)- khu vực biên giới giáp ranh với nhiều tỉnh của Việt Nam. Có lẽ chính vì sự gần gũi về địa lý này đã dẫn dắt Tuyết Giảo đến với ngôn ngữ tiếng Việt.
“Trong tục ngữ Việt Nam có câu ‘vạn sự tùy duyên’. Chắc duyên của mình với Việt Nam rất sâu dày”, Hà Tuyết Giảo chia sẻ. Sau khi hoàn thành cấp 3, cô gái thấy mình ở “ngã ba đường” của sự bối rối, không biết nên đi theo hướng ngôn ngữ tiếng Nhật như chị gái hay lựa chọn một chuyên ngành khác.
Chính một người bạn của chị gái đã gợi ý nữ sinh học tiếng Việt bởi cơ hội việc làm trong tương lai. Tuyết Giảo sau đó đã lựa chọn con đường này và không ngờ lại gắn bó lâu dài như vậy. Cô gái theo học chuyên ngành Ngôn ngữ học (chuyên ngành tiếng Việt) tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc).
|
|
Nữ du học sinh đam mê và đã trải nghiệm văn hóa Việt Nam tại hơn 15 tỉnh, thành từ Bắc đến Nam. |
Những bước đi đầu tiên của Tuyết Giảo “va chạm” với tiếng Việt đã gặp phải những thách thức lớn, đặc biệt là trong việc nắm vững cách phát âm.
“Mình vẫn nhớ khi mới học phát âm tiếng Việt, mình đã muốn bỏ học. Lớp học kéo dài 45 phút, dù đã cố gắng bắt chước nhưng mình không thể nào phân biệt được sự khác biệt giữa âm này với âm kia. Bạn cùng lớp học có thể học thuộc trong 30 phút hoặc 1 tiếng nhưng mình thậm chí phải mất hơn 1 tuần”, Hà Tuyết Giảo chia sẻ.
Có lần, thầy giáo gọi Tuyết Giảo đứng lên đọc phân biệt âm. Nữ sinh không đọc chuẩn một âm tiết nào. “Sau lớp học, mình chạy vào nhà vệ sinh, hai hàng nước mắt chảy ra không ngừng, mình gọi điện cho chị”.
Tuy nhiên, sau khi được chị an ủi, nhận được lời khuyên từ thầy giáo hướng dẫn, Hà Tuyết Giảo đã kiên trì học tập và đứng đầu toàn khoa chỉ một năm sau đó.
“Mình muốn học tiếng Việt, muốn chinh phục ‘phong ba bão táp’ của ngôn ngữ này”, nữ sinh khẳng định.
Niềm đam mê với văn Việt
Hà Tuyết Giảo giành học bổng chính phủ Trung Quốc- Việt Nam hệ 1 năm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (2016-2017), tốt nghiệp cử nhân hệ xuất sắc tại Đại học Dân tộc Quảng Tây (2014-2018) với GPA 3.88/4.
Ngoài ra, cô nàng cũng tốt nghiệp loại S (xuất sắc) chuyên ngành Ngôn ngữ Hán Việt tại Đại học Osaka (Nhật Bản) (2018-2022) và đang theo học chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
“Các thầy cô đều dặn, học một thứ ngôn ngữ thì viết nhật ký là cách tốt nhất để vận dụng từ vựng đã học. Mình bắt đầu viết nhật ký từ năm 2014, khi mới bắt đầu học tiếng Việt và viết tản văn từ năm 2022”, Tuyết Giảo chia sẻ.
|
|
Hà Tuyết Giảo trong trang phục áo ngũ thân của Việt Nam, chụp cùng thầy cô Nhật Bản từng dạy tiếng Việt tại Đại học Osaka (Nhật Bản). |
Khi đọc những dòng tản văn, bút ký của Hà Tuyết Giảo trên website của Hội Nhà văn Việt Nam, diễn đàn Hội Nhà văn TP.HCM, ít người có thể nghĩ đó là cách hành ngôn hay diễn văn của một người nước ngoài.
Ngôn ngữ chân thật, mộc mạc, miêu tả cái hồn cốt tự nhiên trong cuộc sống thường nhật của một cô gái Trung Quốc không hề lạc lõng giữa dòng chảy nhộn nhịp và hối hả của mảnh đất Sài thành.
Giữa một Sài Gòn xô bồ và hoa lệ chợt thấy “ghé ngang” những hình ảnh thân thương của cái ban công nhỏ bé của phòng trọ, những con người hiền lành, chất phác “đối xử với tôi như người trong gia đình, hỏi thăm hàng ngày luôn khiến tôi cảm thấy ấm lòng, không có cảm giác mình đang sinh sống tại xứ khác”, trích bút ký “Con người miền Nam, Sài Gòn” của Tuyết Giảo đăng trên Diễn đàn của Hội Nhà văn TP.HCM.
Ngoài ra, Tuyết Giảo cũng chia sẻ rất hâm mộ bà hoàng thơ tình Xuân Quỳnh của Việt Nam.
“Những câu từ ‘Sóng bắt đầu từ gió, gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa, khi nào ta yêu nhau’ tựa như những làn sóng trữ tình ‘va’ vào trong tâm trí mình, vô cùng nhẹ nhàng, lãng mạn, thiết tha”, cô gái chia sẻ.
Sau khi theo học chương trình tiến sĩ tại Việt Nam, Hà Tuyết Giảo dự kiến quay trở lại Đại học Dân tộc Quảng Tây - nơi cô gái từng chập chững những bước đi đầu tiên trên hành trình “thập kỷ” tiếng Việt.
“Mình hy vọng có thể trở thành một giảng viên bộ môn tiếng Việt. Mình mong muốn có thể ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong suốt thời gian qua để truyền dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ Trung Quốc, góp phần vào thúc đẩy giao lưu văn hóa, xây dựng cầu nối hữu nghị giữa hai nước”.
Theo vietnamnet