|
|
Ashley Adirika trong lễ trao bằng tốt nghiệp của trường Trung học Miami Beach hôm 1/6. Ảnh: Miami Herald |
Trở thành sinh viên của một trong 8 trường thuộc Ivy League luôn là mơ ước của Ashley Adirika, người Mỹ gốc Nigeria. Năm ngoái, sau cuộc nói chuyện với một người bạn và được khuyến khích theo đuổi ước mơ, nữ sinh trường Trung học Miami Beach, ở thành phố nghỉ dưỡng Miami Beach, bang Florida, đã ứng tuyển toàn bộ 8 trường thuộc nhóm này.
Vào ngày các trường danh tiếng công bố kết quả, Adirika mở tám thanh công cụ trên máy tính, lần lượt nhận thông báo trúng tuyển và được cả tám trường: Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Penn, Princeton và Yale cấp học bổng.
"Em đã quyết định nộp 8 trường xem kết quả ra sao. Em không nghĩ sẽ được chấp nhận tất cả", CNN dẫn lời nữ sinh 17 tuổi nhớ lại khoảnh khắc biết tin đỗ.
Từ năm 2018, mỗi trường thuộc Ivy League chấp nhận chưa đến 12%. Năm nay tỷ lệ chấp nhận của Yale là 4,5%, Columbia 3,7%, trong khi Đại học Harvard chỉ 3,19% cho khóa 2022-2026.
Ngoài Ivy League, Adirika còn được 7 trường hàng đầu khác chấp nhận, trong đó có Đại học Stanford, Vanderbilt và Emory.
"Thật khó tin. Cảm giác thật tuyệt vời khi biết nỗ lực của em đã được đền đáp và các trường đại học cũng nhận ra điều đó. Những giọt nước mắt bắt đầu trào ra. Em và mọi người thực sự phấn khích, la hét và nhảy vì vui sướng", Adirika, 17 tuổi, kể.
Adirika thích Yale và Harvard. Lúc nộp hồ sơ, Yale là lựa chọn số một của em. Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn về chính sách và chính sách xã hội, Adirika nhận thấy Harvard có chương trình tốt hơn.
Adirika chọn Harvard, dự định học ngành chính phủ và nhập học mùa thu này. Mục tiêu của em là tìm hiểu cách thức hoạt động của chính phủ và cách các chính sách có thể giúp khắc phục sự chênh lệch kinh tế trong các cộng đồng.
Tại trường trung học, Adirika tham gia vào đội tranh biện và là chủ tịch hội học sinh. Việc trở thành thành viên đội tranh biện giúp em xây dựng sự tự tin và nâng cao tiếng nói của mình.
"Em là người yêu thích học những điều mới mẻ và tranh biện mang lại cho em cơ hội đó. Hơn nữa, tranh biện còn giúp em có nền tảng để nói về những điều em tin và những điều quan trọng với em", Adirika chia sẻ.
Bess Rodriguez, huấn luyện viên tranh biện trường trung học cơ sở thành phố Carol gần đó, đã tuyển Adirika vào đội khi em học lớp 8. Giáo viên tiếng Anh này cho biết, Adirika luôn tò mò về cách thế giới vận hành.
"Em ấy rất thông minh và hoạt ngôn. Một số chủ đề tranh luận rất phức tạp nhưng Adirika đã nghiên cứu tài liệu và luôn chuẩn bị kỹ lưỡng", Rodriguez nhận xét.
|
|
Ashley Adirika dự định học ngành chính phủ tại Đại học Harvard khi nhập học vào mùa thu này. Ảnh: Ashley Adirika |
Adirika từng mơ ước trở thành giáo viên hoặc ngày nào đó ngồi trong Phòng Bầu dục (ở Nhà Trắng). Nhưng ước mơ ấy đã thay đổi theo thời gian, giờ đây em tập trung vào việc trao quyền cho những phụ nữ trẻ thiệt thòi với tổ chức của mình, Our Story Our Worth.
Tổ chức được bắt đầu khi Adirika còn là học sinh trung học, cung cấp dịch vụ cố vấn, xây dựng sự tự tin và tình chị em cho các cô gái, phụ nữ trẻ da màu. Our Story Our Worth hiện làm việc với các cô gái và phụ nữ trẻ trong cộng đồng Miami, nhưng Adirika hy vọng mở rộng nó ra khắp nước Mỹ.
Nữ sinh mong muốn tìm hiểu thêm về bản thân, vị trí của mình trên thế giới và cách "tối đa hóa tác động" mà em có trong việc trao quyền cho cộng đồng. Nữ sinh dự định tham gia nhóm tranh biện tại Harvard, có kế hoạch học luật sau khi hoàn thành chương trình đại học.
Theo vnexpress