Giang Huyền Anh (học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam)
“Nhiều người nói em hơi dị”
Chỉ nộp hồ sơ vào một trường duy nhất trong đợt nộp đơn sớm là ĐH Chicago, Giang Huyền Anh (học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) không thể ngờ con đường tới Mỹ của mình lại nhanh đến vậy.
Huyền Anh nhận được thư đồng ý với mức hỗ trợ tài chính lên tới 67.000 USD/năm dù vài ngày trước đó, nữ sinh trường Ams còn chuẩn bị bài luận cùng hồ sơ để sẵn sàng cho đợt tuyển tiếp theo của các trường đại học Mỹ.
“Em lựa chọn Mỹ là điểm đến với ước mơ về một môi trường giáo dục tiên tiến. Còn chọn ĐH Chicago, vì em nghĩ đó là nơi phù hợp với cá tính của bản thân mình”.
Sự phù hợp mà Huyền Anh nhắc tới là việc trường sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của bất kỳ sinh viên nào.
“Mọi người nói em hơi dị, vì em thường hay đặt câu hỏi về tất cả mọi thứ, ví dụ như ‘Tại sao chúng ta gọi cá heo là cá, trong khi chúng là động vật có vú?’. Những câu hỏi về sự thật khác với bề ngoài hay sự thật khác với định nghĩa do con người đặt ra là điều em thắc mắc từ rất lâu”.
Những trăn trở này đã được Huyền Anh đưa vào bài luận cá nhân của mình.
“Trong bài luận dài 650 chữ, em đã nói về Triết học và Thiền. Em viết về việc vạn vật đều có kết nối và đều là một bản thể liên kết với nhau.
Em đã khá băn khoăn về khái niệm chính xác của vạn vật. Chúng ta thường cố gắng phân tách hay phân loại từng sự vật, ví dụ, cà chua, dưa chuột là rau hay quả. Nhưng gần như không có một sự vật nào có thể định nghĩa một cách rõ ràng cả. Ví dụ, cá heo thực ra là cá hay động vật có vú? Việc chúng ta cố gắng phân loại mọi thứ khác nhau và làm mọi thứ trở nên logic là một việc khá mệt mỏi.
Do vậy, em tìm đến Thiền và tìm đến triết lý ‘vạn vật đều liên kết, đều là một phần của Phật và không thể được định nghĩa’ như một sự giải thoát hoặc một sự khai sáng”, Huyền Anh nói.
Nữ sinh cho rằng, việc cô viết bài luận này không đơn thuần chỉ để xin học bổng tại các trường mà cô nhắm đến, càng không phải chỉ để đỗ vào ĐH Chicago. Huyền Anh viết bài luận này xuất phát từ những trăn trở đã hình thành từ rất lâu.
“Triết học không có gì cao siêu như mọi người vẫn tưởng. Em nghĩ bản chất của triết học là xem xét những sự không thống nhất trong cuộc sống để đào sâu, suy xét kỹ. Nguồn gốc của nó xuất phát từ thực tế nên không có gì quá khó hay khô khan. Thật may, bài luận này của em đã được trường chấp nhận”.
Yêu thích triết học, Giang Huyền Anh từng là Chủ tịch Câu lạc bộ Triết học của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
“Tại đây, em được gặp những người truyền cho em cảm hứng. Đó là những người bạn, người anh, chị đi trước, là thầy cô luôn ủng hộ chúng em hết lòng để phát triển tư duy phản biện.
Mỗi tuần, chúng em thường dành ra một vài buổi để cùng nói về một chủ đề, cùng đặt câu hỏi và thảo luận. Các chủ đề của buổi sinh hoạt có thể là bất cứ thứ gì, từ đạo đức, tình yêu, giới tính,…miễn là có người còn thắc mắc và có nhu cầu muốn tìm hiểu sâu hơn về chúng”.
Huyền Anh lấy ví dụ, các thành viên từng cùng bàn luận về chuyện biểu diễn trên sân khấu. Ở cuộc sống bình thường, mọi người không thích đàn ông hay phụ nữ có cử chỉ của giới còn lại. Nhưng trong môi trường khác như biểu diễn, mọi người lại chấp nhận điều đó.
“Tại sao ở môi trường sân khấu và ngoài đời lại có những suy nghĩ bất đồng như vậy? Tại sao khán giả thường chấp nhận sự lệch pha ở trong môi trường biểu diễn một cách dễ dàng hơn ngoài đời”, hàng loạt những câu hỏi được cả nhóm đặt ra và cùng ngồi lý giải.
“Có nhiều điều tạo nên con người em hiện tại”
Trả lời về việc làm thế nào để có thể thuyết phục được ĐH Chicago với mức hỗ trợ tài chính “đáng mơ ước”, Giang Huyền Anh cho rằng, điều đó phụ thuộc vào việc bản thân phải thể hiện cho ban tuyển sinh thấy mình là người như thế nào.
7 năm làm lớp trưởng, Huyền Anh còn là thành viên của câu lạc bộ nhạc rock, câu lạc bộ tranh biện. Nữ sinh từng tham gia đội tranh biện không ủng hộ vấn đề “tô hồng những phong trào LGBT hiện tại” trên chương trình tranh biện Trường Teen của VTV7; vô địch Giải Tranh biện nghiệp dư cấp quốc gia năm 2019.
“Những hoạt động ngoại khóa em từng tham gia không quá nhiều nhưng đều là những điều em rất tâm huyết. Em cũng nghĩ mình may mắn khi được ở trong những môi trường có thể giúp em phát triển bản thân một cách toàn diện và góp phần tạo nên con người em hiện tại”, Huyền Anh nói.
Huyền Anh tranh biện trong chương trình Trường Teen của VTV7
Huyền Anh cũng tự nhận mình là người có những sở thích vui nhộn và luôn muốn làm người khác vui vẻ. Vì thế, khi ĐH Chicago yêu cầu ứng viên phải làm một video dài 2 phút để tự giới thiệu về bản thân, nữ sinh không ngần ngại quay một loạt những khung hình dí dỏm như đang nhảy múa trên đường Hoàng Diệu hay tự nấu mì tôm (dù thất bại) tại nhà.
“Em muốn thể hiện đúng tính cách của mình, bên cạnh một con người có chiều sâu suy tưởng”.
Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ, Huyền Anh cũng thực hiện nhiều dự án cá nhân và chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (25-27/12/2020).
Dự án dịch thơ là một hoạt động cá nhân nữ sinh đang thực hiện với trên 50 bài thơ được dịch từ thời Thơ Mới đến những năm 90.
“Em mong muốn có thể đưa thơ Việt Nam đến gần hơn tới bạn đọc quốc tế. Để làm được điều này, em dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về văn học Việt Nam, lịch sử văn học, cách phân tích các biện pháp tu từ và ý đồ của các tác giả để dịch thơ sát hơn”.
Đỗ vào ngôi trường mình mơ ước trước 5 tháng tốt nghiệp THPT, Huyền Anh cũng dự định sẽ dành thời gian học một ngôn ngữ mới, đọc thêm nhiều sách lịch sử trước khi ra môi trường quốc tế.
Nữ sinh bày tỏ sự biết ơn bố mẹ vì đã cho mình một môi trường có đầy đủ các yếu tố để có thể phát triển mà không hề cảm thấy bị áp đặt.
“Từ trước đến nay bố mẹ không đặt nặng thành tích nhưng rất coi trọng việc học. Bố mẹ rất ít khi so sánh em với các bạn khác nhưng lại chặt chẽ trong việc em có tiến bộ hơn bản thân của ngày hôm qua.
Từ rất sớm em đã học cách tự đặt tiêu chuẩn cho bản thân. Đến khi lớn hơn, em luôn có cảm giác mình phải học, phải có kỷ luật cho bản thân mà không cần ai thúc ép”, Huyền Anh chia sẻ.
Theo vietnamnet