Trần Mỹ Ngọc hiện đang theo học thạc sĩ ngành Ngành Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Oxford - NVCC
Choáng ngợp ở Oxford
Trần Mỹ Ngọc (22 tuổi, Hải Phòng) là nữ sinh giành được cùng lúc 11 chương trình học bổng thạc sĩ ở Anh, trong đó có nhiều trường nổi tiếng như Oxford, York, Bristol, Sheffield... Ngọc sau đó chọn học ngành ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Oxford, trường top 1 thế giới theo bảng xếp hạng THE 2021.
Trần Mỹ Ngọc kể: "Đến giờ học hết một học kỳ rồi mà mình vẫn chưa hoàn toàn tin được bản thân nhận học bổng vào Đại học Oxford - trường đại học danh tiếng của Anh. Mọi thứ xảy ra nhanh quá, mọi quá trình nộp học, học bổng và nhập học xảy ra vỏn vẹn trong 3 tháng, từ tháng 7 tới tháng 10 năm nay".
"Nhưng cũng may mắn là mình từng du học đại học ở Úc, và cũng đã có 6 tháng học ở Anh trước đó theo chương trình trao đổi sinh viên, nên khi đặt chân đến đất nước này không quá bỡ ngỡ như những người khác", Ngọc cho biết.
Ngọc chia sẻ: "Quá trình du học ở Anh khá gấp gáp nên gặp không ít tình huống hú hồn. Ví dụ như ngày 1.10 đã bay nhưng phải tới ngày 30.9 mình mới sắp xếp xong mọi công việc để từ Hải Phòng lên Hà Nội lấy visa, may mắn là mọi việc thuận lợi, nếu có bất kỳ trục trặc nào thì không còn thời gian xử lý. Sang Anh vào tuần nhập học của trường, lúc đó Anh chưa có lệnh đóng cửa vì dịch Covid-19 nên vẫn có thể làm quen, kết nối một số bạn bè, sau đó vài tháng thì Anh cũng đóng cửa, hạn chế ra đường vì dịch".
Theo Ngọc, mỗi một sinh viên khi được nhận vào đại học Oxford sẽ nằm trong hai hệ thống quản lý: Department (khoa) sẽ chịu trách nhiệm về quá trình học tập, công việc và kết quả của học sinh, trường (college)sẽ phụ trách về các vấn đề khác của học sinh bao gồm học bổng, sức khoẻ, vấn đề tâm sinh lý. Các giờ học với giáo sư sẽ diễn ra trong khoa, nhưng phần lớn thời gian còn lại học sinh sẽ ở thư viện của trường hoặc là sân chơi để kết bạn.
Mỗi trường lại nhận sinh viên của tất cả các khoa nên mình có thể làm quen với bạn mới từ mọi nơi trên thế giới, học những thứ khác nhau. "Đặc biệt, thư viện của ĐH Oxford cực kỳ đẹp, cảm giác khi lần đầu tiên bước vào đây rất choáng ngợp bởi sự nguy nga. Nhiều vĩ nhân, nhà khoa học đạt Nobel Prizes ngày xưa cũng đi lại trong mấy thư viện này, và thư viện này là nơi diễn ra rất nhiều cảnh quay của phim Harry Porter", Ngọc hào hứng chia sẻ.
Ngọc kể về cơ hội tiếp xúc với những người quá nổi tiếng của trường: "Hồi mới khai giảng, trường thường tổ chức các buổi gặp mặt của cựu học sinh để mọi người có thể làm quen với nhau. Buổi đầu tiên mình gặp 10 cựu học sinh từ trường đạt giải Nobel vật lý, cảm giác mình quá nhỏ bé ở nơi đây, tự nhủ bản thân luôn cố gắng để làm những điều lớn lao hơn. Tại Oxford, mình cũng có cơ hội gặp những người nổi tiếng khác, như buổi nói chuyện trực tuyến về khởi nghiệp với Bill Gates, hay được chụp ảnh với giáo sư Andrew Pollard – người đứng đầu đội nghiên cứu vaccine của đại học Oxford, thành viên của St Cross College. Cũng tại ngôi trường này, Trần Mỹ Ngọc được gặp và làm quen với ông David Kovacs – hiện tại đang là Giám đốc quan hệ quốc tế mảng Thương mại điện tử của APEC.
Sinh viên quốc tế đầu tiên được chọn vào nhóm nghiên cứu lớn của khoa
Nhờ sự chủ động, thông minh, chỉ trong 2 tháng cô đã chinh phụ được các thầy cô và trở thành học sinh quốc tế đầu tiên được chọn vào hai nhóm nghiên cứu lớn nhất của khoa là LiFT (Learning for Families through Technology) và REAL (Research In English as An Additional Language). Cô cũng là học sinh duy nhất từ Việt Nam theo ngành ngôn ngữ học ứng dụng ở trường trong 10 năm trở lại đây.
"Những mối quan hệ trong trường đã mở ra cho mình những cánh cửa mới để học hỏi nhiều hơn. Hai tháng tại Oxford đã làm tiền đề cho những cánh cửa đó. Và mình tin rằng dù học ở đâu thì việc chủ động khi đi du học, bằng những hành động rất nhỏ thôi ví dụ như gửi email chào hỏi tất cả thầy cô trong khoa, giới thiệu bản thân, chuẩn bị bài phát biểu trong tuần 1 và 2 để tạo dấu ấn cho thầy cô... là cực kỳ quan trọng", Ngọc nói.
Trần Mỹ Ngọc (phải) cùng bạn bè quốc tế tại trường, theo cô việc du học ở Oxford đã mang lại cho cô rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân - NVCC
Làm sao để xin được học bổng ở Anh?
Tốt nghiệp đại học loại giỏi tại Úc rồi trở về Việt Nam và được nhận vào những vị trí công việc rất tốt nhưng Ngọc vẫn nung nấu ý định du học lên bậc thạc sĩ. Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người e ngại và gặp khó khăn làm hồ sơ du học thì Ngọc vẫn chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển bậc thạc sĩ vào Anh.
Ngọc không ngờ, chỉ vọn vẹn trong 3 tháng, cô mới bắt đầu làm hồ sơ, chọn trường, gửi thư xin học bổng... nhưng sau đó cùng lúc nhận được tới 11 học bổng ở các trường đại học ở Anh, trong đó gồm trường danh giá top 1 thế giới là Oxford.
Để làm được điều này, Ngọc cho biết ngoài kết quả học tập ấn tượng ở Úc khi tốt nghiệp loại giỏi thì dù khá gấp gáp nhưng Ngọc chuẩn bị rất chỉn chu cho hồ sơ của mình, đặc biệt là phần bài luận. Ngọc cho rằng đây là mấu chốt tiên quyết giúp cô lọt vào "mắt xanh" của các trường.
Với bài luận của mình, Ngọc cho biết chỉ nên viết từ 600-1.000 chữ và không nên "giới thiệu" về bản thân quá nhiều vì những thông tin này đã có trong hồ sơ, mà thay vào đó nên tập trung vào thế mạnh, những dự định và mong muốn của mình khi theo học ở trường và mình nộp hồ sơ.
Thư giới thiệu cũng rất quan trọng, là yếu tố được các nhà tuyển sinh đánh giá khá cao do vậy Ngọc cũng khá đắn đo khi chọn người viết thư giới thiệu. Người được Ngọc "chọn mặt gửi vàng" là cô Neomy – Phó khoa ngôn ngữ học (Đại học Melbourne, Úc).
"Đây là người mình gắn bó từ năm nhất khi còn học đại học, cũng là người hiểu rất rõ thế mạnh, cũng như nhìn ra được tiềm năng ngôn ngữ của mình. Cô cũng là người rất thân thiện và sẵn sàng viết thư giới thiệu cho mình ngay khi được đề nghị. Nhìn lá thư rất tâm huyết của cô ấy mình biết là mình đã chọn rất đúng người", Ngọc chia sẻ.
Và điều quan trọng nữa là ứng viên cần phải thật bình tĩnh trong quá trình phỏng vấn. Nếu chọn đúng ngành mình yêu thích, chuẩn bị thật kỹ kiến thức thì chỉ cần chân thật trả lời các câu hỏi là được, dĩ nhiên vẫn nên cân nhắc trả lời như thế nào ngắn gọn, đầy đủ và cần thiết nhất.
Theo thanhnien