Sinh viên nên nghiên cứu khoa học, vì…
Phan Thị Hải Ninh, lớp 46.01.GDCTB vừa trở thành thủ khoa đầu ra của K46, Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hải Ninh đạt tổng điểm trung bình (GPA) là 3.6/4.0, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc.
"Khi biết mình là thủ khoa, mình cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn khi những nỗ lực, cố gắng của nhiều năm đã được đền đáp. Mình vô cùng biết ơn gia đình, thầy cô, bạn bè và những người đã luôn đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình học tập. Đây là bước khởi đầu cho một hành trình mới, đầy khó khăn và thử thách. Mình sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân hơn", nữ sinh quê ở tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Hải Ninh kể bản thân đến với ngành giáo dục chính trị có lẽ là một cái duyên và cũng vì đam mê sự nghiệp "gõ đầu trẻ". Theo cô gái 22 tuổi này, giáo dục chính trị nghe qua thì thực chất hơi khô khan, nhưng ở đó chứa thật nhiều tình cảm. Tình cảm thầy trò, bạn bè, của các anh, chị với đàn em. "Để hỏi mình, nếu được chọn lại, liệu có chọn ngành khác không? Thì câu trả lời là không. 4 năm dưới mái nhà chung giáo dục chính trị đã cho mình rất nhiều cung bậc cảm xúc", Hải Ninh thổ lộ.
Hải Ninh cho rằng, thanh xuân 4 năm qua là hành trình đại học đầy rực rỡ. Vì bản thân đã nhận được khá nhiều học bổng khuyến khích học tập của nhà trường. Hải Ninh là một trong những sinh viên giỏi nhất của lớp và khoa.
Trong 4 năm đại học, Hải Ninh từng nhận đầy ắp giải thưởng, khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Có thể kể như: danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" năm 2023 cấp thành phố; "Sinh viên 5 tốt" của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong 2 năm liên tục (2022, 2023) và hàng loạt danh hiệu, giấy khen về hoạt động Đoàn, Hội…
Đặc biệt, theo Hải Ninh chia sẻ: "Mình rất yêu thích nghiên cứu khoa học". Chính vì thế, cô gái này luôn dồn hết tâm sức cho mỗi đề tài và đạt được một số thành tích đáng khích lệ như: giải nhì giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học 2023, giải nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cấp trường năm học 2022 –2023…
"Việc thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học giúp bản thân mình tích lũy được thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Mà đó chính là hành trang rất bổ ích cho bất kỳ sinh viên nào. Thực hiện nghiên cứu khoa học sẽ giúp mạnh dạn hơn trong giao tiếp, đặc biệt là sự kết nối với thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó có thể mở rộng các mối quan hệ. Khả năng phân chia công việc, sắp xếp quỹ thời gian cũng là một trong những kỹ năng mà có thể phát triển khi thực hiện nghiên cứu khoa học. Song song đó, khi nghiên cứu khoa học sẽ được bổ sung thêm kiến thức, đào sâu vấn đề hoặc nâng cao các kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc thông tin, phân tích, giải quyết vấn đề… Tất cả những điều ấy chính là hành trang quý báu cho quá trình học tập, làm việc sau này của sinh viên. Vì lẽ đó, theo mình, sinh viên cần nghiên cứu khoa học", Hải Ninh nói
Thủ khoa đầu ra của Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng chia sẻ thêm một số bí quyết để sinh viên có thể học tốt. "Cần luôn giữ cho bản thân có một niềm tin tích cực. Một tinh thần thoải mái, lạc quan sẽ giúp học tập hiệu quả hơn. Hãy đặt cho mình những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn thúc đẩy bản thân có tinh thần và thái độ chăm chỉ để học tập, làm việc. Bên cạnh đó, hãy kết nối những người bạn "hợp gu" trong việc học. Mình cũng có một nhóm bạn như vậy và chúng mình đã giúp đỡ nhau từ năm nhất tới tận khi ra trường. Ngoài ra, một số điều mà sinh viên cần để ý, là hãy học cách quản lý và tận dụng quỹ thời gian của mình. Phải sử dụng quỹ thời gian hợp lý, cân đối cho việc học, gia đình, bạn bè và cả bản thân thì mới cảm thấy cuộc sống thoải mái được", Hải Ninh chia sẻ kinh nghiệm.
Muốn trở thành nhà giáo vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ
Hải Ninh tự nhận mình không phải là "mọt sách". Tuy nhiên, nữ sinh này thích nghe podcast (chương trình âm thanh có thể nghe ở các ứng dụng trên internet – PV). "Đối với mình, podcast là một cách thư giãn hiệu quả sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Đó cũng là một nguồn thông tin vô tận, giúp mình cải thiện nhiều thêm về vốn từ, kỹ năng nghe. Và hơn hết, nghe podcast giúp mình có thêm động lực để cố gắng, phấn đấu", Hải Ninh cho hay.
Với những tân sinh viên sắp bước vào giảng đường, Hải Ninh chia sẻ: "Thành công không đến một cách dễ dàng. Hãy kiên trì và nỗ lực học tập mỗi ngày để đạt được mục tiêu. Sự kiên trì và nỗ lực ấy sẽ giúp gặt hái được nhiều thành công trong học tập và cuộc sống. Mình muốn mượn một câu nói của PGS-TS Nguyễn Ngọc Khá, nguyên Trưởng khoa Giáo dục chính trị của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để gửi đến các sinh viên. Đó là "Kỷ luật, trách nhiệm, đam mê, ý chí là tiền đề của mọi thành công".
Cô gái người Quảng Bình cho biết sau khi ra trường vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi ngọn lửa của nghề giáo và phát triển bản thân ở những bậc học cao hơn cũng như các lĩnh vực khác. "Mình sẽ cố gắng trau dồi cho bản thân những kinh nghiệm quý báu và có ước mơ trở thành một nhà giáo vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà", Hải Ninh bộc bạch.
Và để trở thành nhà giáo tốt trong tương lai, đáp ứng được các yêu cầu công việc, Hải Ninh cho biết đã và đang từng ngày trau dồi những kỹ năng mềm cần thiết, cũng như các kỹ năng xây dựng bài giảng, tương tác với học sinh, giải quyết các tình huống trong lớp học… Bên cạnh đó, mình cũng tiếp tục cố gắng trau dồi, nâng cao chuyên môn, để làm phong phú thêm quỹ kiến thức của bản thân.
Ông Đỗ Công Nam, Phó trưởng khoa Giáo dục chính trị của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét: "Hải Ninh là sinh viên xuất sắc và là thủ khoa đầu ra của khoa. Từ năm nhất, Hải Ninh đã bắt đầu mày mò nghiên cứu khoa học. Những năm tiếp theo, Hải Ninh đã đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học. Với những phát hiện và nghiên cứu của mình, Hải Ninh đã nhiều lần được vinh danh kết quả nghiên cứu của bản thân tại các hội thảo chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật. Không những đạt thành tích cao trong học tập, Hải Ninh còn là một thủ lĩnh đam mê hoạt động Đoàn, Hội. Với thành tích cao như vậy, tôi tin chắc rằng Hải Ninh sẽ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp và trở thành một nhà giáo tốt trong tương lai".
Theo Thanh niên