Clip như phim được đầu tư lớn đầu tiên: Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành - ĐẠT PHI MEDIA
Như chia sẻ của nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi, người sáng lập và cũng là người đọc - kể những câu chuyện lịch sử trong giai đoạn đầu ra mắt kênh Hùng ca sử Việt (từ năm 2016), dự án này hoàn toàn miễn phí, không vụ lợi nhưng “lợi nhuận” lớn nhất anh có được là 100.000 người (con số tiếp tục tăng lên) đang quan tâm đến sử Việt. Sự lan tỏa ấy chính là niềm cảm hứng tạo nên những kênh sử khác, đơn cử như Việt sử kiêu hùng.
Lan tỏa tình yêu sử Việt
Để đạt nút bạc cho kênh lịch sử, quả không đơn giản như một số người đang làm YouTube với các nội dung khác, mục đích khác. Mục tiêu duy nhất thôi thúc nghệ sĩ Đạt Phi lập kênh YouTube Hùng ca sử Việt là lan tỏa tình yêu sử Việt đến người Việt. Nghe có vẻ... lạ lùng, nhưng sự thật là vậy!
Đạt Phi cho biết 5 năm trước, khi đi trên đường Nguyễn Phi Khanh, anh chợt nghĩ ra câu đố và về hỏi nhân viên mình: Nguyễn Phi Khanh là cha của ai? Nhưng không ai trả lời được. “Lúc đó tôi vừa tức cười vừa đau lòng. Vì ngày xưa đi học lớp 1, tôi đã biết Nguyễn Phi Khanh là ai, trí nhớ theo mãi tới già. Lớp 1, 2 thời đó chỉ dạy sử với vài câu chữ và hình ảnh. Ví dụ Nguyễn Phi Khanh thì câu chuyện đơn giản là: Ông khuyên con hãy về rửa nhục cho nước và báo thù cho cha, khi Nguyễn Trãi đi theo để chăm lo cho cha. Trần Quốc Toản thì có lá cờ thêu 6 chữ vàng: Phá cường địch báo hoàng ân. Bây giờ dường như những điều ấy đã bị bỏ qua hay sao mà các kiến thức cơ bản về nhân vật lịch sử cũng khó được biết đến như vậy”, nghệ sĩ Đạt Phi nói.
Từ trăn trở nếu người Việt còn không biết sử nước mình thì khác nào mất gốc, Đạt Phi nghĩ “mình phải có cách nào đó thông qua những kênh miễn phí như YouTube, Facebook để lan tỏa lịch sử”. Tình cờ, anh biết Phạm Vĩnh Lộc (nhà nghiên cứu sử độc lập) chuyên viết lịch sử theo kiểu trào phúng, đăng trên Facebook. “Tôi đọc thấy thích, vui, chỉ là những câu chuyện rất đời nhưng lại dễ thu hút, ghi nhớ. Thay vì học những cột mốc lịch sử thì người ta nhớ về con người đó vào thời điểm nào đó, gắn với sự việc gì xảy ra… Tôi nghĩ mình thử làm lại và đăng chơi”, Đạt Phi kể.
Câu chuyện Nguyễn Ánh và Quang Trung vừa ra mắt
Do công ty của anh làm về âm thanh, anh lại có lợi thế về giọng nói nên anh nhờ kỹ thuật làm âm thanh, gắn thêm hình ảnh sưu tầm trên mạng vào và đã giới thiệu clip đầu tiên về Trần Quốc Tuấn. “Một kênh “vô danh tiểu tốt” mới hoạt động nên khi thấy 1.000 người coi, tôi đã bất ngờ; rồi vài hôm lại lên 3.000 - 4.000. Mọi người vào bình luận liên tục, đa phần là “cười té ghế”, “trời ơi nếu nhà trường dạy sử kiểu này thì mình đâu có bị ngu sử”… Tôi thấy có lẽ đây là hướng đi tốt, tận dụng thời gian nhàn rỗi đọc hết những bài của Phạm Vĩnh Lộc viết, và đọc lại”, anh chia sẻ.
Sau đó, Đạt Phi bắt đầu làm các clip như một bộ phim. Ban đầu không có tiền vẽ hình thì để mọi người nghe âm thanh và có cảm giác như đang xem phim. Thế là anh lồng tiếng, các nhân vật có đối thoại, có âm thanh chiến trận, có âm nhạc (được mua bản quyền) chứ không chỉ kể sử. Rồi sau đó, Đạt Phi tiếp tục nghĩ đến việc vẽ hình khi thuê một số bạn vẽ hình minh họa cho phong phú hơn; tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn vì tốn nhiều kinh phí.
Đưa ra nhiều góc nhìn
Người theo dõi kênh Hùng ca sử Việt hẳn rất thích thú với các câu chuyện về những nhân vật, sự kiện lịch sử thường ít được đề cập hoặc chỉ vài dòng trong sách giáo khoa. Chẳng hạn các clip: 18 lần thoát nạn của vua Gia Long - Nguyễn Ánh, Danh tướng Võ Tánh, Hồ Quý Ly hay Câu chuyện Nguyễn Ánh và Quang Trung (vừa ra mắt), Anh hùng bán than Trần Khánh Dư (sắp phát)…
Anh hùng bán than Trần Khánh Dư sắp phát
Lý giải điều này, anh nói: “Tôi thần tượng tất cả các nhân vật lịch sử. Song vì một số nhân vật, như vua Quang Trung đã được lịch sử công nhận cũng như được học nhiều, còn vua Gia Long gần như chỉ được biết đến với câu nói “cõng rắn cắn gà nhà”. Chính tôi ngày xưa cũng không thiện cảm với vua Gia Long, nhưng càng lớn, tôi tìm hiểu tại sao lại có đất nước hình chữ S này và sao nước mình có tên là Việt Nam? Thì ra là nhờ ông “cõng rắn cắn gà nhà” ấy. Khi đến Hà Tiên thì lại thấy có cả cái hang nơi vua Gia Long được người dân cất giấu… Tại sao ông lại được người dân thương yêu như vậy? Cuối cùng tôi tìm những lời giải, đọc và thấy thì ra đều có nguyên nhân”.
Vậy nên khi có kênh YouTube, anh muốn truyền tải nội dung đa chiều. Theo Đạt Phi: “Đó không phải là thiện cảm của tôi dành cho ai, mà là đưa ra nhiều góc nhìn, từ những tác phẩm tiêu biểu của nhiều tác giả. Mỗi người khi tiếp nhận đều sẽ tự suy nghĩ và tìm hiểu theo hướng của mình”.
Theo thanhnien