Trẻ hướng nội khác với trẻ nhút nhát, dù nhìn bề ngoài có thể cư xử giống nhau. Để phân biệt, phụ huynh nên dựa vào thái độ của các em khi đặt trong tình huống ở một mình hoặc cùng với nhiều người.
Lấy ví dụ trong một lớp học có trẻ hướng nội và trẻ nhút nhát. Khi giáo viên tổ chức hoạt động nhóm, trẻ hướng nội sẽ ngồi lại bàn đọc sách vì muốn tìm hiểu tri thức trong cuốn sách đó thay vì hợp tác với bạn bè. Ngược lại, trẻ nhút nhát sẽ ngồi lại bàn vì sợ phải giao tiếp dù rất muốn tham gia.
Trẻ hướng nội thích ở một mình để khám phá bản thân và thế giới. Ảnh: Shutterstock.
Tiếp đó, cô giáo yêu cầu các bạn phải làm việc nhóm và phải họp để thảo luận. Trẻ nhút nhát sợ hãi khi phải làm việc chung với nhiều người và không dám đưa ra ý kiến riêng. Trẻ hướng nội không thích các cuộc họp vì không thể suy nghĩ một mình và phải lắng nghe ý kiến của nhiều người. Các em sẽ ghi chép, theo dõi tiến trình họp và bày tỏ quan điểm riêng với mọi người sau khi cân nhắc kỹ.
Giả sử trẻ hướng nội và trẻ nhút nhát cùng ở trong thư viện. Trẻ nhút nhát thích trốn vào một góc, không muốn bắt chuyện bất kỳ ai. Trẻ hướng nội lại thích ở thư viện, thích khám phá tri thức, thậm chí sẽ bắt chuyện với cô thủ thư để tìm hiểu thêm về những đầu sách tại đây.
Nói chung, trẻ nhút nhát sợ phải trò chuyện, lo lắng bị mọi người xung quanh đánh giá. Trong khi trẻ hướng nội thích dành thời gian một mình để khám phá thế giới, bản thân nhưng không sợ hãi khi phải trò chuyện với mọi người.
Nói cách khác, phụ huynh có thể giúp trẻ nhút nhát trở nên tự tin nhưng không thể biến trẻ hướng nội thành hướng ngoại và không phải tất cả trẻ hướng nội đều nhút nhát. Trong thực tế, nhiều người hướng nội rất thành thạo các kỹ năng xã hội, giỏi diễn thuyết như Albert Einstein, Bill Gates, Warren Buffett.
Nếu phụ huynh cố gắng biến trẻ hướng nội thành hướng ngoại sẽ gây căng thẳng, áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ. Các em có cách riêng để đối phó với tình huống xã hội, không nhất thiết phải làm giống trẻ hướng ngoại. Trong khi trẻ nhút nhát thường thiếu kỹ năng xã hội, không thể giải quyết vấn đề xã hội nên cần được động viên, khuyến khích trở nên tự tin.
Nuôi dạy trẻ nhút nhát
Nhút nhát có thể là bản tính từ khi mới sinh hoặc hình thành do ảnh hưởng tâm lý, được bố mẹ bao bọc quá nhiều, thường xuyên bị trêu chọc, bắt nạt. Để giúp trẻ trở nên tự tin, phụ huynh có thể tham khảo những phương pháp dưới đây.
- Không so sánh: Nhiều trẻ trở nên nhút nhát vì bị bạn bè trêu chọc hoặc do bố mẹ so sánh với những đứa trẻ năng nổ hơn. Các em sẽ thấy tổn thương vì bố mẹ không chú ý đến cảm xúc.
- Nói chuyện với con: Hãy dành thời gian trò chuyện và lắng nghe trẻ càng nhiều càng tốt. Giống như người lớn, trẻ cũng có những cảm xúc, suy nghĩ cần được chia sẻ và lắng nghe bởi mọi người xung quanh. Khi trao đổi, bạn có thể tạo cơ hội để khuyến khích con vượt khỏi chiếc kén của mình.
- Thử điều mới: Càng thử nhiều hoạt động mới, trẻ nhút nhát sẽ càng cởi mở, hoạt bát hơn. Bạn nên khuyến khích con tham gia các lớp học như vẽ, bơi, múa hát để trẻ giải tỏa âu lo trong lòng và kết thêm nhiều bạn mới.
- Rủ bạn bè đến nhà chơi: Hãy để trẻ học cách giao tiếp với các đứa trẻ khác và làm thế nào để kết bạn. Một số trẻ trở nên nhút nhát vì xem TV, chơi điện tử, ở nhà quá nhiều và thiếu sự liên kết xã hội. Vì vậy, rủ bạn bè đến nhà chơi là cơ hội tốt để trẻ rời xa thiết bị điện tử, tận hưởng cuộc sống và các mối quan hệ xã hội.
Nuôi dạy trẻ hướng nội
- Chấp nhận: Thay vì hy vọng con sẽ trở thành người hoạt bát, sôi nổi, phụ huynh nên hài lòng với tính cách hướng nội của con. Nếu có thể chấp nhận tính cách của con, bạn sẽ ngừng việc thúc đẩy con làm những điều không phù hợp với chúng.
- Tôn trọng sở thích: Hãy tôn trọng và ủng hộ tất cả sở thích của con như ở một mình, có ít bạn thân, làm việc độc lập. Bạn có thể khuyến khích con phát huy tính cách theo nhiều cách như rủ bạn thân của con đến nhà chơi, dành cho con không gian riêng trong gia đình.
- Kiên nhẫn: Khi gặp bạn mới, trẻ hướng nội không bắt chuyện ngay mà thường quan sát kỹ trước khi trò chuyện. Điều này cũng tương tự ở các hoạt động xã hội khác. Vì vậy, phụ huynh không nên thúc giục, ép buộc con mà nên kiên nhẫn để con làm quen dần dần. Khi thoải mái, trẻ sẽ thể hiện tốt bản thân.
- Nuôi dưỡng đam mê: Trẻ hướng nội thường có niềm đam mê lớn ở lĩnh vực bất kỳ. Phụ huynh nên chú ý đến những đam mê và nuôi dưỡng chúng. Khi đắm mình trong lĩnh vực yêu thích, trẻ sẽ hạnh phúc và phát triển mạnh.
Theo vnexpress