Ngày 28/8, hãng tin The Guardian dẫn lời của bà Nicole Belloubet - quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp - cho biết Pháp chuẩn bị thử nghiệm lệnh cấm điện thoại di động tại trường học đối với học sinh dưới 15 tuổi như một giải pháp giúp cho trẻ em có được “một khoảng dừng kỹ thuật số".

Nếu kết quả đánh giá đợt thử nghiệm này thành công thì đây sẽ là tiền đề cho việc triển khai trên diện rộng ở phạm vi toàn quốc từ tháng 1/2025.

Ở giai đoạn thử nghiệm này, có khoảng 200 trường trung học được lựa chọn tham gia chương trình sẽ yêu cầu học sinh phải giao nộp điện thoại di động cho giáo viên ở khu vực lễ tân của trường.
Lạm dụng smartphone có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sự phát triển của thanh thiếu niên - Ảnh: Mixmike/Getty Images
Lạm dụng smartphone có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sự phát triển của thanh thiếu niên - Ảnh: Mixmike/Getty Images

Quy định này được cho là khắt khe hơn so với một đạo luật ban hành năm 2018 về việc cấm học sinh tại các trường tiểu học và trung học sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học, nhưng vẫn cho phép học sinh được giữ điện thoại bên mình.

Vào tháng 3, một ủy ban (do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập) đã công bố 1 báo cáo dài 140 trang, kết luận rằng: “có mối liên hệ rất rõ ràng về tác động tiêu cực cả trực tiếp lẫn gián tiếp của các thiết bị kỹ thuật số đối với chất lượng giấc ngủ của thanh thiếu niên. Bên cạnh đó còn là tình trạng ít vận động, thiếu hoạt động thể chất, nguy cơ thừa cân và béo phì...”.

Điều này cho thấy, việc để trẻ em tiếp xúc quá mức với màn hình của các thiết bị điện tử, trong đó có smartphone, đang gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của nhóm đối tượng này.

Cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại di động của trẻ em để giúp trẻ phát triển lành mạnh - Ảnh: Getty Images
Cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại di động của trẻ em để giúp trẻ phát triển lành mạnh - Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia khuyến cáo, việc cho phép trẻ em sử dụng điện thoại di động cần được kiểm soát theo từng giai đoạn, cụ thể: không sử dụng điện thoại di động trước 11 tuổi, được phép sử dụng điện thoại di động nhưng không kết nối internet từ 11 đến 13 tuổi, được phép sử dụng điện thoại có kết nối internet nhưng không truy cập mạng xã hội trước 15 tuổi.

Ngoài ra, trẻ em dưới 3 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số, bởi “chúng không cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ”.

Quy định cấm điện thoại trong trường học đã và đang gây nên nhiều tranh cãi trên khắp châu Âu. Với những quốc gia áp dụng quy định này thì thường chỉ dừng lại ở việc giới hạn việc sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên trường học chứ không yêu cầu trẻ em phải giao nộp cho nhà trường.

Châu Âu vẫn còn tranh cãi về việc trẻ em sử dụng điện thoại di động trong trường học - Ảnh: Bored Teachers
Châu Âu vẫn còn tranh cãi về việc trẻ em sử dụng điện thoại di động trong trường học - Ảnh: Bored Teachers

Ở Đức, hầu hết các trường học đều đã cấm sử dụng điện thoại di động và thiết bị kỹ thuật số trong lớp học ngoại trừ mục đích giáo dục. Lệnh cấm tương tự cũng đã được áp dụng trong các lớp học ở khối tiểu học và trung học tại Hà Lan kể từ đầu năm nay.

Ý là quốc gia sớm ban hành lệnh cấm điện thoại di động trong trường học cho tất cả các nhóm tuổi vào năm 2007, bãi bỏ vào năm 2017 và tái áp dụng vào năm 2022.

Vào tháng 2/2024, chính phủ Anh đã ban hành hướng dẫn cho các trường học về việc “cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong suốt thời gian ở trường”, nhưng cho biết, lãnh đạo nhà trường sẽ quyết định có áp dụng chính sách này cho trường của mình hay không.

Bồ Đào Nha đang thử nghiệm cơ chế cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học vào một số ngày nhất định trong tháng. Trong khi đó, một số địa phương ở Tây Ban Nha đưa ra lệnh cấm tuyệt đối việc sử dụng smartphone trong trường học, mặc dù quy định này không phải là bắt buộc ở phạm vi toàn quốc.

Tiến sĩ Zach Rausch (Đại học New York, Mỹ) - tác giả chính của cuốn sách best seller có tựa đềThế hệ lo lắng(tiếng Anh: The Anxious Generation) - cho biết, điều đặc biệt quan trọng là cần "cách ly" trẻ em khỏi smartphone cho đến ít nhất 14 tuổi. Với mạng xã hội, lý tưởng nhất là khi trẻ đủ 16 tuổi mới có thể được phép sử dụng.

Theo tiến sĩ Zach, đây là những độ tuổi mà thanh thiếu niên đang ở giai đoạn dậy thì với nhiều biến đổi phức tạp về tâm sinh lý khiến các con "cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tổn thương".

Theo phụ nữ TPHCM