Khán giả rất bức xúc với cảnh phim Em là thành trì doanh lũy của anh chiếu trên mạng thể hiện “đường chín đoạn” (đánh dấu X) sai trái

 

Nhiều khán giả nước ta mới đây ngỡ ngàng với phim tình cảm Em là thành trì doanh lũy của anh do Trung Quốc sản xuất. Bởi trong một tập phim được đăng lên trang web lậu, Em là thành trì doanh lũy của anh với cảnh thể hiện bản đồ Trung Quốc có “đường chín đoạn” bằng các dấu gạch trắng. Khi phát hiện chi tiết này, rất nhiều khán giả nước ta kêu gọi tẩy chay phim này, vì việc đưa hình ảnh “đường chín đoạn” lên màn ảnh là việc làm sai trái, không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông.

Trước đó không lâu, bộ phim Hoa ngữ Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put Your Head On My Shoulder) chiếu trên Netflix cũng khiến khán giả nước nhà rất bức xúc. Cụ thể, ở phút 34:41 của tập 9 bộ phim này có cảnh phim một nhân vật chỉ vào màn hình TV đang phát dự báo thời tiết, trên đó có bản đồ đường lưỡi bò. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Netflix gỡ tập phim này khỏi hệ thống. Sau đó, Netflix đã cắt bỏ cảnh phim có bản đồ đường lưỡi bò trong Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta.

Trong năm qua, tập 18 phim Trung Quốc Lấy danh nghĩa người nhà chiếu trên các trang web cũng bị người xem trong nước lên án mạnh mẽ. Trong phim này có cảnh  một nhân vật bước vào thang máy, biển quảng cáo trong thang máy in hình bản đồ Trung Quốc được cho là có đường lưỡi bò. Khắp các trang mạng xã hội và những người “ghiền” phim Hoa ngữ, dù có cảm tình với Lấy danh nghĩa người nhà trước đó nhưng đã đồng lòng không xem bộ phim này nữa. Tất cả mọi người đều có chung quan điểm “không chấp nhận những sản phẩm văn hóa tuyên truyền sai trái về chủ quyền đất nước”.

Ngay cả những phim chiếu rạp nhập ngoại cũng đem đến sự bức xúc và lo lắng với khán giả Việt về vấn đề chủ quyền. Minh chứng là bộ phim điện ảnh của Trung Quốc sản xuất Điệp vụ biển Đỏ, phải “đắp” chiếu sau ít ngày ra rạp ở nước ta. Bộ phim này từng tốn nhiều giấy mực báo giới, gây bức xúc dư luận vì khâu kiểm duyệt đã để “lọt” chi tiết nhạy cảm ở cuối phim. Đó là hình ảnh các tàu chiến và tàu hải giám Trung Quốc bao vây một con tàu không rõ tung tích trên vùng biển được chú thích là  “Nam Hải” (đây là cách mà Trung Quốc gọi biển Đông). Phía quân đội Trung Quốc đã dùng loa phát đi thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu trên rời khỏi vùng biển Nam Hải.

Ngay sau đó tới bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ do Công ty Pearl Studio của Trung Quốc và DreamWorks  (Mỹ) đồng sản xuất, chiếu rạp ở Việt Nam năm 2019 cũng thể hiện hình ảnh đường lưỡi bò trong 2 đoạn và 4 cảnh phim, sau đó Bộ VH-TT&DL phải vào cuộc xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan, phạt nhà phát hành phim này tại Việt Nam 170 triệu đồng. Ở các nước Đông Nam Á, Everest - người tuyết bé nhỏ cũng không được đón nhận và bị phản đối dữ dội hơn. Philippines kêu gọi tẩy chay toàn cầu đối với hãng DreamWorks, Malaysia cấm phát hành bộ phim.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù bất cứ thể loại nào, phim truyện hay phim tài liệu, sách, ảnh... của bất cứ nước nào cũng không được phép làm sai lệch, méo mó hình ảnh của Việt Nam. Việc phim nước ngoài thể hiện sai trái chủ quyền quốc gia là hành vi không thể chấp nhận được. Hành vi đó xâm thực về văn hóa và lớn hơn nữa đó là xâm lược về tâm lý.

Trước những sự việc này, các chuyên gia, luật sư khuyến cáo, chúng ta có thể sử dụng “quyền lực mềm” để tẩy chay những bộ phim, cuốn sách... có chi tiết “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông. Thêm nữa, đa số khán giả hiện nay là những người trẻ thì đối tượng này cũng cần tự trau dồi thông tin, sự hiểu biết để có phát hiện kịp thời, cảnh tỉnh cơ quan chức năng xử lý các sai phạm. Đặc biệt, chúng ta cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ các tác phẩm nghệ thuật của nước ngoài để chặn đứng chiêu bài “mưa dầm thấm lâu”, biến không thành có mà người ta đã, đang theo đuổi và đưa vào các sản phẩm nghệ thuật kể trên.

Theo suckhoedoisong