Thưa mẹ con đi sẽ đến Liên hoan phim Hawaii ngay sau khi rời  Busan

Liên hoan phim Busan - liên hoan phim lớn nhất châu Á - khép lại vào hôm 12-10 với hai phim đoạt giải ở hạng mục New Currents (tương đương phim hay nhất) là Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy (Việt Nam) và Haifa Street của đạo diễn Mohanad Hayal (phim hợp tác Iraq - Qatar).

Nguồn năng lượng từ sức trẻ

Bỏ qua những rắc rối êkip phim Ròm phải đối diện vì chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến, điện ảnh Việt đã được đón nhận nồng nhiệt tại Liên hoan phim Busan 2019 với 5 phim tham dự: Anh trai yêu quái, Bí mật của gió, Thưa mẹ con đi, Bắc Kim Thang, Ròm.

Nếu nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói điện ảnh Việt "gây tò mò" thì những nhận định từ bên ngoài tỏ ra "hào phóng" lời khen hơn.

Phim Bắc Kim Thang cũng để lại ấn tượng với khán giả Busan

"Việt Nam đã sản xuất được nhiều bộ phim đáng chú ý và có một vài đạo diễn tài năng. Tôi có thể nói nền công nghiệp phim của Việt Nam đang trỗi dậy" - ông Jeon Yang Jun, chủ tịch ủy ban điều hành Liên hoan phim Busan 2019, nói với báo chí Việt.

Không chỉ cho thấy một diện mạo rõ ràng với những tác phẩm và con người cụ thể, điện ảnh Việt còn để lại dấu ấn vì sức trẻ, thể hiện ở độ tuổi của các nhà làm phim: Vũ Ngọc Phượng (Anh trai yêu quái) 34 tuổi, Trịnh Đình Lê Minh (Thưa mẹ con đi) 33 tuổi, Trần Hữu Tấn (Bắc Kim Thang) 36 tuổi...

Cảnh phim Bí mật của gió - ra mắt tại Liên hoan phim Busan 2019

Chỉ riêng Nguyễn Phan Quang Bình (Bí mật của gió) 47 tuổi là thuộc thế hệ trước, từng có phim Cánh đồng bất tận chiếu tại Liên hoan phim Busan 2010.

Sức trẻ luôn hứa hẹn tương lai, cho thấy họ sẽ còn quay trở lại với những tác phẩm mới. Vừa trở về từ Liên hoan phim Busan, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh công bố thông tin Thưa mẹ con đi sẽ ra mắt ở Bắc Mỹ tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii 2019 (từ ngày 7 đến 17-11).

Có thể nói, thế hệ nhà làm phim hiện tại của Việt Nam đang nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa tác phẩm ra thế giới.

Diễn viên Lãnh Thanh chụp ảnh cùng khán giả sau buổi chiếu phim Thưa mẹ con đi. Anh được trao giải Rising Star tại lễ trao giải Marie Claire Asian Star trong khuôn khổ LHP Busan - Ảnh: MI LY

Để không còn là nền điện ảnh xa lạ...

Một điều đặc biệt ở Liên hoan phim Busan, cũng như các liên hoan phim uy tín khác, đó là lớp khán giả "chất lượng". Họ thực sự quan tâm đến các bộ phim, quan tâm sâu sắc về những con người đằng sau tác phẩm.

Tại Busan, khán giả luôn đặt những câu hỏi khiến nhà làm phim ngây ngất, vì họ hỏi đúng, hỏi trúng và cho thấy sự thưởng thức, cảm nhận kỹ lưỡng chứ không hề hời hợt.

Tính địa phương rất rõ ở các bộ phim cũng là thứ hấp dẫn khán giả ở liên hoan phim. Ngay Anh trai yêu quái - một phim thương mại do Việt Nam làm lại của Hàn Quốc - cũng khiến khán giả thích thú khi thay đổi nhiều tình tiết và chi tiết để phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam.

Êkip phim Anh trai yêu quái chụp ảnh với khán giả Hàn Quốc trong buổi giao lưu ở Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 - Ảnh: CJ

Điều đó cho thấy phim làm lại, dù là từ Hàn Quốc đi chăng nữa, cũng phải đậm chất "dưa cà mắm muối" thay vì "kim chi củ cải".

Bắc Kim Thang, một phim có nhiều yếu tố Việt khiến khán giả Hàn Quốc tò mò từ bài hát trong tiêu đề phim đến các chi tiết thể hiện tập quán "trọng nam khinh nữ" và lối sống gia đình miền Tây Việt Nam đậm chất phong kiến.

Thưa mẹ con đi gây thích thú không chỉ vì đề tài gia đình quen thuộc với phim ảnh Hàn, mà còn vì những cảnh mô tả chân thực về đời sống thường ngày của một gia đình đông thế hệ.

Từ những bữa cơm gia đình, đám giỗ làng quê cho đến khác biệt thế hệ, sự hòa thuận và tranh chấp là những giá trị phổ quát ở các gia đình châu Á.

Những buổi chiếu của Bắc Kim Thang hay Thưa mẹ con đi đều có sự xung phong phiên dịch của những du học sinh người Việt ở Hàn Quốc. Họ chính là những cầu nối văn hóa cho các bộ phim đến gần hơn với khán giả Hàn.

Rất nhiều năm trời, điện ảnh Việt Nam đã đến Busan với tư cách một nền điện ảnh nhỏ bé và xa lạ. Nhưng sau năm 2019 này rất có thể Việt Nam sẽ trở lại Busan trong một tư thế mới: quen thuộc hơn, được chào đón hơn. Điều đó phụ thuộc vào nội lực của các nhà làm phim. Và thực tế cho thấy họ đang đầy hứng khởi.

Ròm đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan là thông tin khá bất ngờ đối với công chúng trong nước.

Trước khi phim lên đường đi Busan, Cục Điện ảnh công bố phim Ròm “vi phạm pháp luật hiện hành” khi chưa có giấy phép phổ biến phim đã tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan phim Busan.                               

Nhà sản xuất đã gửi thư xin rút phim khỏi Liên hoan phim Busan nhưng liên hoan phim này vẫn trình chiếu và trao giải cho Ròm.

Theo tuoitre