leftcenterrightdel
 Một lớp học ngoài trời tại Pháp.

Giáo dục ngoài trời góp phần nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần cho học sinh. Mô hình này cũng đang được phát triển ở các quốc gia trên thế giới nhưng khó cạnh tranh với giáo dục văn hóa.

Trường học trong rừng

Tại Sai Kung, nằm ở phía Đông Hồng Kông, một nhóm học sinh mặc áo mưa, đi ủng màu vàng vui đùa trên con dốc và hát bằng tiếng Anh: “Em yêu những ngọn núi, em yêu ánh mặt trời rực rỡ”.

Nằm cách xa những khu phố đông người qua lại, Sai Kung là vùng ngoại ô có không khí trong lành, rợp bóng cây. Đây cũng là nơi Trường Mầm non Quốc tế Malvern thử nghiệm mô hình giáo dục trường học trong rừng.

Ra đời ở Đan Mạch từ những năm 1950, trường học trong rừng là mô hình dạy và học ngoài trời thông qua các trò chơi và bài tập thực hành lấy chủ đề từ thiên nhiên. Phương pháp này đã trở nên phổ biến tại châu Âu, Mỹ và mới đây nhất là châu Á.

Bà Jacqueline McNalty, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế Malvern, cho biết: “Phụ huynh muốn trẻ em được vui chơi ngoài trời. Hình thức học tập này giúp tăng cường thể chất và sức khoẻ cho học sinh, đồng thời trau dồi nhiều kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn”.

Trong mô hình trường học trong rừng tại châu Âu, trẻ em được khuyến khích khám phá thiên nhiên, tìm hiểu cỏ cây, học cách dựng trại, chẻ củi, nhóm lửa, thậm chí là leo lên ngọn cây cao hay vót cành cây thành mũi nhọn. Vì thế, trẻ em thường xuyên hoạt động thể chất và sức đề kháng được cải thiện qua từng buổi học. Từ đó, các em cũng học cách xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao sức khoẻ tinh thần.

Học tập trong rừng không đồng nghĩa trẻ em phải đối mặt với nguy hiểm từ thế giới hoang dã. Các em sẽ được trải nghiệm tối đa, học cách đánh giá rủi ro một cách tự nhiên và đối phó với những tình huống bất thường. Đơn cử, các em học cách tạo lửa sưởi ấm khi lạc trong rừng lạnh, cách sơ cứu vết thương...

Từ lâu, giáo dục trong rừng đã phát triển tại các nước phương Tây. Nhưng mô hình này mới được tiếp cận trong giáo dục châu Á bởi một số khó khăn. Theo ông Darren Quek, giáo viên trường rừng ở Singapore, mô hình trường học trong rừng tại châu Á nói chung và Singapore cần được triển khai linh hoạt.

“Ở các nước ôn đới, học sinh có thể ngủ ngoài trời. Nhưng nếu làm vậy tại Singapore, đất nước có khí hậu nóng và ẩm, học sinh sẽ bị say nắng, bị muối đốt. Ngay cả động vật cũng chỉ muốn chui vào trong bóng râm giữa thời tiết nóng nực ban ngày tại Singapore”, ông Quek phân tích.

Với đặc trưng khí hậu như vậy, hoạt động trong rừng quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ và là cơ hội cho các bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết... Do đó, các tiết học trong rừng tại Singapore thường được tiến hành vào sáng sớm hoặc tối muộn.

Dù trường học trong rừng đối mặt với nhiều rào cản, các chuyên gia vẫn khuyến khích tăng cường giáo dục ngoài trời trong trường học. Xu hướng này đã tăng lên đáng kể từ Covid-19.

leftcenterrightdel
Trẻ em tìm hiểu về các loại đất khi học trong rừng. 

Rèn luyện thể thao và trí tưởng tượng

Giáo dục ngoài trời là thuật ngữ chung dành cho các hoạt động học tập ngoài thiên nhiên, học tập trong rừng, giáo dục môi trường hay học tập trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa. Giáo dục ngoài trời thực hiện trong không gian xanh, trên sân chơi, sân trường, môi trường tự nhiên gần trường học, khu vườn... hay bất kỳ nơi nào có thể giúp trẻ tiếp cận thiên nhiên.

Giáo dục ngoài trời ra đời từ các nước Scandinavia, được gọi là udeskole. Hướng đến trẻ từ 7 - 16 tuổi, giáo dục ngoài trời là hoạt động giáo dục bắt buộc bên ngoài trường học, thường được tổ chức 1-2 lần/tuần. Giáo dục ngoài trời không có kiến thức cụ thể mà được lồng ghép vào các môn học và mang tính chất liên ngành.

Ví dụ, khi học Toán ở ngoài trời, giáo viên yêu cầu học sinh đo và tính toán khối lượng của các cây. Khi học Lịch sử, học sinh được tham quan di tích lịch sử, đài tưởng niệm...

Theo GS Jean-Philippe Ayotte-Beaudet, Khoa Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Trường Đại học Sherbrooke, Canada, về mặt thể chất, giáo dục ngoài trời làm giảm hành vi ít vận động. Nghiên cứu sức khoẻ cũng chỉ ra rằng tiếp xúc với thiên nhiên làm giảm nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh về mắt như cận thị.

Ở góc độ tâm lý học, tiếp xúc với thiên nhiên giúp giảm lo lắng, tăng cảm xúc hạnh phúc của con người. Hòa mình với thiên nhiên thậm chí có thể làm tăng sự tự tin và sự trân quý bản thân.

Tuy nhiên, cần phân biệt giáo dục ngoài trời và giáo dục thể chất. Dù hai hoạt động này đều được tổ chức ngoài không gian lớp học, gắn với thiên nhiên nhưng nội dung và tính chất là khác nhau.

Nhiều trường học vẫn nhầm lẫn hai khái niệm này và cho rằng các tiết học Thể dục đã là cách tổ chức giáo dục ngoài trời. Tuy nhiên, hiểu đơn giản, giáo dục thể chất là môn học cải thiện và nâng cao sức khoẻ thể chất cho học sinh thông qua các bài tập thể dục, các trò chơi thể thao...

Còn giáo dục ngoài trời tập trung vào mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thông qua các hoạt động giải trí như cắm trại, leo núi... Bên cạnh đó, khi hoạt động ngoài trời, giáo viên sẽ lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa giúp học sinh liên kết kiến thức trong sách vở với thực tế cuộc sống, từ đó, thấy được ý nghĩa của giáo dục trong thực tiễn.

Tuy nhiên, giáo dục ngoài trời hiện nay ngày càng bị mai một ở phương Tây và chưa thể phổ biến tại châu Á vì khó cạnh tranh với giáo dục văn hóa. Ngoài ra, ở nhiều thành phố lớn, không gian xanh đang ngày càng bị thu hẹp, hạn chế khả năng trải nghiệm thiên nhiên và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý thường gặp ở trẻ như béo phì, cận thị, lo âu, trầm cảm...

Giáo dục thể chất có thể phần nào khắc phục vấn đề trên nhưng không phải giải pháp thay thế giáo dục ngoài trời trong việc trau dồi sức khoẻ cho học sinh.

Các nghiên cứu cho thấy, giáo dục ngoài trời có thể cải thiện khả năng chú ý của trẻ trước tuổi đi học, còn vui chơi trong tự nhiên khuyến khích rèn luyện thể chất và trí tưởng tượng. Đơn cử, nghiên cứu của Trường Đại học Ioannina, Hy Lạp, cho thấy, việc chạy và trèo lên cây giúp trẻ rèn luyện sức bền, sự dẻo dai cho cơ thể và kỹ năng phối hợp động tác cơ thể. Đây là các tố chất giúp trẻ phát triển thể lực.

Theo GD&TĐ