Cả thế giới đang cố gắng tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (gọi tắt là STEM). Đã có không ít tín hiệu đáng mừng, dù diễn ra chưa đồng đều. Và phụ nữ theo đuổi STEM vẫn còn bị "dán nhãn" và chịu nhiều định kiến vô lý.
Khi có nhiều phụ nữ hoạt động trong một lĩnh vực STEM bất kỳ, người ta sẽ có xu hướng gắn cho nó cái mác "khoa học mềm", theo kết quả một loạt thí nghiệm gần đây của Mỹ đăng trên tập san tâm lý học Journal of Experimental Social Psychology.
Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đưa cho mỗi người tham gia những thông tin không giống nhau về sự hiện diện của phái nữ trong các ngành STEM, như hóa học, xã hội học, y sinh… và yêu cầu xếp chúng vào 2 nhóm "khoa học cứng" và "khoa học mềm".
"Cứng" và "mềm" là cách phân loại không chính thức của giới hàn lâm, dựa trên mức độ chặt chẽ, chuẩn xác và khách quan của mỗi bộ môn. Theo đó, nhóm khoa học tự nhiên - vốn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và ý kiến cá nhân thì được xem là "cứng", còn nhóm khoa học xã hội (như tâm lý học, nhân học, khoa học chính trị) thì được xem là "mềm".
Ảnh: Viện Geena Davis về Giới trong Truyền thông
Ấy thế mà trong thí nghiệm trên, người tham gia gọi một ngành khoa học là "mềm" không phải dựa trên bản chất của nó, mà dựa trên dữ kiện rằng "có nhiều phụ nữ đang theo đuổi nó"!
Thí nghiệm thứ 2 cho thấy: trong mắt những người không hoạt động nghiên cứu, mối liên hệ giữa "nữ giới" và "khoa học mềm" có tương quan với định kiến của họ về năng lực STEM của phụ nữ. Và loạt thí nghiệm thứ 3 còn phơi bày một sự thật khó chịu hơn: các lĩnh vực bị gắn nhãn "mềm" bỗng trở nên… "mất giá", bị cho là "kém khắt khe", "kém tin cậy", và "ít xứng đáng" với tiền tài trợ.
Bao lâu nay, trong niềm tin của những người ủng hộ, càng nhiều phụ nữ tham gia các ngành nghề STEM - với mức lương cao - sẽ giúp rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa 2 giới.
Nhưng điều đó có lẽ khó mà thành sự thật, bởi theo nghiên cứu, nhiều người có xu hướng "hạ giá" một ngành khoa học, thay vì tăng sự công nhận dành cho nữ giới. Lịch sử cho thấy "khoa học cứng" vẫn luôn được chú trọng, tôn sùng và đầu tư hơn cả. (Đã có lúc "cứng" phủ nhận "mềm", tỉ như tranh cãi rằng liệu tâm lý học có phải là khoa học chân chính!).
Một hệ quả có thể xảy ra là nguồn tài trợ giảm, và các nhà nghiên cứu nữ sẽ không được trả công xứng đáng. Định kiến giới về STEM cũng có thể ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của người trẻ, nhất là những học sinh ưu tú.
Alysson Light, một thành viên của nhóm nghiên cứu viết trên trang The Conversation: cái mác "khoa học mềm" có thể không hấp dẫn được những ai muốn chứng tỏ năng lực của mình. Hoặc ngược lại, cái mác "khoa học cứng" sẽ làm nhụt chí những ai không mấy tự tin, mà phần nhiều trong số đó lại là phụ nữ.
Đáng lẽ, những thành tựu khoa học tạo ra bởi phụ nữ phải là minh chứng hùng hồn cho năng lực và đam mê của họ, giúp xóa bỏ những định kiến phân biệt giới tính. Nhưng kết quả nghiên cứu trên gợi ý điều ngược lại: định kiến vẫn tồn tại trong nhiều người, ngay cả khi họ biết rằng số lượng phụ nữ làm việc - hiệu quả và hăng say - trong các lĩnh vực STEM đang tăng.
Bất bình đẳng giới không chỉ tồn tại ngoài đời thực, mà còn trên phim ảnh và truyền hình. Viện nghiên cứu Geena Davis về Giới trong Truyền thông đã thực hiện một số nghiên cứu trong nhiều năm liền, cho thấy sự thiếu vắng và lép vế của các nhân vật phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện truyền thông liên quan đến STEM.
Cách đây 10 năm, tổ chức phi lợi nhuận này thống kê được rằng: trong các chương trình dành cho trẻ em ở Mỹ, số lượng nhân vật nam làm việc trong các ngành STEM nhiều gấp… 15 lần số lượng nhân vật nữ.
Ngày nay, tỉ lệ đó - khi gộp chung với những chương trình dành cho người lớn - được rút ngắn còn 2:1, cả ở Mỹ và Anh, hai quốc gia chuyên xuất khẩu các nội dung giải trí và giáo dục hàng đầu thế giới.
"Khi các em gái trong độ tuổi mới lớn không nhìn thấy nhân vật nữ nào trên màn ảnh làm nghề hóa sinh, phát triển phần mềm, kỹ thuật hay thống kê, các em sẽ hiếm khi hình dung hoặc chính mình theo đuổi những con đường sự nghiệp đó" - Geena Davis, diễn viên đoạt giải Oscar và nhà hoạt động về giới, khẳng định trong báo cáo "Portray Her" năm 2018 của viện này.
Tăng thêm số nhân vật nữ là một chuyện, nhưng mô tả họ như thế nào để tạo ra hiệu ứng tích cực lại là chuyện khác. Hình mẫu nhà khoa học nữ điển hình thường là người da trắng rất thông minh, chưa lập gia đình và không có con.
"Những mô tả này củng cố thành kiến rằng: trở thành một nhà khoa học không tương thích với việc làm cha mẹ - theo nhận định trong báo cáo - điều đó gửi đi một thông điệp chán nản đến những phụ nữ trẻ…".
Báo cáo "Portray Her" (tạm dịch là: chân dung cô ấy) chọn lọc và phân tích một loạt các văn hóa phẩm từ năm 2007 đến 2017. Theo đó, tần suất đối mặt với nghịch cảnh của các nhân vật nam và nữ trong ngành STEM chênh lệch không đáng kể; nhưng so với vai nữ, các vai nam thường dễ vượt qua khó khăn gian khổ hơn.
Điều thú vị là hơn 40% nhân vật rơi vào tình thế phải "hy sinh cuộc sống cá nhân vì sự nghiệp", bất kể giới tính. Dẫu vậy, những cốt truyện đó sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn đàn ông, bởi vì họ vốn được nuôi dạy để trở thành người xây tổ ấm - một sự phân công đã bám rễ trong nhiều nền văn hóa.
Thực tế là trong số các em gái và phụ nữ tham gia khảo sát, chưa đến 50% cho rằng nghề nghiệp về STEM có thể song hành với việc xây dựng gia đình. Niềm tin này có thể khiến họ đổi hướng đi trên hành trình theo đuổi STEM của mình.
Một điểm đáng lưu ý khác là phần lớn các nhân vật nữ trên màn ảnh là bác sĩ y khoa hay các ngành khoa học đời sống khác, thậm chí còn đông hơn cả nam giới. Tuy nhiên, với các nghề khoa học tự nhiên, như kỹ sư máy tính, số lượng vai nữ ít hơn đáng kể.
Lại nói về "nghịch cảnh", các nhân vật nữ thuộc ngành khoa học đời sống, tuy rất phổ biến, nhưng ít phải hy sinh vì sự nghiệp hơn các vai nữ theo đuổi những ngành STEM khác. Điều này có nghĩa là các phương tiện truyền thông giải trí đang củng cố những định kiến giới sẵn có, vốn giới hạn người phụ nữ trong một vài nghề nghiệp STEM nhất định, báo cáo "Portray Her" kết luận.
Sau tất cả, bức tranh không hoàn toàn xám xịt! Chân dung nhà khoa học, kỹ sư, nhà phát minh nữ trên các phương tiện truyền thông cũng đã giúp tạo ra nhiều tác động sâu sắc đến khán giả nữ.
Cùng trong năm 2018, nghiên cứu "Hiệu ứng Scully" của Viện Geena Davis, đã đánh giá sức ảnh hưởng của đặc vụ Dana Scully (do Gillian Anderson thủ vai) trong series phim truyền hình nổi tiếng Hồ sơ tuyệt mật (The X-Files).
Gần 2/3 số phụ nữ đang làm việc trong lĩnh vực STEM cho biết Scully là hình mẫu của họ, giúp họ tự tin hơn, để trở nên xuất sắc ngay cả khi lĩnh vực đó vốn được thống trị bởi nam giới. (Thông tin bên lề: Không thoát khỏi môtip hy sinh gia đình, nhân vật Dana Scully không thể làm mẹ. Điều đó khiến cô vô cùng đau đớn).
Tóm lại, cách chúng ta miêu tả chân dung người phụ nữ theo đuổi STEM trên các phương tiện truyền thông, văn hóa, giải trí rất quan trọng, vì nó có thể dung dưỡng các định kiến, hoặc giúp ta phá bỏ chúng. Hơn hết, cuộc cách mạng bình đẳng giới trong STEM không chỉ xoay quanh những con số đang tăng, mà cần những thay đổi toàn diện, tinh vi hơn, cùng hoạt động đánh giá thường xuyên.
Trong thời kỳ non trẻ, ngành khoa học máy tính đã từng là một lựa chọn nghề nghiệp xán lạn nơi phụ nữ được thỏa sức chứng tỏ khả năng của mình. Nhưng chỉ sau nửa thế kỷ, nam giới đã đẩy phụ nữ ra khỏi sân chơi do chính họ góp sức dựng xây. Điều gì đã xảy ra?
Ngành khoa học máy tính như chúng ta biết ngày nay mới bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1950. Khi đó, chiếc máy tính điện tử mới được xuất hiện được chưa đầy 10 năm, với kích thước to ngang một căn phòng và số lượng đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu nằm trong các viện đại học và phòng thí nghiệm chính phủ tại Anh và Mỹ.
Hệ thống đào tạo, học thuật và bộ máy tuyển dụng nhân sự trong ngành vẫn chưa tồn tại, và gần như chẳng ai biết lập trình là gì.
Các ứng viên tiềm năng có thể chỉ cần lái xe đến nơi tuyển dụng, hoàn thành một bài kiểm tra logic và được nhận ngay vào làm, giống như cách Mary Allen Wilkes đã trải qua khi bà trúng tuyển vị trí lập trình viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - một trong những đơn vị tiên phong trong ngành khoa học máy tính thế giới.
Lúc này, Wilkes mới 22 tuổi và có kinh nghiệm lập trình bằng 0. Tuy nhiên, bốn năm đào tạo đại học chuyên ngành triết đã cho bà khả năng suy luận logic biểu tượng, cũng như kiến tạo giả thiết và kết luận bằng "và/hoặc" khá giống với việc lập trình máy tính yêu cầu.
Bà nhanh chóng bắt nhịp được với công việc, dành nhiều giờ liền đảo qua các dòng code, tái lập từng câu lệnh trong đầu và cố gắng tư duy theo cách của máy tính để tìm ra các lỗi.
Chiếc máy IBM 704 mà bà sử dụng, dù cồng kềnh, chỉ xử lý được 4.000 "từ" trong các câu lệnh, do đó người lập trình viên không được phép dùng thừa dù chỉ một từ - giống như cách nhà thơ khắt khe với mỗi chữ mình viết ra.
Hai phụ nữ cài đặt phần mềm lập trình trên máy ENIAC năm 1946. Ảnh: Đại học Pennsylvania
"Công việc với tôi tựa như đang chơi một bộ xếp hình lớn và phức tạp, và tôi phải nhận ra những mảnh đang đứng xiên xẹo trên tường" - báo The New York Times dẫn lời Wilkes nhớ lại.
Kiểu đầu óc nào sẽ phù hợp làm việc này? Ở thời điểm giữa thế kỷ 20, phụ nữ được coi là câu trả lời thích đáng.
Họ vốn đã có đóng góp xuyên suốt sự phát triển của ngành điện toán - từ Ada Lovelace, quý cô người Anh thế kỷ 19 xem là lập trình viên máy tính đầu tiên trong lịch sử, đến nhóm phụ nữ hậu phương Mỹ đã viết ra phần mềm của ENIAC - máy tính điện tử đầu tiên cho phép lập trình với hơn 17.000 ống chân không (thay vì bóng bán dẫn ngày nay) - trong những năm cuối chiến tranh thế giới thứ 2.
Tuy nhiên, thành tựu của họ thường không nhận được sự tôn trọng xứng tầm. Vào những năm 1940, vinh quang trong ngành máy tính nằm ở mảng phần cứng - thiết kế và chạy những cỗ máy khổng lồ; trái lại, lập trình được cho là việc "mềm" và nghiễm nhiên được trao cho những người phụ nữ.
Dù sao thì ở giữa thế kỷ trước, thời điểm phụ nữ không có nhiều lựa chọn ngoài việc ở nhà làm vợ hiền dâu đảm hoặc làm thư ký bàn giấy, ngành lập trình vẫn là phao cứu sinh được nhiều cô gái nhắm tới.
Khi hầu hết cách ngành khác đều yêu cầu bằng cấp cao hoặc tuyển rất ít nữ, ngành khoa học máy tính đang mở rộng cánh cửa không yêu cầu kinh nghiệm, với mức lương năm tương đương 20.000 USD (hoặc 150.000 USD tính theo vật giá hiện hành).
Không khó hiểu vì sao ngành này trở nên cực thịnh với phụ nữ Mỹ những năm hậu thế chiến - xuyên suốt thập niên 1960, các quý cô chiếm 30 - 50% tổng lực lượng lập trình viên Mỹ. "Phụ nữ thời đó thường đặt câu hỏi: Nếu không làm lập trình, tôi biết làm gì khác?" - nhà sử học Mỹ Jean Abbate nói với The New York Times.
Thế nhưng, sau vài thập niên, tương lai xán lạn của phụ nữ trong ngành lập trình dần tan biến. Sau nhiều năm trên đà tăng, tỉ lệ nữ giới trong số sinh viên tốt nghiệp ngành máy tính và công nghệ thông tin ở Mỹ tụt dần, từ đỉnh 37,1% năm 1984 xuống chỉ còn 19,6% năm 2016.
Lực lượng lao động cũng dần bị thay thế bởi hình ảnh "hội trai IT" như ta vẫn quen thấy ngày nay. Chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời bắt đầu từ sự ra đời của máy tính cá nhân.
Giai đoạn đầu thập niên 1980 đánh dấu một bước ngoặt của công nghệ hiện đại: Thay vì những cỗ máy khổng lồ mang hình hài viễn tưởng, máy tính đã dần trở nên nhỏ gọn và hợp túi tiền hơn, khiến chúng trở thành một món hàng gia đình, thậm chí một món đồ chơi cho con trẻ.
Các mẫu máy tính cá nhân như Commodore 64 hay TRS-80 tạo điều kiện cho học sinh trung lưu tiếp cận với lập trình từ sớm, giúp xây dựng một lượng nhân lực công nghệ thông tin sẵn sàng cho đào tạo đại học.
Dù vậy, theo Jane Margolis, nhà khoa học xã hội tại Đại học UCLA (Mỹ), các trải nghiệm này phần lớn thuộc về nam giới. Trẻ em trai được tiếp xúc với máy tính cá nhân nhiều hơn hẳn trẻ em gái; các bé trai cũng có cơ hội được bố mẹ tặng máy tính cá nhân nhiều gấp đôi chị em gái của mình. Các ông bố cũng thường xuyên dành thời gian "vọc" máy tính với con trai mình nhiều hơn con gái.
Mary Allen Wilkes, chuyên gia lập trình của MIT trong thập niên 1960. Ảnh: Joseph C. Towler, Jr
Nghiên cứu của Margolis xuất bản năm 2002 được rút từ quan sát 100 học sinh tại Đại học Carnegie Mellon, nơi phó khoa khoa học máy tính Allan Fisher đã nhận ra sự áp đảo số lượng của sinh viên nam ngay từ khi thành lập bộ môn năm 1988.
Fisher cũng để ý thấy nam sinh viên da trắng dễ dàng thành lập các "hội mọt sách" trong khoa, giúp các thành viên dễ dàng chia sẻ tài liệu, hỗ trợ nhau qua môn. Nữ sinh (cùng với các sinh viên nam da màu) dĩ nhiên không được mời, do đó gặp khó khăn hơn nhiều trước áp lực bài vở trong trường.
Ngay tại Viện MIT, một khảo sát năm 1983 đã cho thấy các sinh viên nữ trong ngành công nghệ thông tin có xu hướng bị giảng viên lờ đi khi giơ tay trả lời, cũng như bị các sinh viên nam ngắt lời trong buổi học.
Với vị thế thiểu số, sinh viên nữ trong khoa cũng thường bị đám đông nam sinh bình phẩm, đánh giá về ngoại hình, thậm chí bị coi là yếu logic thiên bẩm (Hẳn ta còn nhớ Facebook ra đời cũng "nhờ" ý tưởng xếp hạng ngoại hình nữ giới của Mark Zuckerberg và các bạn đồng môn).
Theo quan sát của Margolis, khi không có kinh nghiệm lập trình, đồng thời thiếu tài nguyên và sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh, các nữ sinh thường bị tụt lại trong lớp, từ đó đối mặt với sự tự ti, cho rằng bản thân không phù hợp với định nghĩa "lập trình viên đích thực" mà hội nam sinh đặt ra. Không khó hiểu khi một lượng lớn sinh viên nữ bỏ học khi chương trình chưa đi được quá nửa.
Với các cá nhân kiên trì trụ lại, viễn cảnh sự nghiệp của họ cũng chưa hết khó khăn, khi vẫn phải đối mặt với lề thói coi thường phụ nữ vẫn tồn tại nặng nề trong ngành IT.
Năm 2017, Google đã sa thải nhân viên James Damore sau khi một email nội bộ, trong đó anh này cho rằng phụ nữ không phù hợp làm lập trình máy tính do tính cách dễ lo âu, bị tuồn ra ngoài.
Tuy nhiên Damore vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp nam khác trong nội bộ Google, cho thấy sự phân biệt đối xử vẫn còn ăn sâu bám rễ trong Thung lũng Sillicon, ngay cả ở các doanh nghiệp khổng lồ đang đặt sứ mệnh thúc đẩy tiến bộ nhân loại.
Từ câu chuyện Google, ta lại đặt câu hỏi: Liệu khác biệt sinh học có phải là rào cản ngăn phụ nữ khẳng định vị thế trong ngành lập trình? Câu trả lời là không - chỉ cần nhìn ra ngoài phương Tây để tìm ví dụ.
Tại Ấn Độ, hơn 40% sinh viên trong ngành khoa học máy tính và các ngành liên quan là nữ giới. Việc học hành của họ cũng chẳng dễ dàng gì: Họ vẫn phải đối mặt với định kiến giới hà khắc tại Ấn Độ, và phải rời phòng máy trong trường trước 8h tối vì lý do an toàn - trong khi các đồng môn nam được phép làm việc muộn bao lâu tùy thích.
Tuy nhiên, sinh viên nữ Ấn Độ có một lợi thế: Họ được gia đình khuyến khích theo đuổi lập trình bởi đây được coi là công việc văn phòng an toàn, giúp phụ nữ tránh khỏi hiểm nguy ngoài đường phố. Nói theo cách khác, lập trình là tấm giấy thông hành giúp phụ nữ Ấn chạm đến tương lai mà họ mong muốn.
Ngẫm người lại nghĩ đến ta - tại Việt Nam, ngành lập trình vẫn còn nhiều điều phải làm để mở cánh cửa cho lực lượng lao động nữ. Báo cáo năm 2020 của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho thấy Việt Nam có tỉ lệ nữ tốt nghiệp các ngành công nghệ thấp nhất (26%) trong số 6 nước Đông Nam Á được khảo sát.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cả khối tư nhân, cơ sở đào tạo và chính phủ cần vào cuộc để biến công nghệ thành một lựa chọn khả dĩ cho sinh viên, trước khi tạo điều kiện cho họ lựa chọn làm việc và theo đuổi sự nghiệp dài hơi.
Lịch sử đã cho thấy rằng mặc cho các trở ngại liên tầng, lực lượng lập trình viên nữ vẫn luôn có mặt, đóng vai trò thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật. Trong công cuộc chuyển đổi số đang thay đổi Việt Nam từng giờ, sự có mặt của họ càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thứ mà nhiều người trong số họ cần, có lẽ chỉ là một cơ hội.
Theo tuoitre.vn