(Ảnh minh họa. Nguồn: tripsavvy.com)
Quần áo cũ ngày càng trở nên phổ biến và chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường thời trang tại châu Âu.
Giới trẻ châu Âu nói riêng và người dân châu Âu nói chung không còn thấy chúng bụi bặm và nhàm chán nữa mà bền vững, hợp thời và rẻ. Các chuỗi bán lẻ quần áo cũng bắt đầu tập trung vào thị trường đồ cũ có tính bền vững hơn.
Giáo sư và giảng viên về quản lý thời trang tại Đại học Antwerp, Annick Schramme cho biết: "Thị trường đồ cũ đang phát triển nhanh gấp ba lần so với tổng ngành thời trang. Đến năm 2030, kinh doanh quần áo cũ thậm chí còn được dự đoán sẽ lớn gấp đôi thời trang cao cấp."
Theo Giáo sư Annick Schramme, ngày nay, mọi người chủ yếu vẫn mua quần áo từ các chuỗi cửa hàng lớn, đây là loại quần áo rẻ tiền, thường chỉ mặc được vài năm. Trong khi “thời trang nhanh” đang ít nhiều ổn định, thị trường đồ cũ đang phát triển mạnh. Điều này chủ yếu diễn ra trên các cửa hàng trực tuyến, thông qua các nền tảng như trang Vinted.
Bà Schramme giải thích thêm: “Một số hãng thời trang nổi tiếng hiện nay cũng chạy theo xu hướng này, như dành riêng một góc trưng bày cho quân áo cũ hay gọi một cách mỹ miều là quần áo cổ điển của họ."
Ngay cả những cửa hãng bán lẻ lớn, như năm ngoái là H&M, đã thiết lập một dự án hợp tác với một cửa hàng đồ cổ của Bỉ, để bán bộ sưu tập quần áo cổ điển của H&M trong chuỗi cửa hàng của hãng này.
Theo bà Schramme, để trở nên thực sự cổ điển, quần áo phải có tuổi đời ít nhất 25 năm và phải nguyên bản và vẫn còn trong tình trạng tốt.
Trong những năm gần đây, thị trường quần áo cũ cũng đã hấp dẫn với giới trẻ châu Âu.
Chuyên gia Schramme cho biết: “Giới trẻ châu Âu không câu nệ quần áo cũ, điều quan trọng là hoạt động tiêu dùng này giúp bảo vệ môi trường, tránh lãng phí và đặc biệt là giá cả phải chăng và kiểu dáng thời trang khác biệt."
Giải thích về sự phổ biến của thị trường quần áo cũ hiện nay, theo bà Schramme, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những lý do đó là sự hoài niệm về quá khứ của một bộ phận người tiêu dùng.
Theo Vietnamplus