Motoki Sugiyama là một cựu giáo viên từng giảng dạy ở 5 trường cấp 2 khác nhau trong suốt 11 năm ở quận Shizuoka, Nhật Bản. Ông cho biết tất cả ngôi trường này đều có quy định cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa.

Ông được ban giám hiệu cho biết lý do: Tóc đuôi ngựa khiến nữ sinh để lộ phần gáy, có thể gây sự chú ý không cần thiết đối với nam sinh.

"Tôi luôn phản đối những quy tắc quá khó khăn như vậy nhưng vẫn thiếu người đồng lòng. Đến cuối cùng, các em học sinh không còn cách nào khác ngoài chấp nhận làm theo", ông nói trên VICE.

Hiện không có số liệu thống kê về việc có bao nhiêu trường học tại Nhật Bản áp dụng lệnh cấm buộc tóc đuôi ngựa. Nhưng một cuộc khảo sát vào năm 2020 cho thấy khoảng 10% trường học ở quận Fukuoka có quy định này.

 
nu sinh Nhat Ban anh 1

Nữ sinh tại nhiều trường Nhật Bản bị cấm buộc kiểu tóc đuôi ngựa. Ảnh:Shutter.

Vào tháng 6/2021, phụ huynh và học sinh bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với những nội quy trường học được cho là quá hà khắc. Điều này khiến chính phủ Nhật Bản phải yêu cầu tất cả hội đồng giáo dục trực thuộc sửa đổi quy định. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng nhanh chóng và sẵn sàng thay đổi.

Thầy giáo Sugiyama cho biết ông liên tục nhận được thư khiếu nại từ học sinh rằng trường học của họ luôn phớt lờ yêu cầu của chính phủ về việc thay đổi nội quy.

"Nhiều trường sẽ bỏ qua những thông báo không ràng buộc về mặt pháp lý hoặc không có hình phạt kèm theo", ông nói.

Lệnh cấm buộc tóc đuôi ngựa chỉ là một trong nhiều nội quy trường học nghiêm khắc, gọi là "buraku kosoku", được nhiều trường học của Nhật Bản áp dụng đối với học sinh của mình.

"Buraku kosoku" bao gồm quy định kỹ càng về màu sắc nội y, tất, chiều dài váy và hình dáng lông mày của nữ sinh. Ngoài ra, nếu học sinh không có mái tóc đen và thẳng, họ buộc phải chứng minh mái tóc hiện tại của mình là tự nhiên, không can thiệp tạo kiểu thẩm mỹ.

 
 
nu sinh Nhat Ban anh 2

Các nữ sinh còn bị quy định chặt chẽ về màu nội y, độ dài tất và váy. Ảnh:Getty.

Sugiyama cho biết học sinh hiếm khi được giải thích cho những quy tắc như vậy. Theo ông, những nội quy này có phần không thỏa đáng bởi nhà trường cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa nhưng vẫn cho phép cắt tóc bob - kiểu tóc cũng để lộ phần cổ.

"Buraku kosoku" xuất hiện từ những năm 1870 khi chính phủ Nhật Bản thiết lập quy chế giáo dục có hệ thống đầu tiên.

Trong những năm 1970 và 1980, các quy tắc ngày càng được thắt chặt nhằm giảm thiểu tình trạng bắt nạt và bạo lực trong trường học.

Asao Naito, phó giáo sư xã hội học, Đại học Meiji, cho biết "buraku kosoku" là khác nhau đối với từng trường học và thế hệ, nhưng hiệu quả mong muốn là như nhau và không ai có thể đứng ngoài cuộc.

Ông nhớ lại những ngày mình còn đi học cách đây khoảng 40 năm, khi những nữ sinh vẫn mặc chiếc váy dài.

"Vì điều gì đó, váy dài bị cấm tại các trường học và được làm ngắn hơn. Nhưng hiện nay, các trường học lại không cho phép mặc váy ngắn nữa và đang tìm cách kéo dài chúng. Điều này khiến học sinh có suy nghĩ rằng cơ thể mình cũng phải chịu sự kiểm soát", ông chia sẻ.

Trường cấp 2 Hosoyamada, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản là một ngôi trường vẫn cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa hoặc thắt bím tóc. Khi được phóng viên VICE liên hệ, đại diện trường cho biết đã thay đổi quy định về trang phục của học sinh vào năm ngoái sau khi các em phàn nàn.

"Kiểu tóc vẫn bị cấm nhưng đồ nội y của các em không cần phải là màu trắng nữa. Nó có thể có màu xám, đen hoặc xanh nước biển".

Theo Zing