Ảnh: H.M
Theo Reuters, Đức có kế hoạch chi gần 9 tỷ Euro (khoảng 10,9 tỉ USD) trong năm nay để mua 635,1 triệu liều vắc xin cho người dân và các nước thành viên EU. Đây là một phần trong kế hoạch mua chung vắc xin của Liên minh châu Âu và nỗ lực của Đức để duy trì lượng vắc xin dự phòng hằng năm.
Tại Nhật Bản, Chính phủ đã chi 512 tỷ Yên (khoảng 4,7 tỷ USD) trong ngân sách dự phòng của tài khóa 2021 để mua thêm vắc xin. Trước đó, trong tài khóa 2020, Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ tổng cộng 11.500 tỷ Yên (khoảng 104,4 tỷ USD) trong hai dự thảo ngân sách bổ sung cho quỹ dự phòng, và đã sử dụng gần như tất cả số tiền này.
Ảnh: H.M
Đối với Malaysia, Chính phủ đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp, cho phép sử dụng nguồn thu từ Quỹ Tín thác quốc gia (KWAN) để mua vắc xin phòng COVID-19. Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia cho biết Chính phủ sẽ sử dụng 5 tỷ Ringgit (khoảng 1,6 tỷ USD) trong số 19,5 tỷ Ringgit từ quỹ KWAN để mua vắc xin và hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào tháng 12/2021.
Nằm trong số những quốc gia phải tìm kiếm nguồn vắc xin từ nước ngoài, ngay khi dịch bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để có nguồn vắc xin. Bên cạnh nguồn vắc xin viện trợ, Việt Nam đã thành lập Quỹ Vắc xin phòng COVID-19, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của người dân trong và ngoài nước để đảm bảo kinh phí đầu tư nghiên cứu, mua và triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng.
Ý tưởng thành lập quỹ được đánh giá là ý tưởng thể hiện sự đoàn kết và nhân ái trong bối cảnh cần sự chung tay của cộng đồng để chiến đấu với đại dịch. Thực tế cho thấy các kênh tiếp nhận đóng góp cho quỹ, đặc biệt là trên website https://www.quyvacxincovid19.gov.vn/, đã nhận được sự tham gia của rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước… bằng nhiều hình thức đa dạng như thẻ tín dụng quốc tế, thẻ ATM, ví điện tử, Internet banking, Mobile banking...
Thông qua website www.quyvacxincovid19.gov.vn, các tấm lòng thiện nguyện có thể đóng góp và đăng ký nguyện vọng đóng góp trực tiếp cho các tỉnh, thành phố, hoặc gửi tới cơ quan, tổ chức cụ thể. Cổng cũng cho phép người đóng góp gửi những lời chúc, thông điệp đến người thân, bạn bè, đội ngũ chống dịch tuyến đầu... Giấy chứng nhận tài trợ điện tử sẽ được gửi tới các tấm lòng hảo tâm ngay sau khi hoàn thành ủng hộ.
Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang kêu gọi quỹ riêng cho tỉnh, thành của mình. Website hỗ trợ tính năng đăng ký khoản đóng góp chuyển về các địa phương, hoặc chuyển cho các tổ chức theo nguyện vọng của nhà tài trợ. Hệ thống tạo điều kiện cho quỹ tại trung ương tiếp nhận và quản lý tập trung mọi nguồn đóng góp cho chương trình vắc xin trên toàn quốc.
Ảnh: H.M
Đại diện UNICEF tại Việt Nam - đơn vị phối hợp mua và phân phối vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thực sự đánh giá cao tình đoàn kết dân tộc được thể hiện qua việc mọi người dân cùng đóng góp vào Quỹ Vắc xin. Việc Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các công ty trong nước và quốc tế là việc làm rất ý nghĩa khi đây là những đối tượng hiểu rõ vắc xin sẽ thay đổi cục diện kiểm soát COVID-19 và mong muốn đóng góp nhằm đảm bảo Chính phủ không chỉ có thể mua vắc-xin mà còn phân phối vắc xin một cách an toàn và hiệu quả”.
Theo Bộ Tài chính, đến ngày 17/7, Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 đã nhận được sự đóng góp của gần 450.000 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 8.159 tỷ đồng. Trước đó, quỹ đã chuyển kinh phí mua 61 triệu liều vắc-xin để cùng số vắc-xin được tài trợ triển khai tiêm chủng rộng rãi cho người dân.
Để quyên góp, ủng hộ cho Quỹ Vắc xin phòng COVID-19, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tham gia qua các phương thức: - Đóng góp trực tuyến qua website: https://www.quyvacxincovid19.gov.vn; - Soạn tin nhắn: COVID NK gửi đến 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000, K là thể hiện đơn vị (ngàn đồng); - Chuyển khoản vào tài khoản số 686868 (VND, USD, EUR) tại HDBank; - Chuyển khoản tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước qua số tài khoản 3761.0.9098866.91999 (VND); 761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR). |
Theo phunuonline