“Sắc màu Pháp ngữ” là ý tưởng của Bộ Ngoại giao đã được UBND TP. Hà Nội, Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), các Đại sứ quán và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội hưởng ứng nhiệt tình, phối hợp tổ chức.

Hoạt động Pháp ngữ của sinh viên Việt Nam. (Ảnh: AUF)

Theo Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam Anne Lange, hiện có khoảng 600 nghìn người Việt Nam nói tiếng Pháp. Với bà, con số này là rất ấn tượng.

Hãy nói bằng tiếng Pháp

Từ năm 1970, những người nói tiếng Pháp trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ và lấy ngày 20/3 hằng năm là dịp để thể hiện sự gắn bó của mình với tiếng Pháp.

Nói về khẩu hiệu của Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2019 “Hãy nói bằng tiếng Pháp”, bà Anne Lange cho rằng:  “Nó truyền tải một hình ảnh cởi mở, hiện đại  và phản ánh sức sống của tiếng Pháp trong tất cả lĩnh vực. Khẩu hiệu này còn hướng tới 300 triệu người nói tiếng Pháp, những người muốn khám phá một ngoại ngữ thứ hai và 88 quốc gia và chính phủ thành viên của OIF đại diện cho sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ”.

Lễ kỷ niệm chính thức ngày Quốc tế Pháp ngữ năm nay sẽ được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Hà Nội, đại diện Ngoại giao đoàn, các thầy cô giáo và các đối tác Pháp ngữ Việt Nam và nước ngoài. Nhân dịp này, Giải thưởng Danh dự và Giải thưởng Thanh niên sẽ được trao cho hai cá nhân nhằm tôn vinh những đóng góp của họ cho tiếng Pháp và những giá trị của cộng đồng Pháp ngữ.

Ngày 16/3 sẽ diễn ra hoạt động đa dạng, phong phú với sự hiện diện của 60 gian hàng thông tin, ẩm thực của các Đại sứ quán và các tổ chức nói tiếng Pháp, trường phổ thông và đại học có giảng dạy tiếng Pháp... Bên cạnh đó còn là các buổi biểu diễn văn nghệ, kịch, thi kiến thức bằng tiếng Pháp, trò chơi giáo dục thú vị do các em học sinh và sinh viên tổ chức và biểu diễn. Đặc biệt, hoạt động “Nối vòng tay lớn Pháp ngữ” lần đầu được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 1.000 học sinh, sinh viên đang theo học tiếng Pháp.

Chia sẻ về sự kiện, ông Vũ Trường Giang – đại diện Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết: “Sự ủng hộ của truyền thông với sự kiện Pháp ngữ rất quan trọng. Đó là ngày hội để chúng ta bày tỏ tình yêu với Pháp ngữ  và cũng là dịp khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ”.

Lan tỏa tình yêu Pháp ngữ

Không chỉ tại Hà Nội, Lễ hội Pháp ngữ được tổ chức tại công viên Lưu Hữu Phước (TP Cần Thơ), Ngày hội Pháp ngữ diễn ra tại Thảo Cầm Viên  (TP Hồ Chí Minh), hay cuộc thi “Rung chuông vàng” với sự hưởng ứng của 11 trường THCS tại Huế. Ngoài ra, suốt tháng 3/2019, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục đã diễn ra tại các trường phổ thông, đại học và các câu lạc bộ tiếng Pháp trên khắp đất nước.

Nói về chiến lược làm lan tỏa tình yêu với tiếng Pháp, Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) Ouidad Tebbaa cho biết bà mới quay về từ Vanuatu và chính Bộ trưởng Giáo dục Vanuatu đã đề nghị hợp tác với Việt Nam tổ chức những khóa đào tạo bằng tiếng Pháp trong lĩnh vực nông học.

“25 năm qua chúng tôi đã hỗ trợ đào tạo và giúp tạo nên sự sinh động đặc biệt cho cộng dồng Pháp ngữ. Tại sự kiện tới, chúng tôi sẽ cắt chiếc bánh gato 25 tầng để nói tôn vinh những người đồng hành cùng AUF những năm qua nhằm hiện thực hóa giấc mơ tăng cường sự hiện diện của tiếng Pháp. Chúng tôi cũng cảm ơn Bộ Ngoại giao, UBND Thành phố Hà Nội và các Đại sứ quán đã luôn ủng hộ”, bà Ouidad Tebbaa chia sẻ.

 “Để thực hiện mục tiêu tôn vinh những giá trị của cộng đồng Pháp ngữ, chúng tôi đã mời được 18 trường học đang giảng dạy tiếng Pháp tham gia sự kiện. Sự hiện diện của giới trẻ chính là niềm tin tươi sáng về tương lai phát triển của Pháp ngữ tại Việt Nam” – bà Lucile Bruand - Tùy viên hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

                                                                                                                                                      Theo Thế giới và Việt Nam