Huỳnh Tấn (giữa) cùng các diễn viên trong một cảnh quay. (Nguồn: htv)

 

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều người thường xuyên ở nhà, vì thế các kênh giải trí trực tuyến, chương trình truyền hình là lựa chọn tối ưu.

Nắm bắt cơ hội đó, nhiều văn, nghệ sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm kiếm hình thức thể hiện mới, xây dựng các chương trình sân khấu truyền hình đặc sắc, mới mẻ nhằm phục vụ nhu cầu của khán giả.

Bắt nhịp nhanh với thực tế

Với khẩu hiệu “Ở nhà xem kịch, né COVID-19,” để phục vụ công chúng xuyên suốt mùa dịch, một loạt vở kịch xã hội đã lần lượt được phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9 của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và tạo nên những khởi sắc mới. Trong đó, hai chuyên đề kịch đang thu hút người xem hiện nay là “Siêu thị cười” và “Chuyện bốn mùa” đã mang lại những thông điệp bổ ích, có giá trị và tính thời sự rõ rệt.

Nếu “Siêu thị cười” với thời lượng 30 phút/tập dùng hình thức hài kịch để châm biếm thói hư, tật xấu từ đầu làng đến cuối xóm, với 60 phút của mỗi tập trong tiểu phẩm có tên “Chuyện bốn mùa” lại mang đến một chút bi, một chút hài, gửi đến khán giả thông điệp hãy biết quan tâm và chia sẻ tới mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, với các vở diễn “Xem bói online,” “Ngày về,” “Nhà tôi ba đời,” “Cha nuôi con nuôi,” “Làm mẹ trên mạng,” “Nhậu sinh thái,” “Nước đục thả câu,” “Hoa phong ba,” “Người giúp việc,” “Tứ đại đồng đường,” “Nhà phải có nóc,” “Bữa cơm thời hiện đại,” “Quan mùi may áo,” “Phép tính trong tình yêu,” “Khu phố 4G”… đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.

Với độ dài từ 30-60 phút, các vở diễn đi sâu vào nhiều vấn nạn xã hội như xem bói trên mạng, lừa đảo trong điều trị bệnh, cách giáo dục con trong thời kỳ công nghệ 4.0, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm… những vấn đề dân sinh liên tục được cập nhật qua lăng kính sân khấu, đòi hỏi các nghệ sỹ phải vào vai nhanh chóng.

Đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Trưởng Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đang xây dựng các ê kíp tác giả, đạo diễn, diễn viên lần lượt tham gia sáng tạo tác phẩm, đảm bảo nội dung luôn mới mẻ, cập nhật tình hình đời sống xã hội hiện đại, phản ánh cuộc sống và con người thời nay.

Bên cạnh một số tác giả kịch bản tên tuổi, các cây bút trẻ có tiềm năng cũng được nhà đài khai thác để làm đa dạng nguồn kịch bản và dễ dàng tiếp cận khán giả. Hiện trong dàn đạo diễn đang hoạt động tích cực có những gương mặt nổi bật như đạo diễn Hoàng Duẩn, Thu Hồng, Thái Kim Tùng, Quốc Thịnh, Vũ Huân… cùng sự tham gia của các đạo diễn điện ảnh trẻ đã giúp sân khấu truyền hình thêm nhiều màu sắc.

Tương tự, theo nghệ sỹ Linh Trung, để nhìn nhận đúng đắn các vấn đề “nóng” nhằm truyền tải đến khán giả những thông điệp có giá trị qua vai diễn của mình, đa số diễn viên tham gia từ trẻ nghề cho đến gạo cội đều phải đọc báo, nghe đài. Anh cho rằng việc tham gia vào các vở diễn là một điều ý nghĩa trong mùa dịch, góp phần lan tỏa yêu thương tới những người dân thành phố.

Nỗ lực đầu tư chất liệu

Bên cạnh hai chương trình sân khấu “Siêu thị cười” và “Chuyện bốn mùa,” Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh dồn lực đầu tư dàn dựng các vở kịch ngắn có tên "Hài kịch 5 phút." Mặc dù mỗi tiểu phẩm chỉ có thời lượng 5 phút nhưng êkíp thực hiện đã vận dụng sự quan sát cuộc sống để xâu chuỗi và cô đọng nhiều thông tin được cộng đồng mạng quan tâm, qua đó dùng tiếng cười để châm biếm, phê phán thói hư, tật xấu của một bộ phận người dân trong dịch COVID-19.

Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết dự án “Hài kịch 5 phút” gồm 20 câu chuyện với nội dung mang ý nghĩa tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Những câu chuyện trong vở kịch phần lớn mang tính xây dựng nhẹ nhàng, đáp ứng được tính giải trí, đồng thời động viên người dân đồng lòng, lạc quan, vượt qua dịch bệnh.

Thời gian tới, “Hài kịch 5 phút” sẽ lên sóng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vào khung giờ 20 giờ 50 phút trên HTV9 và phát lại trên HTV7 vào sáng hôm sau. Đây sẽ là “liều thuốc bổ” giúp cho người dân bớt lo âu, căng thẳng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16, qua đó nâng cao tinh thần phòng, chống dịch; đồng thời, là bước đi quan trọng trong giai đoạn kịch truyền hình trên đà khởi sắc.

Bên cạnh khung giờ phát sóng thuận lợi, để kịch truyền hình tìm được chỗ đứng, theo đạo diễn Hoàng Duẩn, nội dung vở diễn hấp dẫn mới là điều kiện tiên quyết để giữ chân khán giả. Nếu vở diễn thật sự thu hút, khán giả sẽ nhiệt tình ủng hộ, đón xem, dù không phải giờ vàng. Vì vậy, để các tác phẩm sân khấu rút ngắn khoảng cách với công chúng màn ảnh nhỏ, cần chú trọng đến nhu cầu thực tiễn của người xem là họ đang cần gì, muốn gì, để từ đó tìm ra “chìa khóa” mở lối cho loại hình này trở về thời kỳ hoàng kim như nó vốn có.

Đồng quan điểm, theo Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng, người gắn bó hơn 60 năm với sân khấu truyền thống trong nhiều vai trò và góc nhìn nghệ thuật cho rằng, việc dư luận phản hồi tích cực sau khi xem kịch trên truyền hình cho thấy nỗ lực đầu tư chất liệu từ giới văn, nghệ sỹ đã được khán giả quan tâm. Ngoài ra, cần phát động trong quần chúng việc sáng tác, phác thảo đề cương từng câu chuyện, nhất là các vở kịch nói về tâm hồn, đức tính hy sinh, đời sống tinh thần của đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch, giữ bình an cho sức khỏe, tính mạng người dân.

Ở góc độ cố vấn chuyên môn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng, chính những khó khăn hiện nay là cơ hội để các đạo diễn, văn, nghệ sỹ có thể chủ động thay đổi cách thức làm kịch truyền hình, làm mới các hình thức thể hiện, xây dựng cung cách làm kịch truyền hình lâu dài.

Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện để nghệ sỹ nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực được cống hiến cho nghề, không chỉ ở kịch mà hát bội, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, xiếc, ảo thuật, múa rối, múa dân gian, múa hiện đại...

Theo Vietnamplus