Goo Hara là sao Hàn mới nhất tự sát, ngày 24-11 cảnh sát tìm thấy thi thể cô tại nhà riêng

Ở Hàn Quốc, trầm cảm là một căn bệnh nặng mà khó ai có thể giúp được. Đây là một vấn đề khó nói, nên người bệnh thường lặng lẽ tìm đến các bác sĩ tâm lý. Thật ra tôi nghĩ cũng không có ai dùng những dịch vụ đó, mà chỉ tâm sự với gia đình và bạn bè. Nghệ sĩ nổi tiếng cũng là người bình thường thôi, họ không phải là người đặc biệt.

Anh Lee Dong Gun, từng là nhà sản xuất âm nhạc kiêm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, chia sẻ với Tuổi Trẻ. 


"Văn hóa im lặng" chết người

Khác với giới giải trí phương Tây, nơi nhiều ngôi sao công khai nói về bệnh tâm lý của mình và được fan ủng hộ, thì nghệ sĩ Hàn vẫn còn "ngại" nói về chuyện này.

Môt bài viết đăng ngày 14-10 trên Yahoo Lifestyle sau khi nữ ca sĩ Sulli qua đời vì tự sát cho biết "văn hóa im lặng" xung quanh các vấn đề sức khỏe tâm thần là khá phổ biến trong xã hội Hàn Quốc.

Bài viết trích ý kiến của Euny Hong, tác giả quyển sách The Birth of Korean Cool: How One Nation is Conquering the World with Pop Culture (tạm dịch: Sự ra đời ‘Korean Cool’: Làm cách nào mà một quốc gia có thể chinh phục thế giới bằng văn hóa nhạc pop", phân tích những áp lực đè nặng lên vai sao Hàn.

Theo đó, ngoài áp lực liên tục đến từ công ty quản lý và công chúng, định kiến về bệnh lý tâm thần ở Hàn cũng đang góp phần đẩy idol (ca sĩ thần tượng) đến bờ vực thẳm.

Ca sĩ Sulli Choi - người đã tự tử ngày 14-10

Người Hàn Quốc chỉ mới có các ngôi sao tầm quốc tế trong một vài thập kỷ trở lại đây, nên họ chưa sẵn sàng. Thêm vào đó, việc tìm kiếm điều trị sức khỏe tâm thần còn bị xem là ‘cấm kỵ’ gần như ‘đảm bảo’ những thảm kịch nghệ sĩ tự sát sẽ còn tiếp diễn, trừ khi có sự thay đổi cơ bản về mặt xã hội.

Euny Hong 


Trước đó, một bài viết đăng trên Korea Herald cũng khẳng định bệnh lý tâm thần vẫn là một chủ đề cấm kỵ mà người Hàn dường như ngại nhắc đến. Bài viết trích một thống kê của chính phủ năm 2017 cho thấy cứ 4 người Hàn thì có 1 người từng bị rối loạn sức khỏe tâm thần ít nhất một lần trong đời, nhưng tỷ lệ người theo đuổi điều trị chuyên nghiệp chỉ là 1/10.

Kpop Hàn cần phải "đào tạo chống tự sát"?

Tuy nhiên, người hâm mộ Hàn Quốc đang hy vọng có sự thay đổi, khi ngày càng có nhiều nghệ sĩ mạnh dạn công khai nói về sức khỏe tâm thần. Theo Billboard, nam ca sĩ RM của BTS từng phát biểu năm 2018 rằng anh hy vọng Hàn Quốc sẽ có nhiều bước tiến hơn trong việc giải quyết sức khỏe tâm thần cho thế hệ của mình.

Tháng 6 năm nay, trong lúc giao lưu với fan trên Instagram, nữ ca sĩ Taeyeon thẳng thắn nói cô đang điều trị trầm cảm. Theo Koreaboo, trưởng nhóm Big Bang G-Dragon từng chia sẻ rằng đã có thời gian anh suy sụp vì single Heart Breaker bị tố đạo nhạc năm 2009.

Nữ ca sĩ Suzy khóc khi tâm sự về bệnh trầm cảm trên chương trình Healing Camp của đài SBS năm 2013 - Ảnh chụp màn hình

"Tình đầu quốc dân" Suzy cũng từng có giai đoạn trầm cảm nặng, như lời cô chia sẻ trong một chương trình truyền hình năm 2013. Cũng trong bài viết trên Yahoo Lifestyle ngày 14-10, cây bút chuyên viết về K-pop Jeff Benjamin cho rằng một số công ty trong ngành đã bắt đầu đầu tư thêm cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng như đào tạo chống tự sát.

"Các nghệ sĩ đang cởi mở hơn về vấn đề này, giúp xóa bớt định kiến về sức khỏe tâm thần", Jeff Benjamin nhận định, cho rằng việc K-pop đang lan tỏa ra thế giới cũng góp phần tạo nên sự thay đổi.

Không chỉ công khai nói về bệnh lý của mình, nhiều idol ngày càng mạnh mẽ hơn khi "dám" phản bác lại những công kích hướng tới mình. Mới đây, nữ ca sĩ Krystal, cựu thành viên nhóm f(x), bị chỉ trích vì không tưởng nhớ Sulli…trên mạng.

Thấy vậy, một thành viên khác trong nhóm là Victoria đứng ra bảo vệ: "Từ khi nào mà chúng ta để mạng xã hội kiểm soát như vậy. Chúng ta dùng mạng xã hội để đo lường đạo đức, mối quan hệ giữa con người, cảm xúc, đo lường mọi thứ sao? Đó là không gian để chúng ta chia sẻ, vậy mà giờ nó đã trở thành nơi chúng ta phô diễn rồi".

Trong nỗ lực bảo vệ nghệ sĩ khỏi trầm cảm, trưởng nhóm Super Junior Lee Teuk đã thành lập một nhóm gọi là Milk Club, tập hợp những người bị trầm cảm trong làng giải trí Hàn Quốc, trang Soompi đưa tin năm 2009.

Nhóm này được lập ra nhằm mục đích gắn kết những idol bị trầm cảm vì áp lực, bằng cách chia sẻ những câu chuyện của nhau để nhận được sự cảm thông.

Công ty quản lý UAA của Song Hye Kyo nộp đơn kiện những người đồn đại về Song Hye Kyo sau vụ ly hôn với Song Joong Ki - Ảnh: Yonhap/Reuters

Nhờ luật pháp can thiệp

Để bảo vệ mình, nhiều nghệ sĩ Hàn và công ty giải trí Hàn đã mạnh tay có hành động pháp lý đối với những người gây ra "bạo lực mạng".

Trong năm nay, lần lượt JYP Entertainment khởi kiện những kẻ bình luận ác ý với Mina (nhóm Twice), Big Hit Entertainment báo cáo cảnh sát những ai đăng những bình luận "xúc phạm" và "phỉ báng" BTS, Hook Entertainment bảo vệ Lee Seung Gi, Maroo Entertainment chống lại tin đồn sai lệch đối với Park Ji Hoon (nhóm Wanna One), và UAA nộp đơn thưa kiện những người đồn đại về Song Hye Kyo sau vụ ly hôn với Song Joong Ki.

Nữ ca sĩ vừa qua đời Sulli cũng từng liên tục yêu cầu công ty quản lý của mình có hành động đối phó lại những bình luận ác ý nhắm vào mình, Busan Report dẫn lời một người trong ngành giải trí.

Vào cuối năm 2017, công ty quản lý Sulli, SM Entertainment, tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại những người bình luận ác ý hoặc có hành vi lan truyền tin đồn sai sự thật về những nghệ sĩ của họ.

Sau sự ra đi thương tâm của Sulli, Hiệp hội Quản lý Giải trí Hàn Quốc (Korea Entertainment Management Association - CEMA) ngày 16-10 tuyên bố rằng tổ chức này sẽ có hành động mạnh mẽ để "nhổ cỏ tận gốc" hành vi bạo lực trên mạng.

Big Hit Entertainment đã phải báo cáo cảnh sát về những bình luận xúc phạm và phỉ báng nhóm nhạc BTS - Ảnh: Reuters

 Liên quan đến khủng bố mạng, chúng tôi sẽ không dừng lại trước những lời xin lỗi hoặc biểu hiện sám hối. Thay vào đó, chúng tôi sẽ quyết liệt với những người bình luận ác ý, và chúng tôi sẽ đưa ra kiến ​​nghị với các cơ quan điều tra cũng như chính phủ để những người bình luận đó có thể bị trừng phạt nghiêm khắc.

CEMA khẳng định trong tuyên bố.


Những thay đổi căn cơ hơn nữa cũng đang được cân nhắc đến. Theo The Guardian, cái chết của Sulli thúc đẩy các yêu cầu chính phủ Hàn có hành động chống lại bắt nạt trên các cổng thông tin Internet phổ biến, nơi người dùng có thể bình luận nặc danh.

Chỉ trong một tuần, trang web của văn phòng của tổng thống Hàn Quốc đã tràn ngập các đề xuất người dùng phải đăng ký tên thật trước khi bình luận.

Được biết, Quốc hội Hàn Quốc sẽ bắt đầu tranh luận về một dự luật, được đặt tên là "đạo luật Sulli" gồm các quy tắc nghiêm ngặt chống lại những bình luận độc hại bởi người dùng ẩn danh, vào cuối năm nay.

Bị tù treo vì tung tin thất thiệt

Trang soompi ngày 18-10 đưa tin một cư dân mạng ở Hàn Quốc lãnh án tù treo do loan tin rên một diễn đàn có hơn 1 triệu người sử dụng rằng nữ thần tượng Sunny (nhóm SNSD) và nam diễn viên Lee Seo Jin hẹn hò.

Được biết, người này trong độ tuổi 20, bị tòa án quận Daejeon ở thành phố Daejeon tuyên phạt 2 năm quản chế và 80 giờ phục cộng đồng, nếu tái phạm trong thời gian thử thách sẽ phải ngồi tù 6 tháng. 

Theo tuoitre