leftcenterrightdel
 Một tiết học ở trường THCS Yio Chu Kang, Singapore (Ảnh: Reuters).
Tại cuộc họp Quốc hội ngày 7/3, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Chan Chung Sing cho biết quyết định này được xây dựng dựa trên mong muốn học sinh có không gian để phát triển sở thích cá nhân và giảm áp lực học tập, bớt lo lắng về việc so sánh mình với người khác.

Trong ba năm qua, một số bài kiểm tra giữa năm đã từng bước bị loại bỏ trong chương trình lớp 3, 5, 7 và 9. Từ năm 2019, học sinh tiểu học hai năm đầu không còn bất kỳ bài kiểm tra hay bài thi nào, cũng như không được đánh giá bằng điểm số.

Ông Chan Chung Sing cho biết những thay đổi này đã tạo ra tác động tích cực, giúp các trường và giáo viên tập trung vào việc đào tạo và nâng cao khả năng của học sinh. "Nhà trường sử dụng các bài đánh giá để xác định những kỹ năng, lĩnh vực mà học sinh thành thạo hoặc gặp khó khăn. Các em cũng tập trung vào việc học những gì mình thích do không còn áp lực điểm số", ông Chan cho biết.

Theo Bộ Giáo dục Singapore, các trường có thể chọn bỏ kỳ thi giữa năm cho bất kỳ cấp học còn lại trong 2022, nếu họ sẵn sàng. Hiện tại, hơn một phần ba trường THCS và 1/14 trường tiểu học đã cắt giảm bài thi giữa năm cho học sinh lớp 4 và 8. Động thái này đã giúp giải phóng khoảng ba tuần trong chương trình học mỗi cấp, tạo không gian để giáo viên sáng tạo cách dạy đa dạng, hấp dẫn hơn, đồng thời giúp học sinh phát triển thêm kỹ năng sống.

Bộ Giáo dục quốc gia này cho hay, thay vì các bài kiểm tra, trường học sẽ dùng một loạt tiêu chí và hoạt động để đánh giá kết quả học tập của học sinh, từ đó đưa ra những phản hồi và hướng dẫn các em thông qua bài tập.

leftcenterrightdel
Bộ Giáo dục Singapore cho biết các trường có thể bỏ kỳ thi giữa năm cho bất kỳ cấp học nào còn lại trong năm nay, nếu họ sẵn sàng (Ảnh: Straits Times). 
"Một chương trình dạy tiêu chuẩn có thể không đáp ứng được nhu cầu và khả năng học tập đa dạng của học sinh. Do đó, chúng tôi phải có một loạt lựa chọn để khắc phục điều này", Bộ trưởng Chan Chung Sing nói.

Ngoài ra, việc học tập tại nhà thông thường cũng sẽ cho phép học sinh tự chủ động việc học của mình và thực hiện cho tất cả học sinh trung học và dự bị đại học vào cuối năm nay.

Từ năm ngoái, Trung Quốc cũng ban hành hàng loạt chính sách (thường gọi là "giảm kép") nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh. Theo đó, nước này cấm toàn bộ các lớp học thêm trực tiếp và trực tuyến sau giờ học, yêu cầu trường học giảm bài tập về nhà cho học sinh, coi trọng chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường và khuyến cáo phụ huynh cho con cái ngủ đủ giấc.

Ở một số nơi như thủ đô Bắc Kinh, chính quyền thành phố còn "mạnh tay" cấm toàn bộ các ứng dụng học tập hướng tới trẻ mầm non. "Giảm kép" được kỳ vọng tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên khỏe mạnh, được theo đuổi đam mê và phát triển trong những lĩnh vực có sở trường.
leftcenterrightdel
Chính sách giáo dục "giảm kép" của Trung Quốc đạt kết quả tích cực (Ảnh: Getty Images). 

Số liệu khảo sát của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, 73% phụ huynh cho biết thời gian hoàn thành bài tập về nhà của học sinh ngắn hơn nhiều so với trước khi thực hiện "giảm kép" và 85,4% phụ huynh hài lòng về các môn sau giờ học.

Theo đó, Bộ giáo dục Trung Quốc sẽ ủy thác cho một tổ chức thứ 3 có đủ năng lực và uy tín để thực hiện một cuộc điều tra độc lập về việc thực hiện "giảm kép" của nhà trường, sử dụng nền tảng giám sát để chấp nhận sự giám sát từ cộng đồng xã hội. Trong đó, có việc mở rộng các kênh để quần chúng đưa ra ý kiến, nâng cao hơn nữa mức độ thực hiện công tác "giảm kép" của nhà trường.

Theo mục tiêu, nhiệm vụ công tác giáo dục "giảm kép" do chính phủ Trung Quốc đề ra, năm 2022, sẽ tăng cường hơn nữa vị trí chủ đạo của giáo dục nhà trường, tiếp tục đưa việc thực hiện "giảm kép" là ưu tiên hàng đầu của công tác giáo dục tại nhà trường.

Theo dantri