leftcenterrightdel
 Jazeba Ahmad bị hổng kiến thức toán cấp 3 do phải học trực tuyến trong thời gian đại dịch. Ảnh:NYT

Năm 2019, Jazeba Ahmad đang học lớp 10 và đã đăng ký học một lớp Toán tú tài quốc tế để xây dựng một nền tảng toán học vững vàng. Tuy nhiên, Covid-19 bùng nổ, trường cô chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Những giờ học trôi qua với số lượng kiến thức đọng lại ít ỏi.

Giờ đây, Ahmad đã 19 tuổi, là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Cộng đồng bang Columbus nhưng vẫn lúng túng với đại số, loại kiến thức đáng lẽ ra cô phải thành thạo.

"Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều trong 2 năm qua. Nếu tôi được học những kiến thức đó (đại số - PV) trực tiếp tại trường trung học, tôi sẽ thấy mình được trang bị nhiều hơn để học tốt ở lớp đại học", cô nói.

Hệ quả

Các trường cao đẳng, đại học đang phải giáo dục những thế hệ học sinh đầu tiên trưởng thành từ đại dịch. Đây là lứa học sinh đầu tiên bị mất kiến thức ở trường trung học vì Covid-19.

Theo dữ liệu sơ bộ do Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Clearinghouse công bố gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở nhiều bang đã giảm vào năm 2021. Tỷ lệ nhập học đại học đã giảm 4,2% kể từ năm 2020.

Trong các cuộc phỏng vấn trên khắp nước Mỹ, các sinh viên chưa tốt nghiệp đã thảo luận về sự khó khăn trong năm đầu tiên lên đại học do thiếu hụt kiến thức cấp 3. Các giáo sư cũng giải thích lý do của sự giảm sút về điểm số cũng như những tiêu chuẩn đầu vào.

Đối với sinh viên có thu nhập thấp và sinh viên da màu - nhóm đối tượng phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn để có được bằng cấp, việc học và tốt nghiệp còn khó khăn hơn.

Số lượng sinh viên da đen và gốc Tây Ban Nha tại các trường cao đẳng cộng đồng đang sụt giảm mạnh mẽ. Những trường này đã phải vật lộn trong 2 năm qua để đưa sinh viên trở lại lớp học.

"Tất cả chúng ta đang gặp khủng hoảng. Khủng hoảng này thậm chí còn đặc biệt tồi tệ đối với sinh viên da màu và sinh viên thu nhập thấp", Stanley Litow, giáo sư thỉnh giảng về Chính sách công tại ĐH Duke và là cựu lãnh đạo của cơ quan quản lý trường công lập New York, đánh giá.

leftcenterrightdel
 Thế hệ sinh viên mới tại các trường đại học đang gặp khủng hoảng, nhất là các em người da màu và đến từ gia đình có thu nhập thấp. Ảnh:NYT. 

ĐH Benedict, một trường đại học lâu năm của người da đen ở Columbia, đang phải đối mặt với thực tế tồi tệ nói trên. Roslyn Clark Artis, Hiệu trưởng trường, cho biết trường thường tuyển 700 sinh viên mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2020, số lượng sinh viên tuyển được đã giảm một nửa. Sang năm 2021, số lượng sinh viên nhập học tăng lên 600, nhưng đến năm 2022, số lượng đơn đăng ký vào trường chỉ 278 đơn.

Theo TS Artis, hầu hết sinh viên trúng tuyển vào trường năm nay đều là học sinh năm hai trung học khi Covid-19 bùng nổ. Và điểm ACT (kỳ thi được nhiều trường ở Mỹ dùng kết quả để tuyển sinh - PV) của họ thấp hơn những năm trước, đặc biệt ở môn Toán.

Hổng kiến thức, khó ra trường

Tình trạng sinh viên hổng kiến thức môn Toán không chỉ xuất hiện ở mỗi ĐH Benedict. Tại các khoa Toán trên khắp nước Mỹ, các giáo sư và ban giám hiệu cho biết cần nhiều sinh viên hỗ trợ mình hơn. Họ phải bàn về việc cắt giảm giáo trình và hạ thấp kỳ vọng đối với sinh viên.

Lee DeVille, giáo sư Toán học tại ĐH Illinois, đã phải tổ chức một lớp học vào mùa xuân vừa qua để bổ túc cho sinh viên các kiến thức cơ bản. Ông cho biết mình thấy "đau lòng" khi một số kiến thức Toán cần thiết đã bị cắt giảm.

Còn tại ĐH Texas A&M, một số lớp Toán đã chứng kiến số lượng sinh viên đạt điểm D, điểm F cũng như bỏ cuộc tăng cao trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.

Theo Paulo Lima-Filho, Giám đốc điều hành Viện Toán học ĐH Texas A&M - nơi cung cấp dịch vụ dạy kèm, cho biết các vấn đề đặc biệt tồi tệ đối với sinh viên năm nhất. Nhiều em thiếu, tệ hơn là hiểu sai nhiều kiến thức cơ bản.

Từng tham gia một khóa học giải tích trực tuyến hồi trung học với hy vọng bổ sung kiến thức cho lớp Giải tích đại học, Nick Sullivan, sinh viên năm 2 ngành Kỹ thuật hạt nhân tại A&M, cho biết mình đã mất căn bản nhiều thứ và phải được một giáo sư lấp lỗ hổng kiến thức khi lên đại học.

Ở môn Đọc - Hiểu tại các trường đại học, những người hướng dẫn cho hay sinh viên ít gặp vấn đề về nền tảng kiến thức hơn. Tuy nhiên, họ có một mối lo lắng khác: sinh viên lo lắng nhiều hơn nhưng tìm kiếm hỗ trợ ít hơn.

Theo Christopher Basgier, Giám đốc Trung tâm Viết của ĐH Auburn, trước đây, sinh viên năm nhất chiếm 30% số người cần trợ giúp. Tuy nhiên, giờ đây, con số này đã giảm còn 20%.

"Có thể, sinh viên năm nhất từng dành nhiều thời gian hơn học ở nhà trong những năm trước nên giờ đây, họ không quen ra ngoài và tìm kiếm thêm trợ giúp,” ông nói.

Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn đối với sinh viên là họ phải mất nhiều thời gian, tiền bạc hơn để lấy được bằng, hoặc tệ hơn là không lấy được bằng.

Tại ĐH Benedict, nơi theo học của nhiều sinh viên thuộc thế hệ đầu tiên trong các gia đình có thu nhập thấp được học đại học, đại dịch đã khiến việc đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đúng hạn trở nên khó khăn hơn, TS Artis cho hay. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Mỹ, năm học 2021-2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong 6 năm đại học chỉ ở mức 25%.

Theo bà Artis, ĐH Benedict đã cung cấp gấp 2 nguồn lực cho những sinh viên đang cân nhắc nghỉ học. Kể cả khi tỷ lệ tốt nghiệp thấp, bà vẫn cho rằng sự hỗ trợ của trường là hợp lý.

Không chỉ kiến thức

Không chỉ kiến thức, đại dịch còn tác động lên sức khỏe tâm lý của đối tượng thanh thiếu niên.

Quan sát các học sinh cấp 3 phải học trực tuyến những năm cuối cấp, TS Artist nhận xét họ có vẻ dè dặt hơn, ít có tinh thần tham gia vào các hoạt động nhóm đông người.

leftcenterrightdel
 Roslyn Clark Artis, Hiệu trưởng ĐH Benedict cho hay thế hệ sinh viên mới dè dặt hơn. Ảnh:NYT. 

Amy Hughes-Giard, Phó hiệu trưởng ĐH Oregon, cũng cho hay nhiều sinh viên trường bà bàng quan với nhiều hoạt động của trường.

"Họ muốn kết nối, nhưng họ không chắc chắn", bà cho hay nhà trường đang cố gắng kết nối với sinh viên bằng nhiều sự kiện.

Clutch Anderson, 21 tuổi, sinh viên ngành Nghệ thuật công nghiệp tại ĐH Oregon, cho hay mình khó khăn khi thiết lập các thói quen. Khi Covid-19 bùng phát, Anderson đang là sinh viên năm nhất. Trong năm tiếp theo, cậu bị u uất do dành toàn bộ thời gian của mình vào những lớp học từ xa và hầu như không ra khỏi nhà chung. Giờ đây, khi là sinh viên năm cuối, cậu cho biết mình vẫn đang chật vật để ra khỏi cảm giác này.

Bà Hughes-Giard lo lắng khi thế hệ sinh viên sau này không dễ dàng thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Thậm chí, nhiều sinh viên còn phải gánh vác trách nhiệm đi làm để nuôi sống bản thân và cả gia đình.

"Chúng tôi luôn cố gắng xoa dịu ảnh hưởng của đại dịch lên các em. Tuy nhiên, có vẻ, tác động này quá lớn", bà nói.

Theo zingnews