leftcenterrightdel
 Ngoài việc học, McLeod phải làm thêm hai công việc để chi trả cho phí sinh hoạt. Ảnh:Edinburghlive.

Theo Edinburghlive, Ashely McLeod (26 tuổi), sinh viên năm ba ĐH Queen Margaret, dành khoảng 2.000 giờ mỗi học kỳ cho các vị trí thực tập không lương để đủ điều kiện tốt nghiệp và trở thành nhân viên y tế. Nữ sinh viên phải sắp xếp các ca làm việc bán thời gian trong NHS, công việc theo giờ và tình nguyện viên sơ cấp cứu của Street Assist.

McLeod sống cùng 3 sinh viên cùng ngành. Họ đều phải chi trả thêm các chi phí liên quan ngành học như di chuyển đến chỗ làm, học để lấy giấy phép lái xe cứu thương. McLeod chia sẻ họ phải xoay xở nhiều cách để cắt giảm chi tiêu, bao gồm cả việc dừng đun nước tại nhà từ tháng 7.

Dừng đun nước, đến phòng gym để tắm

Ashley McLeod chia sẻ: "Chúng tôi còn khoảng thời gian thực sự khó khăn ở phía trước. Chúng tôi tắt nồi đun nước vì chi phí quá cao. Nếu cần phải rửa chén bát, chúng tôi sẽ dồn lại một vài ngày rồi đun một ấm nước để rửa. Chúng tôi đến phòng tập gym để tắm".

Ngoài học tập và làm việc, nữ sinh còn làm tình nguyện vào cuối tuần và chọn ca làm việc ở ngân hàng quản lý vaccine Covid-19 ở NHS. Nhưng những công việc này không ổn định, cô phải cạnh tranh với nhiều người khác ở Lothian để có ca làm việc. 

McLeod làm tình nguyện viên tại Street Assist, một tổ chức tình nguyện ở Edinburgh. "Tôi cố gắng làm việc bất cứ khi nào có thể, nhưng đôi khi khó có thể làm việc tại ngân hàng vaccine", nữ sinh năm ba nói.

Cô cho biết vào năm ngoái, sinh viên ngành Y bắt đầu được nhận học bổng như các sinh viên ngành Điều dưỡng. Thời điểm đó, mọi thứ đều tăng giá. Vì vậy, học bổng không đủ để trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt. Trong thời điểm khó khăn này, sinh viên phải bỏ các chi tiêu không cần thiết, tập trung trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản, tính toán mọi thứ.

McLeod nói thêm nhóm sinh viên của cô trả 25 bảng Anh cho thẻ thành viên phòng tập gym - nơi họ có thể tắm. Họ cũng sạc điện thoại trong khi học ở trường để tiết kiệm tiền.

"Ở tuổi 26, tôi cảm thấy mình may mắn khi có công việc, thu nhập. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi thực sự phải lo lắng về tiền, đặc biệt khi xăng tăng giá hồi tháng 10 năm ngoái", Ashley McLeod nói.

Cô khuyên các sinh viên khác đang gặp khó khăn cố gắng tìm kiếm mọi sự trợ giúp, bao gồm học bổng từ trường.

Tiền thuê nhà đắt đỏ

Chi phí thuê nhà tăng cao tác động rất lớn đến sinh viên. Dù năm học bắt đầu rồi, nhiều người vẫn loay hoay tìm chỗ ở. Ashley McLeod giải thích: "Tôi sống cùng 3 người bạn cùng khóa. Căn hộ chúng tôi đang sống đã vượt quá ngân sách".

Khó tìm thấy căn hộ có giá thuê nằm trong ngân sách, McLeod đã ngủ nhờ nhà của người khác một tháng trong khi cố gắng tìm chỗ ở. Sau đó, cô may mắn tìm được căn hộ 3 phòng ngủ ở Meadowbank nhưng căn hộ vượt quá ngân sách. Mỗi tháng, họ phải trả 1.770 bảng Anh, không bao gồm các chi phí khác. Năm ngoái, nữ sinh chỉ phải trả 500 bảng Anh/tháng tiền thuê nhà.

McLeod kể năm học bắt đầu nhưng một người bạn của cô vẫn chưa tìm được nhà ở. Khi nghỉ làm, nữ sinh phải làm việc ở cửa hàng thực phẩm và vẫn nghĩ về tiền bạc. Nếu không có thời gian nghỉ ngơi, Ashley sẽ rất căng thẳng.

leftcenterrightdel
Chi phí sinh hoạt và các khoản phí khác khiến việc trở thành nhân viên y tế trở nên khó khăn đối với McLeod. Ảnh minh họa:Financial Times

Hiện tại, việc thiếu nhân viên y tế diễn ra khắp cả Vương quốc Anh. Các cuộc gọi xe cứu thương tăng gấp 10 lần so với số lượng nhân viên cấp cứu, theo phân tích mới của dữ liệu NHS. Phân tích cho thấy năm 2010-2011 có 7,9 triệu cuộc gọi. Tuy nhiên đến năm 2021-2022, con số này đã tăng lên đến 14 triệu cuộc gọi, tức tăng 77%.

Trong khi đó, số lượng nhân viên xe cứu thương chỉ tăng 7%, điều này gây áp lực nhiều hơn cho các nhân viên. Đối với nhiều người, đây là một công việc mơ ước nhưng chi phí để trở thành một nhân viên y tế thật sự rất đắt đỏ. McLeod cho biết công việc cố định cũng tiêu tốn của cô khá nhiều vì phải đi bất kỳ đâu ở Scotland, cô phải sắp xếp chỗ ở và di chuyển.

Năm ngoái, cô đến Melrose - nằm ở biên giới nước Anh. Vì nơi này quá xa và tính chất của ca làm việc, cô phải tạm thời chuyển đến đây và phải trả tiền cho một căn hộ khác khi làm việc. Nữ sinh phải trả thêm khoảng 1.000 bảng Anh để có bằng lái xe cứu thương.

Sinh viên ngành Y không cần phải có bằng lái xe cấp cứu để tốt nghiệp nhưng họ cần nó cho công việc. McLeod dùng tiền trợ cấp để chi trả khoản này.

Theo zingnews