leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trong một thư ngỏ gửi đến tờ Telegraph, nhóm gồm 80 học giả cho rằng, dạy trực tuyến thua xa về mặt hiệu quả so với dạy trực tiếp và những người trẻ tuổi không thể tiếp tục bị buộc phải chịu đựng gánh nặng do đại dịch gây ra.

Họ viết: "Với tư cách là những người hết mình vì sự nghiệp giáo dục, chúng tôi kêu gọi Chính phủ cam kết giữ cho các trường đại học tiếp tục mở cửa dù trong bất kỳ diễn biến nào của dịch Covid-19".

Giáo sư Lee Jones, một chuyên gia kinh tế chính trị ở Đại học Queen Mary London (QMUL) bày tỏ lo ngại, việc học trực tuyến làm mất tinh thần và có ảnh hưởng sâu sắc đối với những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

"Rất nhiều sinh viên của chúng tôi không có kết nối Internet tốt, không có máy tính xách tay riêng, họ đang phải chia sẻ không gian và máy tính với gia đình. Kết quả là 2/3 sinh viên của chúng tôi bỏ lỡ các buổi học", ông nói.

Đề xuất này bắt nguồn từ việc, tuần trước, Công đoàn Đại học và Cao đẳng, đại diện cho các giảng viên đã kêu gọi các đại học (vừa mở cửa trực tiếp một thời gian) chuyển sang giảng dạy trực tuyến trong tuần cuối cùng của học kỳ. Tổng thư ký Jo Grady cho biết đây là biện pháp tạm thời hợp lý nhất tránh sự lây nhiễm trước Giáng sinh trong thời điểm, nước Anh đang chứng kiến đợt lây lan mạnh của biến chủng Omicron.

Giáo sư Jones đánh giá, lập trường của Công đoàn là "thiển cận". "Sẽ thật là ngây thơ nếu Công đoàn nghĩ rằng việc học trực tiếp là không cần thiết và có thể giảng dạy trực tuyến hiệu quả", ông nói.

Một báo cáo tóm tắt từ tổ chức Đại học Vương quốc Anh (UUK) tiết lộ rằng các trường học đang bằng mọi giá tìm cách "tận dụng" các khoản đầu tư mà họ đã chi ra trong quá trình "chuyển đổi kỹ thuật số", để tiếp tục duy trì dạy online.

Mặc những cảnh báo của các chuyên gia, nhiều trường học vẫn có kế hoạch tiếp tục giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội chợ nghề nghiệp và thực tập dưới hình thức trực tuyến.

Theo vnexpress