Ngưu Chữ giang (sông Bến Nghé) được khắc trên Cao đỉnh thuộc cửu đỉnh triều Nguyễn - ẢNH: NAM HOA
Sông Ngưu Chữ (Bến Nghé) là con sông như thế nào mà lại được vinh dự chạm khắc lên chiếc đỉnh ứng với thụy hiệu của vua Gia Long - Thế tổ Cao Hoàng đế, vị vua sáng lập vương triều Nguyễn?
Về con sông này, sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều nguyễn - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, phiên dịch và chú giải, NXB Thuận Hóa 2006 - tập 5, quyển 31 - tỉnh Gia Định) chép: “Sông Ngưu Chữ (Bến Nghé) ở cách huyện Bình Dương 5 dặm về phía bắc, có tên nữa là sông Tân Bình, phát nguyên từ thác lớn Bưng Đàm, chảy về phía đông qua thủ sở Tầm Vông, đến sông Băng Bọt qua sông Bình Đồng, đến bến đò trước tỉnh thành (Gia Định), rồi chuyển về phía bắc, xuống phía đông vào ngã ba Nhà Bè, hợp với sông Phúc Bình, lại chảy chừng 142 dặm, đổ ra biển Cần Giờ. Hai bên sông nhiều chi lưu, phía tây nam là địa giới tỉnh Gia Định, phía đông bắc là địa giới tỉnh Biên Hòa. Lòng sông rộng và sâu, thuyền buôn nước ta cùng các nước liên tiếp nhau cột buồm lươn lướt, là một chỗ đại đô hội.
Tương truyền sông này trước nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau, rống lên như trâu rống cho nên gọi tên như thế. Đầu năm Mậu Thân, đầu đời Trung hưng, thu phục Gia Định, nước sông trong; năm Gia Long thứ 16 nước sông lại trong; năm Minh Mệnh thứ 2 và thứ 6 nước sông lại hai lần trong, người ta cho như thế là điềm thái bình. Năm thứ 17 đúc cửu đỉnh, đúc tượng hình sông vào Cao đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3, ghi vào điển thờ”.
Bản đồ Gia Định 1815 do Trần Văn Học vẽ, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã Việt hóa và thêm vào nhiều địa danh không có trong bản đồ gốc - ẢNH: T.L
Sách Gia Định thành thông chí (tác giả Trịnh Hoài Đức, dịch giả Nguyễn Tạo, xuất bản năm 1972, tập thượng - trấn Phiên An) chép: “Sông Tân Bình ở địa hạt phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục danh sông Bến Nghé, rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, con nước lên sâu 3 thước, những tàu buôn và ghe thuyền lớn nhỏ của bản quốc và ngoại quốc liên tiếp đến đậu, trông thấy trụ buồm liên lạc, làm ra một đại đô hội. Bến đò từ trước thành, uốn quanh lên phía tây đến sông Bình Đồng (tục danh sông Đồng Cháy), qua sông Băng Bột, ngược dòng lên thú sở Tầm Phong rồi đến thác lớn Bương Đàm (?) là chỗ cùng nguyên, tất cả là 462 dặm. Bến đò từ trước thành quanh ra phía bắc, uốn lại phía đông xuống cửa Tam Giang Nhà Bè hiệp làm sông Phước Bình đổ ra cửa lớn Cần Giờ là 142 dặm rưỡi. Hai bên có nhiều sông nhánh, phía tây nam sông là địa giới trấn Phiên An, phía đông bắc sông là địa giới trấn Biên Hòa”.
Giữa hai cuốn sách cổ này có một số địa danh khá giống nhau, có lẽ là một nhưng do phiên âm mà có đôi chút khác biệt (Bương Đàm với Bưng Đàm; Tầm Phong với Tầm Vông; Băng Bột với Băng Bọt). Trịnh Hoài Đức - tác giả của Gia Định thành thông chí là người Gia Định, nổi danh trong “Gia Định tam gia”, nên những địa danh ông viết hẳn là đáng tin cậy hơn.
Sông Bến Nghé và sông Sài Gòn có liên quan ra sao?
Như vậy, theo hai tài liệu trên, sông Bến Nghé được khắc trên Cao đỉnh chính là sông Sài Gòn ngày nay. Điều đó cũng được thể hiện trên tấm bản đồ Gia Định được Trần Văn Học - một võ tướng của vua Gia Long vẽ vào năm 1815. Vì kênh Tẻ mãi tận năm 1905 mới được đào, nên các bản đồ về trước, nó chưa xuất hiện.
Nhưng trong tài liệu cũ còn có một con sông khác được gọi là sông Sài Gòn, vậy nó là con sông nào?
Đại Nam nhất thống chí chép: “Sông Sài Gòn: tức là sông An Thông, nguồn từ miền rừng núi phía đông nước Cao Mên, chảy về huyện Bình Dương gọi là sông Sài Gòn…”.
Bản đồ TP.HCM ngày nay - ẢNH: T.L
Còn Gia Định thành thông chí chép chi tiết hơn: “Sông An Thông tục danh sông Sài Gòn ở phía tây nam trấn (Phiên An); sông cũ từ cầu Thị Thông đi qua Sài Gòn đến sông Lao, quanh xa mà hẹp nhỏ, khuất khúc, nước cạn. Mùa xuân năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long 18, vua sai Gia Định thành Phó tổng trấn Thị trung tả thống chế Lý chính hầu Hoàng Công Lý giám đốc dân phu trấn Phiên An hơn 11.460 người chia làm 3 phiên, quan trấn cấp tiền gạo cho, đổi đường sông cũ đào mở kinh mới. Khởi đào từ cầu Thị Tông thẳng đến sông Mã Trường (sông Ruột Ngựa) 2.129 tầm 1 thước, kể thành 9 dặm rưỡi, bề ngang 15 tầm sâu 9 thước, hai bên để đất trống đều 8 tầm, đến đường quan lộ bề ngang 6 tầm.
… Vua ban tên gọi An Thông hà; dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên nước ròng thuyền bè qua lại, chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông các ngả, rất là tiện lợi”.
Đối chiếu với một số bản đồ Sài Gòn xưa và các địa điểm trên bản đồ TP.HCM hiện tại thì:
- Rạch Lò Gốm xưa nay chính là kênh Tân Hóa - Lò Gốm;
- Kênh Ruột Ngựa nay chính là đoạn kênh Phú Định, từ ngã ba kênh Tàu Hủ - rạch Lò Gốm xuống đến chợ Rạch Cát gặp Kênh Đôi. Cái tên kênh Ruột Ngựa do ông Nguyễn Cửu Đàm đặt, sau khi theo lệnh chúa Nguyễn đào lại cho thẳng một đoạn rạch Bến Nghé cũ năm 1772
- Sông An Thông xưa chính là đoạn kênh Tàu Hủ ngày nay, chảy cặp theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ khoảng vị trí cầu Nguyễn Tri Phương đến khi hòa vào kênh Tân Hóa - Lò Gốm tại vị trí cầu Lò Gốm trên đại lộ Võ Văn Kiệt.
Thật thú vị, sông Bến Nghé xưa, nay là sông Sài Gòn; còn sông Sài Gòn xưa nay là một phần của kênh Bến Nghé.
Theo thanhnien