leftcenterrightdel
Việc tìm tòi, vui chơi giữa thiên nhiên giúp trẻ cảm thấy thư giãn và học được thêm các kỹ năng xã hội sau giai đoạn giãn cách kéo dài 
Một xu hướng… hơn trăm tuổi

Sau hơn một năm mắc kẹt giữa những bức tường, ít được tiếp cận với thiên nhiên, Magdalena Begh vui mừng khi con gái sáu tuổi của cô, bé Alia, trở về từ buổi học ngoại khóa ở rừng và thông báo rằng cô bé đã tìm thấy ba bộ xương chuột. Một trong số đó, Alia cho rằng "khá mới".

Begh nói: “Những quan sát nhỏ này rất quan trọng đối với việc học của bọn trẻ. Điều đó thật tuyệt vời”.

Kể từ khi Alia và chị gái Hana (9 tuổi) tham gia câu lạc bộ sau giờ học Urban Outdoors Adventures in Nature ở phía Bắc London (Anh) vào tháng Sáu, cả hai đã học cách sử dụng đất sét; tìm hiểu về côn trùng; làm lửa trại, mứt cam và cung tên. Hai chị em là một phần của làn sóng trẻ em trên khắp nước Anh tham gia các trường học trong rừng kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Trong số hơn 200 trường học “rừng” được Hiệp hội Trường học Lâm nghiệp (FSA) khảo sát, khoảng 2/3 cho biết nhu cầu về dịch vụ của họ đã tăng lên từ tháng 3/2020. Dường như xu hướng này bắt nguồn từ việc nhận thức về lợi ích của hoạt động ngoài trời được nâng cao, đặc biệt về mặt giải tỏa căng thẳng và lo lắng, đảm bảo an toàn trước nguy cơ lây nhiễm và sự không hài lòng với chương trình giảng dạy sau nhiều tháng học tại nhà suốt đại dịch.

Gareth Wyn Davies - Giám đốc điều hành FSA - cho biết: "Lớp học từ thiên nhiên đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết nhưng vẫn còn một số khó khăn. Đây là một lĩnh vực khá mới tại Anh. Hầu hết đều là sáng kiến cấp cơ sở và chưa có sự quan tâm của chính phủ từ trên xuống".

Trên thực tế, những lớp học không gian mở đã manh nha từ hơn 100 năm trước. Khi bệnh lao lan rộng và gây ảnh hưởng đến trẻ em vào đầu những năm 1900, phong trào trường học ngoài trời đã được phát động ở Đức. Năm 1904, Waldschule (trường học trong rừng) được mở tại Berlin. Thành công của nó lan rộng với các trường được mở ở Scandinavia và nhiều trường ở Anh.

leftcenterrightdel
 Nixon (ba tuổi) thức dậy lúc mặt trời vừa ló dạng để trở lại sở thú. Cậu bé mê mẩn trước những chú vẹt sặc sỡ - Ảnh: The Age 
Một phong trào toàn quốc cho các trường học với không khí trong lành đã được phát động trên khắp nước Mỹ vài năm sau đó. Năm 1912 tại New York, một trường tư thục đã chuyển lớp học lên mái nhà. Một trường khác chọn giảng dạy trên chiếc phà bỏ hoang và một trường khác hoạt động ngay tại Công viên Trung tâm.

Các trường học trong rừng bắt đầu phát triển ở Anh vào năm 1993. Lấy cảm hứng từ văn hóa ngoài trời (hay friluftsliv) của vùng Scandinavia, các buổi học thường được tổ chức hoàn toàn hoặc chủ yếu ở ngoài trời nhằm mục đích bổ sung, thay vì thay thế giáo dục truyền thống.

Hệ thống trường công lập ngày càng tăng cường các buổi học trong rừng cho học sinh vì chúng được coi là có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất, hành vi và kết quả học tập, đồng thời tương đối an toàn hơn so với lớp học kín về nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Vicki Stewart - Giám đốc Trung tâm Brightwood Training - cho biết các trường học đang chuyển sang hình thức lớp học trong rừng để dạy trẻ em các kỹ năng xã hội, khơi dậy sức mạnh tình cảm và thể chất vốn đã trở nên chai sạn trong thời gian giãn cách.

Cô Vicki nhận xét: “Trẻ em ở trong nhà chỉ có thể sử dụng công nghệ để nói chuyện với bạn bè và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ”.

Tại lớp học trong rừng, Vicki dạy bọn trẻ những trò chơi nhóm quen thuộc như trốn tìm, cút bắt… Đa số trẻ đều không biết đến các trò chơi truyền thống do thiếu trải nghiệm ngoài trời, phần vì dịch bệnh, phần vì phụ huynh lo sợ về sự an toàn khi cho trẻ chơi bên ngoài và áp lực đạt được thành tích trong học tập.

Điều thú vị từ vườn thú

Những chú vẹt lorikeets cầu vồng biết rằng đã đến giờ mở cửa ở Sở thú Melbourne. Theo từng đàn hàng chục con, chúng sà vào giữa những tán cây và đĩa thức ăn, kêu la với âm lượng khủng khiếp. Đứng giữa đám vẹt rực rỡ và hỗn loạn ấy là cậu bé Nixon (ba tuổi) trong chiếc nón vải, hoàn toàn bị mê hoặc trong ngày đầu được đến sở thú sau nhiều tháng ở nhà.
leftcenterrightdel
 Kathryn Whittle-Williams - giáo viên Trường học trong rừng Urban Outdoors Adventure in Nature - dẫn dắt một bài học ở Camden Town, London - Ảnh: The Observer 
Karen Child, bà của Nixon, đã đặt vé ngay khi sở thú mở cửa sau khi kết thúc thời gian phong tỏa của tiểu bang. Khi đăng nhập vào trang web Zoos Victoria vào tuần trước, bà Karen tưởng mình đang “tranh vé” cho đêm diễn của một ban nhạc nổi tiếng với hơn 5.000 người trong hàng đợi.

Karen chia sẻ: “Tôi chờ đợi và đã thành công, chúng tôi có mặt ở đây ngay từ ngày đầu tiên và không gì tuyệt hơn thế. Chuyến đi rất quan trọng đối với chúng tôi. Nixon đã dậy từ lúc rạng sáng, háo hức chờ đợi. Chúng tôi đến vườn thú ít nhất mỗi tháng một lần. Thật vui khi gia đình cùng đến đây với bọn trẻ, chúng thực sự thích nơi này”.

Nixon và Karen nằm trong số 3.000 khách đã đặt trước vé tham quan Sở thú Melbourne trong ngày đầu mở cửa vào cuối tháng Mười. Con số tương tự cũng được ghi nhận tại các vườn thú khác của tiểu bang. Vườn thú đã đóng cửa trong gần ba tháng ở lần khóa cửa thứ sáu của bang Victoria nhưng hàng ngàn vé đã được bán ra khi các sự kiện trong nhà được mở lại cùng với việc nới lỏng các hạn chế khi Victoria đạt mức 80% tiêm chủng mũi hai. 

Michelle Bruggeman, Giám đốc Sở thú Melbourne, nói: “Đối với hầu hết nhân viên của chúng tôi, công việc diễn ra như thường lệ: duy trì cơ sở vật chất, nuôi động vật và chăm lo vấn đề sức khỏe của chúng. Dù vậy, việc gặp lại những đứa trẻ và chứng kiến sự thích thú của chúng trước các loài động vật là cảm giác thật đặc biệt”.

Một số câu chuyện tích cực đã xuất hiện tại vườn thú trong đại dịch. Chương trình nhân giống loài thằn lằn đồng cỏ không tai của sở thú Melbourne (được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên ở Victoria hơn mười năm qua) đã thành công, ba cá thể quỷ Tasmania được sinh ra tại Healesville Sanctuary trong những tháng gần đây.
leftcenterrightdel
 Tara Softley, Sharni Wood cùng năm đứa trẻ nằm trong số những vị khách đầu tiên của sở thú Melbourne sau nhiều tháng nơi này đóng cửa vì giãn cách xã hội - Ảnh: The Age

Ngoài ra, vườn thú cũng trở nên tươi đẹp hơn khi bướm xuất hiện trong những tháng giãn cách. Tiến sĩ Sally Sherwen - Giám đốc khoa học và bảo tồn động vật hoang dã của sở thú Melbourne - nhận định tốc độ tận dụng môi trường thay đổi của bướm chứng tỏ khả năng thích nghi của các loài động vật hoang dã.

Một nhóm động vật khác của sở thú Melbourne có hành vi thay đổi là đười ươi. Chúng có vẻ thích quan sát con người nhiều như cách khách tham quan vườn thú quan sát chúng.

Với năm đứa trẻ, Tara Softley và Sharni Wood cũng là những du khách đầu tiên bước qua cổng của vườn thú Melbourne. Cậu bé Pippa (ba tuổi) tỏ ra hào hứng với hươu cao cổ, cậu bé Hendrix (năm tuổi) muốn đến chuồng sư tử còn Lola (ba tuổi) vui vẻ đi cùng mọi người khi được diện chiếc váy thêu hình một con kỳ lân. Tất cả người lớn đều đã tiêm vắc xin và đảm bảo quy định về đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân cũng như những con thú trong vườn.

Lo lắng là đúng khi động vật nuôi nhốt trong vườn thú bắt đầu nhiễm COVID-19 từ người chăm sóc và có thể là du khách. Vào tháng Chín, 13 con khỉ đột vùng trũng - loài đang bị đe dọa nghiêm trọng - tại một sở thú ở Atlanta (Mỹ) đã nhiễm virus từ một người trông coi vườn thú. Đó không phải là lần đầu động vật vườn thú nhiễm bệnh. Khỉ đột, sư tử và hổ ở nhiều vườn thú đã mắc COVID-19.

Kết quả là gần 70 vườn thú trên toàn thế giới đang thử nghiệm tiêm vắc xin COVID-19 cho động vật. Tiến sĩ Tara Reilly, bác sĩ thú y của vườn thú Virginia, Mỹ cho biết: “Hiện đã có vắc xin phòng bệnh COVID-19 được thiết kế đặc biệt cho động vật. Đó là sản phẩm của Công ty Zoetis”. 

Theo phunuonline